Khi USD không còn hấp dẫn
Quyết định giảm lãi suất tiết kiệm USD về gần 0% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được xem là động thái chính sách mang nhiều ý nghĩa tích cực.
Gần một tuần sau quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Điểm đáng lưu ý của thông tư là các khách hàng giao dịch ngoại tệ với ngân hàng thương mại (NHTM) phải xuất trình giấy tờ, chứng từ chứng minh mục đích, số lượng, thời hạn thanh toán.
Bịt cửa đầu cơ?
Căn cứ vào thời hạn của các chứng từ nói trên, ngân hàng mới được phép bán ngoại tệ. Nếu thời điểm khách hàng cần ngoại tệ để thanh toán trong phạm vi hai ngày làm việc thì được mua hoặc bán theo giao dịch giao ngay, từ ngày thứ ba trở lên ngân hàng chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn… Những bước đi có phần “cấp bách” của NHNN không khó hiểu. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, chỉ riêng trong tháng 7 và tháng 8, tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân thông qua tiền gửi dân cư tăng đột biến. Nếu bình quân các tháng của năm 2015 chỉ tăng khoảng 0,4-0,5%, hoặc cao nhất là 0,7%/tháng cho cả tiền gửi thanh toán và tiết kiệm thì riêng trong hai tháng này, tiền gửi bằng USD tăng lần lượt là 5% và 9%. Tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi tiết kiệm của dân cư bằng ngoại tệ tăng hơn 17%, tiền gửi thanh toán tăng hơn 8%… “Người có ngoại tệ kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng trong thời gian tới nên tiếp tục găm giữ, gây bất lợi cho quá trình chống đô la hóa nền kinh tế. Việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp và cá nhân, giảm găm giữ ngoại tệ và nâng cao vị thế của tiền đồng”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Mức giảm lãi suất như hiện nay được coi là sẽ tạo một khoảng chênh lệch lãi suất đủ hấp dẫn giữa tiền đồng và đô la Mỹ, khuyến khích người có ngoại tệ chuyển sang giữ tiền đồng hoặc bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác…
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, việc hạ lãi suất tiền gửi USD sẽ giảm tính hấp dẫn của việc giữ ngoại tệ và khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển qua nắm giữ tiền đồng. Thực tế cho thấy, sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá vào ngày 11/8/2015 và NHNN phải nới rộng biên độ, điều chỉnh tỷ giá bình quân, tình trạng doanh nghiệp và người dân muốn giữ USD tăng lên, do kỳ vọng sắp tới sẽ có điều chỉnh tỷ giá.
“Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu với nền kinh tế thế giới, do đó cần duy trì mặt bằng lãi suất USD trong nước ở mức hợp lý để đảm bảo không quá thấp so với mặt bằng thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp tránh việc khó thu hút vốn vào thị trường Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sẽ tìm cách giữ doanh thu xuất khẩu tại nước ngoài”, ông Phạm Hồng Hải bình luận.
Lo thanh khoản
Một yếu tố được các chuyên gia đề cập là khi lãi suất huy động USD giảm mạnh, liệu có ảnh hưởng đến thanh khoản ngoại tệ? Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, yếu tố thanh khoản đã được NHNN cân nhắc kỹ. Vẫn theo ông Minh, tỷ lệ sử dụng vốn ngoại tệ (tỷ lệ cho vay/huy động) hiện chỉ hơn 60%, thấp hơn rất nhiều so với quy định chung. Từ đầu năm đến nay, dư nợ vay bằng ngoại tệ đã giảm và trong tháng 8 giảm tới hơn 2% do doanh nghiệp lo ngại rủi ro tỷ giá nên tăng mua ngoại tệ để trả nợ trước cho ngân hàng.
Người có ngoại tệ kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng trong thời gian tới, gây bất lợi cho quá trình chống đô la hóa
|
“Trong bối cảnh tình hình ngoại hối trên thị trường thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và do định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, không có nhiều khả năng cho vay USD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn khi vay nếu họ không có nguồn thu bằng ngoại tệ”, ông Hải nói.
Từ góc độ khác, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lại cho rằng, dòng tiền gửi bằng ngoại tệ dịch chuyển khỏi ngân hàng khi lãi suất giảm sẽ không đáng quan ngại, bởi lâu nay lãi suất USD vốn đã rất thấp, nay giảm thêm một chút cũng không quá lo lắng. Bởi thực tế, người dân gửi ngoại tệ vào ngân hàng không hẳn vì lãi suất, còn doanh nghiệp gửi ngoại tệ chủ yếu là nhằm chuẩn bị cho các khoản thanh toán trong thời gian tới, nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng hóa lớn.
Dè chừng yếu tố Trung Quốc
Trong nhận định về động thái giảm lãi suất huy động USD của NHNN, ngân hàng ANZ lưu ý: dù tỷ giá USD/VND đã giảm gần 5% kể từ đầu năm đến nay, song tiền đồng vẫn là một trong những đồng tiền mạnh nhất trong khu vực nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng xuất khẩu. Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong bối cảnh xuất khẩu của khu vực châu Á suy giảm.
Tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi tiết kiệm của dân cư bằng ngoại tệ tăng hơn 17% (Nguồn: NHNN chi nhánh TP.HCM)
|
Dù vậy, ANZ vẫn dự báo, Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2016, nguyên nhân là do kinh tế khu vực giảm tốc vì Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Yếu tố Trung Quốc cũng được chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhấn mạnh khi nói về tác động lên chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian tới.
Nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, thể hiện ở con số nhập siêu rất lớn, do đó khi nước này có khuynh hướng thả nổi tỷ giá, giá cả hàng hóa của họ sẽ rẻ hơn. Hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sẽ nhiều hơn và những doanh nghiệp nội địa mua được hàng rẻ hơn sẽ tích cực thu gom ngoại tệ để mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn. Do vậy, nhập siêu từ nay đến cuối năm từ thị trường Trung Quốc sẽ rất lớn và một lượng lớn ngoại tệ sẽ chảy sang nước này.
Phương Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
|