“Ma trận” lợi ích quanh lợi nhuận ngân hàng
Lãi cao bị gọi là “hút máu”, lãi thấp bị xem như “tội đồ” với ngân sách, chung quy vì liên quan đến nhiều phía lợi ích.
Đầu tuần này, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nêu lên vấn đề mà có lẽ lần đầu tiên được một cơ quan chuyên trách đề cập đến: ngân hàng làm giảm lớn nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tại phiên họp trên, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu lên một góc nhìn đáng chú ý.
Nếu tại những năm trước, nợ xấu được xác định rõ ràng và sát thực hơn, thì một lượng lớn chi phí trích lập dự phòng đã phải thực hiện, lợi nhuận hệ thống theo đó lẽ ra bị gọt bớt và đã hụt thu đối với ngân sách nhà nước.
Trên đe dưới búa
Cụ thể, về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thực sự hiệu quả.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm lớn nguồn thu ngân sách nhà nước.
Với những đánh giá trên, một lần nữa lợi nhuận ngân hàng cho thấy sự nhạy cảm, không gói gọn trong phạm vi của một ngành, mà luôn có những góc nhìn khác nhau, xuất phát từ các phía lợi ích.
Nhiều người hẳn còn nhớ, ngày 7/7/2012, tại hội nghị sơ kết toàn ngành ngân hàng, có một từ mà ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) khi đó nhăn mặt nhắc đến trên bục phát biểu: báo chí phản ánh là ngân hàng đang “hút máu” doanh nghiệp.
Trao đổi với VnEconomy bên hành lang hội nghị sơ kết trên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cũng nhắc lại từ “hút máu” với ý bất bình: “Nói vậy chẳng khác gì xem các ngân hàng là quái vật”.
Từ nhạy cảm trên xuất hiện sau khi hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa trải qua năm 2011, năm đỉnh cao của lợi nhuận mà cho đến nay nhiều thành viên vẫn chưa thể với trở lại. Và đó cũng là năm mà thanh khoản hệ thống bất ổn, lãi suất leo thang, tỷ giá bùng nổ, còn nhiều doanh nghiệp thì điêu đứng.
Đến nay, với nhìn nhận trên đưa ra từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, các ngân hàng thương mại dường như trở thành “tội đồ” làm giảm lớn nguồn thu ngân sách, vì hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng từ trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.
Như vậy, có hai chiều đặt ra: khi lợi nhuận ngân hàng cao, một số ý kiến dư luận chỉ trích; khi lợi nhuận kém thì ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Hai chiều này khiến lợi nhuận ngân hàng như nằm ở thế trên đe dưới búa.
“Ma trận” lợi ích
Thực ra câu chuyện lợi nhuận ngân hàng còn phức tạp hơn nhiều so với thế trên đe dưới búa nói trên. Vì có một “ma trận” lợi ích xoay quanh đó.
Thứ nhất, như trên, lần đầu tiên lợi nhuận các ngân hàng thương mại được tách riêng, nêu và gắn cụ thể với lợi ích ngân sách nhà nước.
Thứ hai, lời lãi của họ gắn trực tiếp với trên dưới trăm nghìn lao động trong ngành.
Thứ ba, lợi nhuận ngân hàng gắn với lợi ích của các cổ đông là tổ chức và cá nhân, nhà đầu tư.
Thứ tư, lợi nhuận ngân hàng gắn trực tiếp với lợi ích người dân và doanh nghiệp vay vốn.
Thứ năm, lợi nhuận ngân hàng gắn với lợi ích của người gửi tiền.
Thứ sáu, lợi nhuận ngân hàng cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, qua thực thi các chính sách tiền tệ.
Trong “ma trận” đó, cơ bản nhất vẫn là mối quan hệ lợi ích giữa ngân hàng - người vay - người gửi tiền - Ngân hàng Nhà nước.
Việt Nam có một nền kinh tế lệ thuộc lớn vào vốn vay (cao điểm tổng dư nợ từng lên tới hơn 1,2 GDP). Vốn vay lệ thuộc vào vốn huy động, ngân hàng chỉ là trung gian. Lãi suất tỷ lệ nghịch lợi ích giữa người gửi tiền và người vay. Lợi ích của ngân hàng trung gian được xác định ở tỷ lệ lãi biên (NIM), cân đối giữa hai phía lợi ích đó.
Còn với Ngân hàng Nhà nước, lợi ích cũng gắn với lợi nhuận của các thành viên, theo yêu cầu phải có nguồn lực để tự xử lý nợ xấu, thực thi tái cơ cấu. Ngoài ra, cân đối lợi ích giữa người gửi tiền và người vay vốn còn liên quan đến lợi ích/mục đích của chính sách kiềm chế lạm phát, chính sách tỷ giá (qua lãi suất tăng lên hoặc giảm xuống).
Điểm chính của mối quan tâm là lợi ích - lợi nhuận của các ngân hàng. Với bình quân khoảng 90% lợi nhuận dựa vào tín dụng, thước đo mà các phía nhìn vào là tỷ lệ NIM. NIM càng cao, ngân hàng càng lãi nhưng ngược với lợi ích người vay vốn.
Dữ liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ NIM bình quân của hệ thống đang ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Hài hòa hơn giữa các lợi ích cũng là một cách nói.
Cụ thể, theo số liệu chuyên gia Lê Xuân Nghĩa dẫn giải tại một hội thảo ngày 5/10 vừa qua, năm đỉnh cao lợi nhuận ngân hàng 2011 cũng là năm NIM cao nhất giai đoạn 2011-2015: 2011 là 3,5%, 2012 là 3,2%, 2013 còn 2,8%, 2014 còn 2,7%. Và theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tính đến tháng 7/2015, NIM nhích nhẹ lên 2,78%.
Ngân sách đã... “ứng trước”?
Trở lại với vấn đề lợi nhuận ngân hàng với hụt thu ngân sách mà một số ý kiến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập, mối liên quan là nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2011, tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng rủi ro/lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 39,1%. Nhưng đến năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên tới 65,3% và khiến lợi nhuận hệ thống giảm mạnh.
Tuy nhiên, hai tỷ lệ trên không có nghĩa tình hình nợ xấu ngân hàng năm 2011 “đẹp” hơn năm 2014. Liên quan, thực chất lợi nhuận của hệ thống trong so sánh trên cũng cần được xem xét.
Theo báo cáo của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cũng như của một số tổ chức quốc tế, nợ xấu hệ thống năm 2011 đánh giá đúng bản chất phải ở mức độ hai con số. Tuy nhiên, cơ chế giám sát và các tiêu chuẩn phân loại nợ thời điểm đó, cũng như những năm về trước, chưa thực sự chặt chẽ và sát thực.
Để rồi, đến tháng 9/2012, khi buộc phải lập đề án để xử lý nợ xấu, con số thực tích tụ từ trước dồn lại được xác nhận tới trên 17%.
Nếu tại những năm trước, nợ xấu được xác định rõ ràng như vậy, thì một lượng lớn chi phí trích lập dự phòng đã phải thực hiện, lợi nhuận hệ thống theo đó lẽ ra bị gọt bớt và đã hụt thu đối với ngân sách nhà nước. Nhưng, khi nợ xấu không được ghi nhận sát thực, không trích lập dự phòng tương ứng, lợi nhuận ảo của hệ thống ngân hàng có thể xem là đã cho ngân sách nhà nước “ứng trước” những năm trước đây.
Đến năm 2012, nhận diện tình trạng lãi ảo và được đồng nào xào đồng nấy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra chỉ thị phanh việc chi trả cổ tức để xem xét mức độ thực qua tăng cường thanh tra giám sát. Chính sách này trở nên chặt chẽ và chi tiết hơn trong năm 2015, khi giới hạn tỷ lệ cổ tức tới từng ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng giải thích trên báo chí, phải rà soát chặt lợi nhuận hệ thống để bớt ảo, để tránh bị chia hết và chia ảo (trong đó có nộp ngân sách), dẫn đến thiếu nguồn lực để xử lý nợ xấu - khi nó được xác định sát thực hơn (qua Thông tư 02, Thông tư 09...).
Chính yêu cầu thực hiện phân loại nợ xấu chặt chẽ hơn, gắn với yêu cầu trích lập dự phòng, chi phí tăng cao và lợi nhuận hệ thống giảm, dẫn đến hụt thu ngân sách nhà nước. Nhưng đổi lại, các ngân hàng dồn được nguồn tiền không bị chia đi để tự xử lý nợ xấu, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ NIM thấp đi và không có nguồn hỗ trợ xử lý từ ngân sách.
Hiện chưa có số liệu cập nhật trong năm 2015, nhưng tính đến cuối năm 2014, lượng nợ xấu đã được xử lý lớn nhất là bằng nguồn dự phòng rủi ro của hệ thống, trong khi nguyên nhân nợ xấu không chỉ riêng ở phía ngân hàng.
Minh Đức
vneconomy
|