Sức mạnh nền kinh tế Nga đang đuối dần
Cho đến bây giờ, Anatoly Anisimov vẫn cảm thấy tiếc về dự án mở rộng trang trại bò sữa quốc doanh mà ông điều hành ở ngoại ô Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
|
Theo kế hoạch, máy vắt sữa hiện đại nhất nhập từ Thụy Điển sẽ được sử dụng để tiết kiệm chi phí, trong khi quy mô đàn bò tăng thêm 40%.
Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện với hãng tin Bloomberg, Anisimov cho biết ông đã phải gác lại kế hoạch trên vì kinh tế Nga có thể sẽ có cuộc suy thoái kéo dài nhất trong gần 2 thập niên. “Sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đợi chúng tôi vào năm tới”, ông nói.
Trong khắp nền kinh tế Nga, nhiều doanh nghiệp đã phải gác lại kế hoạch đầu tư, lo ngại đồng Rúp có thể tiếp tục giảm giá mạnh nếu giá dầu thô còn đi xuống. Các công ty Nga còn lo căng thẳng địa chính trị có thể đem tới những “cơn gió chướng” kinh tế mới.
Nguy cơ xảy ra một cuộc suy kinh tế thoái kéo dài đang là một thách thức đối với điện Kremlin bấy lâu phụ thuộc vào sự gia tăng mức sống của người dân để có được tỷ lệ ủng hộ cao. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã rót hàng tỷ USD vào nước Nga, lo ngại.
Ở thời điểm hiện tại, căng thẳng ở Ukraine đã giảm xuống, làm gia tăng triển vọng Nga được nới lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đã áp lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng.
Giới chức Nga lạc quan nói nền kinh tế đã chạm đáy, nhưng giới lãnh đạo doanh nghiệp không cảm thấy tuyết phục. Đầu tư cơ bản ở Nga trong 8 tháng đầu năm nay giảm 6%. Nhiều công ty Nga có tiền - lợi nhuận doanh nghiệp nước này tăng 38% trong năm nay, chủ yếu nhờ đồng Rúp mất giá - nhưng không muốn đầu tư.
“Doanh nhân và người dân đều đã hình thành nên những kỳ vọng tiêu cực mạnh”, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin phát biểu, cho rằng những kỳ vọng này làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm sâu đối với nền kinh tế Nga. “Thực trạng này dẫn tới sự thoái lui của các dòng vốn và khiến kinh tế suy giảm mạnh hơn”.
Theo dự báo của ông Kudrin, cho dù kinh tế Nga phục hồi trong mấy năm tới, thì tốc độ tăng trưởng sẽ chậm chạm đến nỗi tỷ trọng của Nga trong GDP toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã, xóa bỏ toàn bộ thành quả tăng trong 15 năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Vladimir Putin.
Đến nay, những áp lực ngân sách đã buộc Chính phủ Nga phải cắt giảm hoặc trì hoãn một số phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá 20 nghìn tỷ Rúp mà Putin đặt là một ưu tiên trong chiến lược khôi phục lại sức mạnh Nga trên trường quốc tế.
Trong hai lần suy thoái trước, kinh tế Nga đã có sự phục hồi nhanh chóng, quay trở lại tăng trưởng chỉ trong vòng 18 tháng.
Nhưng lần này, thậm chí cả dự báo chính thức của Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho rằng suy giảm tăng trưởng sẽ kéo dài sang năm tới, và đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất của Nga kể từ cuộc suy thoái xảy ra sau khi Liên Xô tan rã. Chưa kể, sự phục hồi sau đợt suy thoái này được dự báo sẽ diễn ra với tốc độ chậm chạp.
“Đây là một cuộc khủng hoảng tồi tệ bởi nó sẽ kéo dài”, ông Sergei Kolesnikov, Chủ tịch công ty sản xuất vật liệu xây dựng Tekhnonikol của Nga, nhận xét. Ông Kolesnikov đã gác lại kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu cách nhiệt do doanh số tại thị trường nội địa năm nay đã giảm 15%. Xuất khẩu tăng lên nhờ đồng Rúp giảm giá, nhưng ông Kolesnikov không hề tỏ ra lạc quan.
“Tình hình hiện nay giống như chạy ngược lên đồi trong cơn gió lớn và đêm tối bịt bùng. Bạn sẽ cảm thấy kiệt sức”, vị doanh nhân Nga phát biểu.
Xây dựng và tiêu dùng nằm trong số những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất khi lãi suất đồng Rúp tăng lên và thu nhập người dân giảm xuống. Số dự án xây dựng mới khởi công ở Nga trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất 5 năm, trong khi doanh thu bán lẻ giảm 8,2%.
Ngay cả những lĩnh vực có vẻ như “khỏe hơn”, chẳng hạn ngành nông nghiệp được Chính phủ bảo hộ, cũng cắt giảm đầu tư. Các công ty kim loại và hàng hóa cơ bản thì tập trung vào việc trả bớt nợ nần sau khi đầu tư mạnh trong những năm trước.
“Đơn giản là chúng tôi hiện nay không cần đầu tư lớn”, ông Sergey Sulimov, Giám đốc tài chính tập đoàn sắt thép Magnitogorsk Iron and Steel, phát biểu.
Theo một số ước tính, bất chấp tác động của các lệnh trừng phạt, các công ty Nga vẫn tạo ra được hơn 1 nghìn tỷ Rúp, tương đương khoảng 15 tỷ USD, lợi nhuận trong năm nay. Các công ty có thể dùng số tiền này để đầu tư, nhưng họ sẽ không làm vậy.
Trên một số phương diện, suy thoái kinh tế Nga hiện nay không quá tệ. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ lên 5,6%. Giới chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp nói, hầu hết các công ty đều nỗ lực tránh cắt giảm nhân sự vì lo ngại sẽ phải chịu sức ép chính trị. Ngoài ra, số dân trong độ tuổi lao động của Nga ngày càng giảm cũng khiến các công ty lo ngại không tuyển đủ nhân sự một khi kinh tế hồi phục.
Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp Nga đang rơi vào cảnh nợ lương công nhân và phải vận dụng những biện pháp tương tự như trong những năm khủng hoảng hồi thập niên 1990. Chẳng hạn, một nhà máy gạch ở Tula thiếu tiền mặt đến nỗi phải trả lương cho công nhân bằng gạch.
An Huy
vneconomy
|