Hiệp định TPP có thể có hiệu lực từ đầu năm 2018
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, do một số thủ tục pháp lý khác, Hiệp định TPP có thể được thông qua tại Quốc hội của các nước trong khoảng thời gian từ 18 – 24 tháng. Dự kiến trong khoảng thời gian từ tháng 1 – tháng 6/2018, TPP sẽ chính thức sẽ có hiệu lực.
* Phân tích về 12 nước tham gia Hiệp định TPP
Trong các ngày 30/09 đến 05/10/2015, Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Atlanta, Hòa Kỳ, để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán Hiệp định TPP.
Sau 5 ngày đàm phán khẩn trương, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại. Sáng ngày 05/10/2015 (theo giờ Atlanta), các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trình bày tại Buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định TPP
|
Các nội dung đàm phán quan trọng của TPP đối với Việt Nam
Về các nội dung đàm phán quan trọng, đối với cắt giảm thuế nhập khẩu, nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận.
Về dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này về dài hạn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay với các doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo danh mục này, các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ các nước thứ 3 (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn.
Về vấn đề mở cửa dịch vụ và đầu tư, nghĩa vụ chính là không phân biệt đối xử, bao gồm (i) không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và (ii) không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư – cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư – cung cấp dịch vụ nước ngoài.
Đối với vấn đề mua sắm của các cơ quan Chính phủ, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Các quy tắc này không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh – quốc phòng, các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và các trường hợp khác mà ta bảo lưu trong đàm phàn.
Đặc biệt, TPP không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố) và cũng không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm phục vụ an ninh – quốc phòng. Kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan Chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.
Đối với vấn đề về Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), các nghĩa vụ chính của Hiệp định bao gồm (i) Các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; (ii) Các DNNN không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; (iii) Minh bạch hóa một số thông tin về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố và (iv) Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Cần lưu ý, các nghĩa vụ của TPP được áp dụng đối với các DNNN mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định. Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng – an ninh. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thế giới. Vẫn hỗ trợ các DNNN nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP.
Về thuế xuất khẩu, Hiệp định TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là hình thức trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ). Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá có sản xuất trong nước.
6 tháng đầu năm 2018 có thể thông qua TPP
Tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23.5 tỷ USD vào năm 2020 và 33.5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025 so với kịch bản không có TPP. Theo nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và các sản phẩm phụ liệu.
Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lăm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.
Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, do một số thủ tục pháp lý khác, dự kiến Hiệp định TPP có thể được thông qua tại Quốc hội của các nước trong khoảng thời gian từ 18 – 24 tháng. Dự kiến từ tháng 1 – tháng 6/2018 có thể có được quyết định phê duyệt TPP đến từ 12 nước và khi đó TPP chính thức sẽ có hiệu lực. Do việc tham gia TPP của Việt Nam được xây dựng theo lộ trình nhất định, nên mức độ ảnh hưởng của TPP sẽ tăng dần theo thời gian kể từ khi TPP được thông qua.
Tuy nhiên, trong trường hợp Quốc hội của một quốc gia thành viên không thông qua Hiệp định, liệu TPP có được thông qua hay không? Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, hiện tại các điều khoản cụ thể của Hiệp định TPP vẫn chưa được phép công bố do điều kiện ràng buộc. Tuy nhiên, có thể nói rằng, tương tự như các hiệp định thương mại khác, trong Hiệp định TPP có một điều khoản về vấn đề chỉ cần một tỷ lệ nhất định các Quốc hội của các quốc gia trong Hiệp định thông qua TPP, có thể căn cứ vào tỷ trọng GDP hay một điều kiện khác. Hiệp định TPP vẫn có khả năng không được thông qua nếu một số Quốc hội không bỏ phiếu, nhưng đây là một tỷ lệ thấp.
Đăng Tùng
|