Thúc thủ trước hàng ngoại giá cực rẻ
Công cụ phòng vệ thương mại hiện vẫn đang là công cụ của “nhà giàu”, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ.
Còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết để phòng vệ thương mại (PVTM) được sử dụng hiệu quả ở Việt Nam nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã nhấn mạnh như trên. Bà Trang nói: “Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu. Không ít hàng hóa nhập khẩu đã được bán với giá thấp kỷ lục, thậm chí được cho là giá “hủy diệt” tại Việt Nam. Những hiện tượng này đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho các DN Việt Nam và lâu dài có thể ảnh hưởng tới triển vọng của các ngành sản xuất trong nền kinh tế”.
Đối thủ ra đòn 19 lần, Việt Nam ra đòn một lần
. Phóng viên: Thưa bà, vậy các DN đã sử dụng các biện pháp PVTM như thế nào để tự cứu mình?
+ TS Nguyễn Thị Thu Trang: Các nước trên thế giới từ lâu đã biết tới các công cụ PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Họ sử dụng hiệu quả các công cụ này để bảo vệ các DN của mình khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu.
Trong những năm qua, hàng xuất khẩu Việt Nam đã bị các DN nước ngoài khởi kiện chống bán phá giá 70 vụ, kiện trợ cấp bảy vụ và một số vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ khác. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 46 vụ. Trong khi đó, DN Việt chỉ mới sử dụng các biện pháp PVTM vỏn vẹn bốn lần, trong đó có ba vụ kiện tự vệ và một vụ kiện chống phá giá.Tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là hai vụ.
Như vậy có thể ví von rằng: Đối thủ ra đòn 19 lần trong khi Việt Nam chỉ ra đòn một lần. Còn ra đòn thành công thì họ hạ nốc ao chúng ta 23 lần, ta hạ nốc ao họ được một lần.
. Có ý kiến cho rằng không phải DN nào cũng đủ điều kiện để sử dụng các biện pháp PVTM. Bà nghĩ sao về điều này?
+ Ở cả bốn vụ việc PVTM của Việt Nam thì trong số các nguyên đơn luôn có ít nhất một DN có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường. Thực tế này có lẽ không quá khó lý giải bởi thường thì các DN có thị phần lớn (thống lĩnh) là các DN mạnh, có đủ năng lực để theo đuổi các thủ tục phức tạp cũng như có đủ nguồn lực để “đầu tư” vào vụ kiện.
Rất tiếc, điều này cũng đồng nghĩa với việc công cụ PVTM hiện vẫn đang là công cụ của “nhà giàu”, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của các DN nhỏ, vốn là những chủ thể phải chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất thép kêu cứu trước tình trạng lách thuế của thép Trung Quốc. Ảnh: CTV
Có “vũ khí tự vệ” nhưng không biết sử dụng
. Bà có thể nói cụ thể hơn tại sao công cụ PVTM lại chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, nhất là các DN nhỏ?
+ Thứ nhất, DN không biết đến công cụ PVTM. Khi tham gia kinh doanh, cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, DN được suy đoán là người hiểu rõ nhất tình hình cạnh tranh trên thị trường và do đó cũng biết về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng có một thực tế là hầu hết DN đều lúng túng, không biết xử trí trước những hành vi đó như thế nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, một số DN, hiệp hội đã biết về các công cụ pháp lý nhưng lại không hiểu rõ về những điều kiện, đòi hỏi về pháp lý và thủ tục mà mình cần tuân thủ để có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả. Nói một cách khác, DN và hiệp hội của chúng ta có “vũ khí tự vệ” trong tay nhưng hoặc là không biết mình đang sở hữu chúng, hoặc biết là có mà không được hướng dẫn cách sử dụng như thế nào cho đúng và hiệu quả.
Thứ ba, các DN đã biết có “vũ khí phòng vệ”, mong muốn sử dụng nhưng khó sử dụng. Khó khăn về mặt kỹ thuật như pháp luật, điều kiện thủ tục tiến hành kiện không dễ đáp ứng. Khó khăn về nguồn lực như việc chuẩn bị nguồn nhân lực, thời gian và chi phí tài chính cho chuẩn bị hồ sơ, quá trình theo đuổi vụ kiện…
. Như vậy, có vẻ như việc chưa sử dụng các công cụ PVTM có lỗi lớn từ các DN, thưa bà?
+ Đây là câu chuyện của “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vì chưa có sự chuẩn bị tốt nên các DN Việt chưa thể sử dụng tốt các công cụ PVTM vốn dĩ rất quan trọng. Vừa qua, có một số DN, ngành hàng làm công văn đề nghị Chính phủ đứng ra kiện. Kết quả điều tra cũng cho thấy có tới 28% DN muốn Chính phủ trợ cấp tài chính đi kiện. Nhưng Chính phủ chỉ có thể điều tra về các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi DN có nhu cầu. Chính phủ không đi kiện thay cho DN.
Phải chuẩn bị kỹ
Trả lời câu hỏi vì sao đến nay Việt Nam chưa thể kiện vụ đùi gà đông lạnh Mỹ nghi bán phá giá, bà Trang cho biết: Với một vụ kiện chống bán phá giá, trong đơn kiện, nguyên đơn cần đưa ra được những thông tin và bằng chứng để chứng minh (i) hàng nhập khẩu có hiện tượng bán phá giá và (ii) gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa. Ví dụ, các thông tin về lượng xuất khẩu hay giá xuất khẩu để chứng minh, những thống kê về các tác động từ hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất nội địa (việc làm, doanh thu, thị phần...); (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên. Chỉ khi các thông tin sơ bộ này đủ thuyết phục thì mới có hy vọng cơ quan có thẩm quyền chấp nhận khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Để chuẩn bị cho một bộ hồ sơ khởi kiện không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Hiệp hội và các DN chăn nuôi gia cầm trước hết phải tìm hiểu thật đầy đủ quy định pháp luật Việt Nam về các điều kiện và quy trình khởi kiện chống bán phá giá để biết là giờ phải làm gì, sắp tới sẽ phải làm gì. Sau đó là thực hiện các hoạt động để đáp ứng yêu cầu của pháp luật.
Đề nghị kiện chống bán phá giá thép Trung Quốc
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam với mục đích làm thép xây dựng đáng lẽ phải chịu thuế 9% nhưng các DN Trung Quốc đã cho một hàm lượng crom vào thép để biến phôi thép thường thành phôi hợp kim (được hưởng thuế 0%) rồi ồ ạt đưa vào Việt Nam. Chỉ riêng với số phôi thép “đội lốt” thép hợp kim nhập về Việt Nam trong tháng 8 và 9-2015 đã làm Nhà nước thất thu trên 1,89 triệu USD tiền thuế.
Từ thực tế đó, VSA đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ DN và hiệp hội nghiên cứu, thực hiện các biện pháp như tự vệ thương mại, kiện chống bán phá giá với phôi thép Trung Quốc.
|
Chân Luận
pháp luật tphcm
|