Xu hướng doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp “nội” còn kéo dài
Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh xung quanh vấn đề XK của khu vực FDI.
Khu vực FDI đang chiếm vị thế áp đảo trong kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam. Ông có thể cho biết một vài đánh giá về vấn đề này, thưa ông?
Năm 2005, XK của khu vực FDI mới chiếm 57% tổng giá trị XK hàng hóa của cả nước. Nhưng đến 9 tháng năm 2015, tỷ lệ này tăng lên gần 70%. Vào năm 2012-2013, Việt Nam xuất siêu nhưng việc xuất siêu hoàn toàn do khu vực FDI mang lại. Nhìn lại chuỗi số liệu cho thấy suốt từ năm 1995 đến nay, khu vực FDI luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu; từ năm 2012 đến nay khu vực FDI có xu hướng xuất siêu mạnh mẽ.
Mặc dù tỷ trọng XK của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng nhưng thật ngạc nhiên tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng lên đang kể (chỉ tăng 4,3 điểm phần trăm, từ 15,2% năm 2005 và 19,5% năm 2013. Những mặt hàng XK như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao.
Ngoài ra, trên thực tế, khu vực FDI XK nhiều, song qua tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy XK của khu vực FDI lan tỏa đến thu nhập không đáng bao nhiêu nhưng lại lan tỏa rất mạnh đến NK. Điều này cho thấy hàm lượng Việt Nam trong giá trị XK của khu vực FDI rất thấp chủ yếu là công gia công. Như vậy phải chăng XK của khu vực này chẳng qua chỉ là XK hộ nước khác.
Những con số chênh lệch rất lớn về XK giữa khu vực FDI và khu vực “nội” nói lên điều gì, thưa ông?
Điều này phần nào cho thấy, khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng. Mặt khác điều này cũng cho thấy sản xuất của khối DN trong nước đang gặp khó khăn.
Trong XK, tỷ trọng của XK hàng dệt may, điện thoại và linh kiện điện thoại chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng trị giá XK, 2 nhóm sản phẩm này có hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp và đóng góp của phía Việt nam trong chuỗi giá trị cơ bản là công gia công, lắp ráp.
Trong các nghiên cứu trước đó, ông đã chỉ ra khối DN FDI có cơ cấu vốn hợp lý và tỷ suất lợi nhuận khá hơn khối DNNN và DN tư nhân “nội”. Theo ông điều này là vì sao?
Nguyên nhân là do DN FDI không những không chịu ảnh hưởng bởi thể chế trong nước mà còn được ưu đãi gần như tuyệt đối. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của khối này trong những năm gần đây có giảm nhưng có thể là do những nguyên nhân khác như khối DN này thường khai lợi nhuận nhỏ hoặc lỗ do làm tăng chi phí đầu vào.
DN tư nhân và người dân trong nước dường như không có được một sân chơi bằng phẳng với khối ngoại, khối ngoại ở đây không chỉ là khối DN FDI mà còn tất cả cái gì mang hơi hướng ngoại nói chung. Chẳng hạn các DN FDI chủ yếu làm gia công và XK nhưng lại được nhiều ưu đãi, còn những sản phẩm sản xuất trong nước hầu như không được ưu đãi như vậy mà lại còn chịu thái độ kẻ cả của cơ quan công quyền, không chỉ DN nội mà cả người tiêu dùng trong nước cũng phải mua sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn người nước ngoài.
Hoạt động sản xuất của Samsung Việt Nam. Ảnh: THÁI BÌNH.
|
Vậy việc kích thích khu vực “nội”, đặc biệt khu vực DN tư nhân có phải là thách thức?
Đúng là cần kích thích khu vực tư nhân trong nước phát triển. Tuy nhiên, ràng buộc và chi phí chúng ta phải thấy ở đây là hệ số sinh lời của khối DN tư nhân ngày càng giảm xuống mức chỉ khoảng trên 1%, trong khi lãi suất phải trả ngân hàng trên dưới 10%. Về mặt kinh tế các DN này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất. Đấy là chưa nói đến sự đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực FDI và DNNN cũng như vô vàn những trở ngại, nhiêu khê về mặt thủ tục hành chính cũng như các chi phí không chính thức.
Theo ông, việc tham gia TPP có giúp dòng vốn của các nước tiên tiến như Mỹ vào Việt Nam?
TPP có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài trong khối các nước tham gia TPP đổ vốn vào Việt Nam, vì liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa trong khối. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt nguồn vốn FDI khi không kết nối chặt chẽ với DN nội địa để từ đó không chuyển giao được công nghệ như kỳ vọng và cam kết. Vì thế, chúng ta phải có chiến lược tận dụng tốt hơn nguồn vốn FDI và cải thiện lực lượng DN nội địa để tránh bị chèn lấn. Tuy nhiên, đây là điều rất khó. Tôi cho rằng xu hướng DN FDI lấn át khu vực nội còn kéo dài, Việt Nam chỉ có thể làm thuê cho DN nước ngoài. Chỉ có khác trước là trước đây làm thuê cho các DN như Trung Quốc, Hàn Quốc… thì nay làm thuê cho Mỹ, Úc, Nhật…
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lập tức vốn FDI tăng mạnh vào Việt Nam. Mặt trái của việc này gây ra nhiều tác động tiêu cực về môi trường khi không có chọn lọc, biểu hiện của bong bóng tài sản, chiếm đất để dự án “treo”... Vì thế, Việt Nam cần rút kinh nghiệm cho giai đoạn hậu TPP, tránh đi theo vết xe đổ của giai đoạn hậu WTO. Chúng ta cần khắt khe hơn trong tiếp nhận dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nội địa để trở thành mắt xích quan trọng với DN FDI trong nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng tỷ lệ nội địa hóa... Bằng không, DN FDI dù chiếm tới 70% kim ngạch XK của Việt Nam nhưng giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế sẽ ngày càng thấp.
Xin cảm ơn ông!
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương): Doanh nghiệp trong nước vẫn rất khó khăn
XK 9 tháng qua chỉ tăng ở khối DN FDI trong khi các DN 100% vốn trong nước giảm. Điều này thể hiện XK của DN trong nước vẫn rất khó khăn và chưa cải thiện. Nguyên nhân chính là do XK nông sản giảm. XK gạo đang bị cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ. Ngoài ra, khi Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, các nước khác cũng điều chỉnh tỷ giá để duy trì đồng nội tệ thấp, hỗ trợ XK. Điều này đã tác động đến XK của Việt Nam.
GS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân: Phải kích tăng trưởng của khu vực trong nước
Tăng trưởng Việt Nam như đoàn tàu đang đi nhanh nhưng nghiêng. Hiện nay, đoàn tàu ấy đang nghiêng về khu vực FDI. XK của khu vực FDI tăng nhanh hơn nhiều khu vực trong nước. Những số liệu được công bố cho thấy tăng trưởng Việt Nam đang dựa vào FDI.
Để đạt tăng trưởng cao, về ngắn hạn vẫn phải dựa vào FDI. Điều này không phải không tốt. Nhưng khu vực FDI hiện nay không ổn về mặt chất lượng. Họ chủ yếu vào sử dụng lao động. Như vậy khu vực FDI chỉ trì trệ và chỉ có lợi cho nhà đầu tư. Trong dài hạn, trung hạn, phải tạo ra sự liên kết giữa khu vực FDI và trong nước, giảm bớt tăng trưởng nhờ vào gia công. Trong đó gắn các DN trong nước với khu vực FDI bằng các hình thức phát triển công nghiệp phụ trợ. Xét về lâu dài, vẫn cần phải kích tăng trưởng của khu vực trong nước.
TS. Hồ Đình Bảo, Đại học Kinh tế quốc dân: Cần chọn lọc FDI
Năng suất lao động của khu vực FDI rất cao. Nhưng nếu tính theo tốc độ tăng trưởng năng suất lao động thì thấy khối FDI năng suất cao song tăng trưởng chậm. Trong khi đó FDI luôn được kì vọng là khối năng động nhất, mang công nghệ vào nhiều nhất. Điều này cho thấy FDI vào Việt Nam đều theo hướng tận dụng lao động giá rẻ, nguồn lực chứ không phải mang công nghệ vào để cải thiện năng suất của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi phải có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra chính sách liên quan đến việc khuyến khích đầu tư nước ngoài như thế nào. Phải thúc đẩy sự phát triển khu vực FDI có chọn lọc, không thuần túy dựa trên lao động giá rẻ nữa.
L.B (ghi)
|
Lương Bằng
hải quan
|