Thứ Ba, 20/10/2015 21:26

Sẽ triển khai sớm 5 dự án trong đề án phát triển thương hiệu gạo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai sớm năm dự án trọng điểm đã được nêu trong Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.

Công ty Gentraco chuyển gạo xuống tàu xuất khẩu gạo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Những ý kiến doanh nghiệp đặt ra sẽ được ghi nhận để phối hợp với các bộ, ngành vừa triển khai đề án, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai tốt đề án này, các doanh nghiệp cần phải chủ động đảm bảo chất lượng gạo, phù hợp với quy chuẩn yêu cầu của các nước nhập khẩu, phát triển thương hiệu, còn Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tốt nhất thương hiệu gạo của mình.

Tại hội nghị triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ngày 20/10 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay.

Cùng với Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam đang là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo với sản lượng từ 6-8 triệu tấn, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước từ 3-3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia dù gạo Việt Nam xuất khẩu được sản lượng lớn nhưng giá trị hạt gạo chưa cao, cuộc sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, đa số ý kiến tại hội nghị của các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, xuất khẩu gạo đều cho rằng, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung An (Cần Thơ) khẳng định: “Bây giờ mới tập trung xây dựng thương hiệu gạo thì hơi muộn, nhưng thà muộn còn hơn không. Tỷ trọng nông nghiệp của chúng ta rất lớn, người trồng lúa rất nhiều cho nên việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách. Muốn thành công, chúng ta phải hiểu vấn đề là xây dựng thương hiệu gạo từ đâu, ai làm, làm như thế nào...”

Theo ông Bình, các quy trình, bước đi phải nhanh và đúng hướng. Hiện nay, định hướng, chủ trương đã có, nhưng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân làm thương hiệu gạo. Doanh nghiệp và nông dân phải là chủ thể, trong đó doanh nghiệp có vai trò chính, bởi vì người nông dân sản xuất như thế nào là theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng thời gian qua Việt Nam chưa quan tâm đúng mức vấn đề xây dựng thương hiệu gạo; tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập khiến chất lượng gạo chưa cao.

Theo ông Huệ, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thương hiệu gạo. Trước hết, doanh nghiệp phải là “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị hạt gạo, nâng cao chất lượng gạo; trong đó, có ba vấn đề lớn cần quan tâm là giống lúa phải tốt; phương thức canh tác phải tiên tiến để bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý chất lượng sau thu hoạch. Các chủng loại gạo được chọn để xây dựng thương hiệu cần phải đáp ứng hai điều kiện cơ bản là gạo phải có chất lượng ổn định và đảm bảo khả năng cung ứng cho thị trường.

Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, mục tiêu đến năm 2020, thương hiệu gạo Việt Nam được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia khác; có ít nhất 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Định hướng đến năm 2030, xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đề án này nhận được sự đồng tình ủng hộ khá cao từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khiến các doanh nghiệp băn khoăn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp có đóng gói bao bì, in nhãn mác sản phẩm, phát triển thương hiệu phải chịu khoản thuế VAT 5%, trong khi đó nhiều sản phẩm lúa gạo bày bán tràn lan trên thị trường lại không phải chịu khoản thuế này - đây là một rào cản lớn cho việc tập trung phát triển thương hiệu gạo của các doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo có sản lượng lớn, nhưng đến nay vẫn chưa có trung tâm kiểm định chất lượng gạo đạt chuẩn quốc tế. Muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao thì doanh nghiệp phải gửi mẫu đi kiểm định ở nước ngoài vừa tốn tiền, vừa mất thời gian…

Ông Dũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm đến những vấn đề này để doanh nghiệp yên tâm tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam./.

Bùi Như Trường Giang

vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhu cầu sử dụng càphê thế giới tăng gấp đôi trong vòng 20 năm (20/10/2015)

>   Hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đạt gần 5,7 triệu tấn (19/10/2015)

>   Chỉ có 10% cà phê Việt được tiêu thụ trong nước (19/10/2015)

>   Xuất khẩu gạo Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức (18/10/2015)

>   Thị trường cà phê: Bão tố lại bắt đầu? (17/10/2015)

>   Lợi nhuận trồng lúa tăng 40% nhờ ‘bắt tay nhau’ (16/10/2015)

>   Xuất khẩu cá tra cả năm dự kiến đạt khoảng 1,7 tỷ USD (15/10/2015)

>   20.000 đồng/kg thịt gà nhập khẩu chưa ảnh hưởng chăn nuôi?! (15/10/2015)

>   Đừng lấy “cơm nguội” làm thương hiệu quốc gia (13/10/2015)

>   Ham bán hàng, nông sản Việt bị “chơi xấu” (13/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật