Một lượng tiền mặt kỷ lục đang đổ vào Mỹ
FDI toàn cầu liên tục gia tăng trong 2 năm qua và tiếp tục tăng thêm 13% trong nửa đầu năm nay
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ trong nửa đầu năm 2015 đã chạm 200 tỷ USD, một mức cao kỷ lục theo báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày thứ Năm.
Đó là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư toàn cầu đang khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đà tăng trưởng của các nền kinh tế còn lại trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng giảm tốc.
Tuy nhiên, một lượng lớn vốn đầu tư có thể đến từ các thực thể nước ngoài đang mua vào các doanh nghiệp Mỹ. Nhiều doanh nghiệp như vậy sau đó lại chuyển trụ sở ra nước ngoài để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cao tại Mỹ.
“Dòng vốn đầu tư này không chỉ bắt nguồn từ bức tranh kinh tế ngày càng cải thiện của Mỹ mà còn nhờ việc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới nhằm giảm bớt mức đóng thuế tại Mỹ”, OECD cho biết trong một báo cáo.
Khoảng 86 tỷ USD trong số 200 tỷ USD đã chảy vào các công ty hóa chất và 80 tỷ USD nữa chảy vào các doanh nghiệp sản xuất. Theo phỏng đoán của OECD, hầu hết lượng vốn này đều đến từ các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Đáng chú ý, khoảng 77% lượng tiền mặt chảy vào Mỹ đến từ Luxembourg, một quốc gia có nhiều thực thể thân thiện với thuế được biết đến với tên gọi cơ chế công ty phục vụ mục đích đặc biệt (special purpose vehicle) vốn được tạo ra để tiến hành các thương vụ M&A.
Xét trên quy mô toàn cầu, dòng vốn FDI liên tục gia tăng trong 2 năm vừa qua và tiếp tục tăng thêm 13% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ 2014. Nếu loại trừ đà sụt giảm trong nửa đầu năm 2014, dòng vốn FDI toàn cầu đã và đang trong xu hướng tăng kể từ nửa đầu năm 2013.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|