Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh
Trừ dệt may dự báo sẽ có sự bứt phá về xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2015, còn lại nhiều ngành chủ lực khác dự báo tiếp tục đối mặt với khó khăn, kéo theo kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh so với năm 2014.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị giao ban xuất nhập khẩu tháng 9 năm 2015, (ảnh) dù xuất khẩu nói chung vẫn tăng nhưng nhiều ngành sẽ gặp khó - Ảnh: Văn Nam
|
Nhìn chung, xuất khẩu vẫn tăng...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 diễn ra tại TPHCM sáng nay 12-10, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 120,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp trong nước đạt 35,49 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,7% so với cùng kỳ; trong khi nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,21 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Bộ Công Thương dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 đạt 165 – 166 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 10% so với năm 2014, đạt chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cả năm 2015 dự báo đạt 171 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,5% so với năm 2014 và kéo giá trị nhập siêu cả nước năm 2015 khoảng 5,5 – 6 tỉ đô la Mỹ (tương đương 3,3 – 3,6% kim ngạch xuất khẩu).
Dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng 10% trong cả năm 2015 nhưng một số ngành chủ lực được đánh giá sẽ còn gặp vô vàn khó khăn và có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm năm nay.
... Nhưng các ngành nông lâm thủy sản sẽ khó khăn
Cụ thể, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đạt 6,5 triệu tấn với giá trị khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 2,,7% về lượng và giảm 4,6% về giá trị so với năm 2014); xuất khẩu thủy sản cả năm dự kiến đạt 6,8 tỉ đô la Mỹ, giảm 13% so với cùng kỳ; cà phê dự kiến cả năm xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn với kim ngạch 2,8 tỉ đô la Mỹ (giảm 17,2% về lượng và 21,3% về giá trị so với năm 2014); cao su dự báo cả năm đạt 1,1 triệu tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu là 1,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 10% so với năm 2014.
Chỉ có xuất khẩu dệt may cả năm 2015 được Bộ Công Thương dự báo sẽ bứt phá mạnh trong các tháng cuối năm để có thể đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 23 tỉ đô la Mỹ cả năm 2015, tăng 10% so với năm 2014.
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 vẫn còn trong xu hướng suy giảm của thị trường thế giới, đặc biệt là những nhóm hàng dầu thô, than đá (hiện tại dầu thô và than đá đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu Việt Nam).
Theo ông Trần Tuấn Anh, phần lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết trước mắt chưa đem lại hiệu quả lớn cho xuất nhập khẩu của Việt Nam, tuy nhiên việc khai thác cơ hội từ những thị trường này là điều các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc xem xét để tận dụng.
“Trong năm 2014 sau khi có tín hiệu tăng trưởng tốt về xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thì 9 tháng đầu năm 2015 lại cho thấy có sự suy giảm trở lại của nhóm doanh nghiệp nông sản trong nước,” ông Trần Tuấn Anh nói.
Hiện nhiều lĩnh vực trong ngành nông lâm thủy sản đều chịu tác dụng tiêu cực như thuỷ sản, gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều, sắn lát… do biến động của thị trường thế giới.
Trong khi đó, với thị trường cao su và gạo, Thứ trường Trần Tuấn Anh nhận định mặt hàng gạo vừa rồi có yếu tố tích cực trở lại nhưng vẫn còn sự thiếu ổn định và phụ thuộc vào một số thị trường có sẵn. Những đối thủ của gạo Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan cũng cạnh tranh rất quyết liệt.
“Đánh giá chung 9 tháng, có thể thấy thị trường tiêu thụ hàng hóa trên thế giới tuy có sự hồi phục nhưng chưa bền vững, chưa ổn định làm gia tăng áp lực cạnh tranh do nguồn cung gia tăng từ các nước đối thủ. Các đối tác ở các nước cũng nhanh chóng đa dạng hoá nguồn cung, và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của Việt Nam,” ông Tuấn Anh nói.
Doanh nghiệp đứng trước áp lực hội nhập
“Năm nay chúng tôi chứng kiến sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu cao su, các doanh nghiệp chạy sang các ngành khác… Với ngành cao su có tỉ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô đến 80% nên phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới về giá. Trong 9 tháng đầu năm nay, với khó khăn chung của thị trường thế giới, nhu cầu của thế giới chậm do phục hồi yếu, nên tồn kho cao su tăng cao, dẫn đến áp lực giảm giá sâu,” bà Trần Thị Thuý Hoa, đại diện Hiệp Hội Cao su Việt Nam, tỏ ra lo lắng tại hội nghị sáng nay.
Còn theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chưa bao giờ áp lực hội nhập đối với cộng đồng doanh nghiệp lớn như bây giờ, nhiều thách thức và khó khăn xảy đến không lường được như bây giờ khi Việt Nam hội nhập sâu.
Ông Vũ cho biết hiện nay đang bước vào chu kỳ nhu cầu nguyên vật liệu cơ bản giảm. Trong 10-20 năm vừa qua, thế giới tăng trưởng chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc đẩy giá cả lên nhanh, giờ thì Trung Quốc đang giảm tăng trưởng kéo theo nhu cầu nguyên vật liệu cơ bản giảm nhanh.
Giá nguyên vật liệu giảm như thế này đã đẩy nhiều doanh nghiệp thép vào thế khó khăn. Giá thép đầu năm là 400-500 đô la Mỹ/tấn thì nay giảm xuống chỉ còn 270 đô la Mỹ, giảm gần 50%.
tbktsg
|