Chết yểu vì nhiệt điện: Người Việt đối diện hai nguy cơ
Chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than, Việt Nam phải tốn rất nhiều tiền để xử lý hậu quả.
Biện pháp kỹ thuật, vận hành đều có...
Kết quả nghiên cứu “Các tác động liên quan đến sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” tại Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Harvard lần đầu công bố cho rằng, mỗi năm có khoảng 4.300 người Việt chết yểu liên quan đến nhiệt điện than.
Dự báo, khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030. Nếu không cắt giảm, lượng khí thải được dự báo này có thể dẫn tới cái chết của hơn 25.000 người mỗi năm.
Xe chạy bụi bay mù mịt khu vực bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận kéo ra QL1A chặn xe phản đối hồi hồi tháng 4/2015. Ảnh: Báo Bình Thuận
|
Con số trên được đưa ra tại Hội thảo "Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết" được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện cho Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức hôm 29/9 đã gây nhiều bất ngờ.
Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt ngày 8/10, ông Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công thương bày tỏ quan điểm cần phải xem xét lại con số này bởi đây mới chỉ là con số nhóm nghiên cứu ở Đại học Havard đưa ra, chưa có phản biện và không có gì để xác định được.
"Về những căn bệnh chủ yếu người Việt Nam thường mắc phải do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than (đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, ung thư phổi, bệnh đường hô hấp, viêm đường hô hấp dưới và các bệnh đường tim mạch khác), tôi cho rằng chúng xuất hiện ở mỏ than nhiều hơn, còn trong nhà máy nhiệt điện thì ít.
Ví dụ, bệnh bụi phổi là có và Vinacomin đã thành lập một trung tâm y tế chuyên rửa phổi. Thường thì người dân xung quanh nhà máy nhiệt điện mới bị ô nhiễm, còn bản thân công nhân trong nhà máy thì không bởi khí thải đi nơi khác.
Khi xây dựng mới nhà máy đều phải có trạm quan trắc môi trường trong hàng rào nhà máy và Cục An toàn Kỹ thuật luôn có bộ phận theo dõi cái này, không bao giờ người ta để khói bụi quá khiến công nhân mắc bệnh. Ngoài ra, ở xung quanh nhà máy cũng có quan trắc môi trường.
Tôi ví dụ, sự cố tại nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vừa qua có ý kiến gọi đó là cơn bão bụi, tuy nhiên tôi cho rằng chưa chính xác bởi nó chỉ xảy ra nhất thời khi nhà máy bị sự cố, bộ phận khử bụi không làm việc. Sau một thời gian ngắn người ta đã khắc phục được, chứ không phải quanh năm ô nhiễm, như thế thì người dân sống làm sao được?", ông Lâm cho biết.
Cũng theo nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, để kiểm soát mức độ ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than gây ra, trước hết nhà máy phải giữ chế độ vận hành ổn định, ngoài ra có những thiết bị để khống chế khói bụi.
Hiện này các nhà máy nhiệt điện đều trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hiệu suất lọc bụi cao tới 90-99% nhưng trong quá trình vận hành đôi khi bị sự cố khiến bụi bị phát tán. Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định đây chỉ là sự cố hãn hữu, không phải ngày nào cũng xảy ra.
Những nhà máy mới xây dựng phải làm đồng bộ, hoàn tất mọi vấn đề về đường vận chuyển than, kho bãi chứa than, xỉ... rồi mới vận hành. Các nhà máy có nhiều cách về mặt kỹ thuật, ví dụ, phun nước vào bãi xỉ, xây tường chắn gió bãi thải xỉ, băng chuyền than khép kín... Nhìn chung, tất cả biện pháp kỹ thuật và vận hành đều có cả, chỉ có điều phải tuân thủ, áp dụng cho đúng các quy định, ông nói.
Vì sao nhà máy nhiệt điện không thực hiện đầy đủ?
Trong khi đó, bàn về những hệ lụy từ nhà máy nhiệt điện than, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, Việt Nam đang phải tiêu tốn rất nhiều tiền để xử lý hậu quả hơn cả việc đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch mà Việt Nam giàu tiềm năng.
Theo ông, hiện nay các khu khai thác than ở Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống băng tải kín từ nơi khai thác dẫn tới phương tiện vận chuyển, trong khai trường chỉ mới tưới nước, phun sương giảm thiểu bụi. Còn các công nghệ khác Việt Nam chưa có khả năng để áp dụng.
đất việt
|