Giá cao su giảm mạnh do cung vượt cầu
Giá cao su đứng ở mức thấp trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người trồng cao su.
* Giá cao su lao dốc: Trồng nhiều, lỗ nặng, chặt bỏ
Số liệu tính từ tháng 1 đến hết tháng 9 hằng năm - Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: V.Cường
|
Giữa tháng 9 vừa qua, Hội đồng Doanh nghiệp cao su Đông Nam Á (ARBC) đã ra thông báo này.
Theo ARBC, đời sống của các hộ tiểu điền, đặc biệt đối với những hộ có thu nhập phần lớn phụ thuộc vào cây cao su đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng.
Nguồn cung tăng phi mã
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia ngành cao su cho rằng giá cao su tự nhiên giảm mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do cung vượt cầu.
Trước đó, khi giá cao su trong giai đoạn 2006-2011 liên tục tăng và đạt đỉnh trong năm 2011 với hơn 100 triệu đồng/tấn, người dân và doanh nghiệp tại nhiều nước trong khu vực đã đua nhau đầu tư mở rộng trồng mới và cải tạo vườn cao su.
Tại VN, hàng trăm ngàn hecta điều, cà phê, rừng tự nhiên... đã bị chặt phá để chuyển sang trồng cao su. Từ cá nhân đến các công ty tư nhân, các công ty cao su nhà nước, từ các công ty nông nghiệp đến các công ty bất động sản, vận tải, tài chính... đều đổ tiền vào trồng loại cây này.
Trong đó, Tập đoàn Cao su VN với hàng trăm dự án trồng cao su trên khắp Tây nguyên, miền Đông Nam bộ và cả miền Bắc rồi đầu tư sang Lào, Campuchia, chưa kể doanh nghiệp tư nhân cũng đổ tiền vào trồng loại cây được mệnh danh là “vàng trắng”.
Chỉ trong mười năm, diện tích cao su VN tăng hai lần, từ 454.100ha năm 2004 tăng lên 977.700ha năm 2014, chưa kể năng suất cao su của VN cũng được cải thiện, góp phần tăng sản lượng cao su. Không riêng gì VN, diện tích cao su trồng mới tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn này. Chỉ trong vòng 12 năm (2000 - 2012), diện tích cao su trồng mới tại 11 quốc gia châu Á đã lên đến trên 3,5 triệu ha.
Nhu cầu giảm mạnh
Ông Võ Hoàng An, tổng thư ký Hiệp hội Cao su VN, cho biết 65% sản lượng cao su thiên nhiên được dùng để sản xuất vỏ xe, trong đó châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...) tiêu thụ đến 70% lượng cao su này.
Do đó, khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy giảm tăng trưởng, ngành công nghiệp xe hơi giảm mạnh, nhu cầu cao su cho sản xuất vỏ xe giảm theo.
Ngoài ra, giá cao su còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như giá dầu thô, biến động tiền tệ của các nước...
Theo ông An, dầu thô là nguyên liệu dùng để sản xuất cao su tổng hợp có thể thay thế cao su tự nhiên trong một số lĩnh vực công nghiệp cao su. Khi giá dầu thấp, cao su tổng hợp sẽ rẻ hơn và kéo giá cao su tự nhiên giảm theo. Do đó, việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian qua cũng tác động đến giá xuất khẩu cao su của các nước, trong đó có VN.
Đặc biệt, xuất khẩu cao su của VN còn khó khăn hơn khi tiêu thụ trong nước chiếm tỉ lệ nhỏ, khoảng 15 - 20% tổng sản lượng, trong khi cao su xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô. Chất lượng sản phẩm cao su VN không cao, phần lớn là loại mủ sơ chế, được sử dụng để sản xuất vỏ ruột xe.
“Do đó, khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của VN - giảm nhu cầu, các nhà xuất khẩu VN sẽ bị động vì rất khó bán sang các thị trường khác” - ông An nói.
Giá mủ cao su tiếp tục suy yếu đến năm 2020
Theo Bloomberg, hiện tại giá cao su tự nhiên sụt giảm tới 75% kể từ mức đỉnh 5,75 USD/kg của tháng 2-2011. Chỉ trong vài tuần qua, giá cao su tự nhiên sụt 27% xuống mức thấp nhất trong sáu năm qua, dao động ở mức gần 1,4 USD/kg.
Chuyên gia Hidde Smit, cựu tổng thư ký Nhóm nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), cho biết nguyên nhân đầu tiên là do nhu cầu từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, sụt giảm nghiêm trọng vì tăng trưởng hụt hơi.
Thứ hai là do nguồn cung cao su tự nhiên quá dồi dào. IRSG ước tính tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2016 đạt mức 12,75 triệu tấn, trong khi nguồn cung lên đến 12,83 triệu tấn.
Chuyên gia Smit dự báo giá cao su tự nhiên sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp 1,5 - 1,6 USD/kg từ nay đến năm 2020. Nhà phân tích Hiroyuki Nakayama của Hãng Phillip Securities cũng nhận định giá cao su sẽ tiếp tục giảm bởi sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc “mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu”.
Sơn Hà
|
Trần Mạnh (tranmanh@tuoitre.com.vn)
tuổi trẻ
|