Tham nhũng không gian
Chúng ta quá quen với các cụm từ: Tham nhũng tiền bạc, tham nhũng đất đai, tham nhũng tài nguyên, tham nhũng văn bản... Tuy nhiên, chúng ta chưa có cụm từ đặt tên, nêu khái niệm, lột tả diện mạo, bản chất của hành vi vi phạm pháp luật về cơi nới, xây cất trái phép, những thứ đã và đang trở nên nhức nhối cho toàn xã hội, cũng chưa có toa thuốc đặc trị. Tác giả của bài viết này xin được mạo muội đặt tên cho vi phạm trên là “tham nhũng không gian” và cũng xin trân trọng ghi nhận sự góp ý, bổ sung của quý bạn đọc để có được cụm từ gọi tên đúng nghĩa “chỉ mặt đặt tên”.
Công trình 8B Lê Trực đã được Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên xử lý 27 lần vi phạm của chủ đầu tư. Ảnh: TQ
|
Tham nhũng tiền bạc khó phát hiện vì được “bao bọc” bởi các quy định bảo mật về tài chính. Nhưng rồi các cơ quan chức năng cũng tìm ra các thủ phạm “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ...”.
Tham nhũng về đất đai không khó phát hiện bởi vì đất đai lồ lộ trong các dự án, nơi nào mà chả có mặt của người dân “tai vách mạch rừng” mà.
Tham nhũng về tài nguyên, những thứ nằm sâu trong lòng đất như than, khoáng sản hoặc ở trong rừng sâu núi thẳm... Nhưng rồi cũng được các cơ quan chức năng chỉ ra sự chiếm dụng hoặc sở hữu trái phép hoặc cấp sai phép...
Tham nhũng văn bản xảy ra ở các tổ chức, cơ quan ban hành các văn bản để một nhóm người hưởng lợi, trong khi phần khó, phần thiệt lại đẩy cho toàn xã hội chịu.
Chống tham nhũng là công việc cực kỳ gian khó và tế nhị. Nhưng sai phạm ở những chỗ khuất lấp cũng đã được chỉ ra. Thế nhưng, những công trình xây dựng nằm ở trung tâm phố thị đến cả trung tâm chính trị cả một đất nước lừng lững trên cao, phơi mặt không gian cả bốn chiều ở vị trí tôn nghiêm cũng bị chiếm đoạt thành của riêng. Đó là điều gây cho xã hội bức xúc. Ngành Xây dựng đã có quy định cụ thể về mật độ xây dựng, chiều cao công trình để giữ cho không gian chung, hài hòa, hợp lý, giữ được cảnh quan, thế nhưng những kẻ “tham nhũng không gian” đã thôn tính không gian.
Suốt dọc 63 tỉnh, thành, không ở nơi nào là không có tình trạng cơi nới nhà chung cư, xây chiều cao vượt phép. Điều dễ nhận thấy là, sau mỗi lần cơ quan chức năng đến xử lý vi phạm thì công trình tạm dừng một thời gian và sau đó phình to và cao thêm.
Ngay ở Hà Nội, ngôi nhà số 4 phố Đặng Dung, quận Ba Đình đã xây vượt phép 13m chiều cao buộc phải phá vỡ. Tòa nhà số 16 phố Trích Sài, quận Tây Hồ xây vượt 4 tầng so với quy định buộc phải cắt ngọn. Tòa nhà 221 - 223 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng xây vượt 5 tầng chiều cao cũng đã bị đập phần thừa. Mới đây, tòa nhà 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình xây vượt phép 5 tầng cao cộng với diện tích phình 4 phía để có thêm 6.000m2 so với cấp phép cũng đang được chỉ đạo chủ đầu tư tự sửa sai!
Ở TP HCM, tình trạng tham nhũng không gian cũng không thua kém. Cao ốc tại 266 - 268 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xây sai phép trên 2.000m2 nhưng cơ quan chức năng không xử lý cắt ngọn.
Ở miền Trung, tại tỉnh Bình Thuận, công trình khách sạn Mường Thanh, Mũi Né chỉ được phép xây 4 tầng nhưng đã xây lên 7 tầng với diện tích tăng gấp 3 lần diện tích cho phép. Hiện công trình vẫn chưa được xử lý...
Vi phạm ở những nơi “quan trên trông xuống, người ta trông vào” mà còn trơ trơ như vậy, thì ở những vùng sâu vùng xa đã trở nên “nhờn” thuốc xử lý.
Vụ việc 8B Lê Trực là hệ lụy tất yếu của điệp khúc xử phạt rồi cho tồn tại. 27 lần cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm, nhưng rốt cục lại phải xử lý lại từ đầu. Đây là một bài học đắt giá cho các cơ quan quản lý trật tự xây dựng không riêng ở Thủ đô Hà Nội và cũng là hồi chuông cảnh báo nạn “tham nhũng không gian” đã đến mức nghiêm trọng.
Thế Lữ
thanh tra
|