Trái phiếu 6 tháng cũng là đầu tư dài hạn
Thời mới mở cửa đã từng có những suy nghĩ rất “phi thị trường” nhưng vào thời điểm đó ai nấy đều cho là hợp lý. Chẳng hạn, khá phổ biến là suy nghĩ nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào một dự án 100 triệu đô la Mỹ thì phải nộp giấy chứng nhận trong ngân hàng có ít nhất 100 triệu đô la Mỹ lúc đó mới xét cấp phép đầu tư! Hoặc khi cấp phép rồi, bắt họ chuyển ngay 100 triệu đô la vào tài khoản mở ở Việt Nam để triển khai dự án đúng kế hoạch!
Kỳ hạn trái phiếu chỉ là vấn đề kỹ thuật, nó không liên quan gì đến chuyện vay về để chi tiêu ngay hay để đầu tư dài hạn
|
Hầu như không ai biết hay nói về nghệ thuật quản lý dòng tiền, sự khác biệt giữa tiền mặt và các tài sản khác, cách sử dụng nguồn vốn tùy vào tiến độ kế hoạch sao cho đồng tiền được sử dụng tối ưu...
Nay vấn đề tưởng đã rất cũ lại nổi lên khi Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu chính phủ thì vẫn có đại biểu băn khoăn Quốc hội yêu cầu phát hành trái phiếu thời hạn dài từ năm năm trở lên là nhằm thúc đẩy đầu tư dài hạn, chứ vay ngắn hạn thì vay xong đã phải lo trả nợ rồi! Với nhiều người, vay ngắn hạn là kiểu “giật gấu vá vai”, phải tránh!
Chính vì vậy mà năm ngoái Quốc hội ban hành một nghị quyết trong đó có câu: “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ năm năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”. Đúng như TBKTSG đã phân tích và dự báo, nếu chỉ phát hành trái phiếu năm năm trở lên thì Chính phủ sẽ không huy động được vốn trái phiếu theo kế hoạch vì nhu cầu thị trường rất đa dạng chứ không chỉ nhắm đến trái phiếu từ năm năm trở lên.
Ở đây tưởng cần nhắc lại, kỳ hạn trái phiếu chỉ là vấn đề kỹ thuật, nó không liên quan gì đến chuyện vay về để chi tiêu ngay hay để đầu tư dài hạn.
Một dự án cải tạo hệ thống giao thông kéo dài đến năm năm đâu phải chỉ được tài trợ từ các đợt phát hành trái phiếu năm năm? Không ai phát hành trái phiếu năm năm rồi phải trả lãi ngay cả cục trong khi tiền đó sẽ giải ngân từ từ trong cả năm năm tới. Lúc cần một khoản trả cho nhà thầu thì Chính phủ phải được tự quyết định phát hành trái phiếu ngắn hạn sáu tháng bởi sáu tháng sau sẽ có khoản thu khác để trả nợ khi trái phiếu đáo hạn. Đó chỉ là nghệ thuật quản lý dòng tiền như thể ngày xưa không bao giờ nên bắt nhà đầu tư có 100 triệu đô la trong tài khoản. Tiền với nhà đầu tư là dòng máu nuôi sống doanh nghiệp; nó phải được tự do lưu chuyển chứ nào có ai để 100 triệu đô la trong tài khoản nhằm chứng minh năng lực tài chính?
Quyền của Quốc hội nằm ở chỗ thông qua ngân sách chi tiêu của Chính phủ hàng năm, lúc đó đại biểu sẽ yêu cầu bao nhiêu là chi cho đầu tư phát triển dài hạn, bao nhiêu là chi thường xuyên. Không ai kiểm soát các chi tiêu ngân sách bằng con đường quy định kỳ hạn trái phiếu chính phủ. Bởi ngoài việc linh động trong thu chi như đã nói ở trên, việc phát hành trái phiếu chính phủ ở tất cả kỳ hạn từ rất ngắn đến rất dài còn xuất phát từ vai trò dẫn dắt cho thị trường tài chính và tác động lên lãi suất, nâng hiệu quả của các chính sách tiền tệ.
tbktsg
|