Xuất khẩu: sẽ khắc nghiệt hơn!
Cùng với các hiệp định thương mại tự do, cánh cửa xuất khẩu hàng Việt Nam được dự báo sẽ rộng mở từ năm 2016. Tuy nhiên, thị trường tự do hơn cũng đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt hơn. Việc giành thị phần của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn bội phần!
Cà phê xuất khẩu đang gặp khó do tỷ giá. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
|
2016: Cạnh tranh khốc liệt, kiện tụng gia tăng!
Chia sẻ bên lề hội nghị giao ban về tình hình xuất khẩu chín tháng đầu năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM ngày 12-10 vừa qua, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, không ngần ngại tiên liệu sắp tới đây, cho dù các điều kiện xuất khẩu hàng sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn nhưng sản phẩm thép của Hoa Sen chắc chắn sẽ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ ngành sản xuất thép của Mỹ. Ông Vũ cho biết Hoa Sen đang đối mặt với 4-5 vụ kiện chống bán phá giá từ nhiều nước, xoay xở vượt qua vụ kiện này thì lại vướng tiếp vụ kiện khác. “Chúng tôi phải tính đến việc lập bộ phận tư vấn pháp lý gồm các luật sư giỏi đủ sức xử lý các vụ kiện chống bán phá giá sắp tới”, ông cho biết.
Ông Vũ cho rằng việc phải chi phí thêm cho vấn đề tư vấn pháp lý kiện tụng là điều cần thiết. Trước đây, Hoa Sen từng tiên lượng sẽ bị Úc kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ kẽm nên đã đi trước một bước là thuê luật sư tư vấn pháp lý ngay tại Úc. Đến khi Hoa Sen bị Úc nêu tên điều tra chống bán phá giá thì doanh nghiệp đã chứng minh đầy đủ số liệu và đã vượt qua được vụ kiện. Ông Vũ chia sẻ rằng khoản chi phí vài trăm ngàn đô la Mỹ để ứng phó với kiện chống bán phá giá không phải là quá lớn so với doanh số xuất khẩu của công ty. Tuy nhiên, theo ông, đây không phải là vấn đề của riêng Hoa Sen mà sẽ là áp lực chung đè nặng lên các doanh nghiệp thép, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Với xu hướng hội nhập toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ đi vào cuộc sống trong một hai năm tới, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước áp lực phải chủ động tự cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cơ bản, ông Lê Phước Vũ nhận định nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang trong chu kỳ suy giảm sâu và sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa. Do vậy, áp lực cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, các nước sẽ tận dụng các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại mạnh mẽ hơn, theo đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Nhìn rộng ra cho nhiều ngành nghề khác, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với hiệp hội ngành nghề cũng như các cơ quan quản lý nhà nước (như Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương hay các thương vụ thuộc đại sứ quán tại các nước) để có những đối sách ứng phó với tình huống bị khởi kiện.
Xem tiếp tại đây
Văn Nam - Thu Nguyệt
tbktsg
|