ĐHĐCĐ JVC lần 2 bất thành: Nóng vấn đề dòng tiền
Sáng ngày 30/10, ĐHĐCĐ thường niên lần 2 của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) tiếp tục bất thành do chỉ có 72 cổ đông tham dự, đại diện cho 47.3% vốn. Tuy nhiên, cũng như lần thứ nhất, cổ đông Công ty tiếp tục chất vấn HĐQT liên quan đến vấn đề quản trị và hoạt động kinh doanh.
Bà Hồ Thị Bích Ngọc - Kế toán trưởng JVC trả lời các câu hỏi từ cổ đông.
|
Bà Hồ Thị Bích Ngọc – Kế toán trưởng JVC cho biết, thời điểm tháng 6/2015 khi xảy ra sự cố là thời điểm khó khăn nhất của JVC, đến tháng 7, 8 dư âm của vấn đề tiếp tục ảnh hưởng khiến hoạt động của Công ty gặp nhiều trắc trở, tuy nhiên kể từ tháng 9 đến nay, hoạt động của JVC đã dần ổn định.
Về hoạt động kinh doanh, khi JVC xảy ra những biến cố, dòng tiền là vấn đề khó khăn đối với Công ty. Tuy nhiên, đến hiện tại, các dự án đang triển khai và sắp hoàn thành như dự án Bệnh viện Cu Ba Đồng Hới – Quảng Bình, dự án Bến Tre, dự án Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng,… sẽ đảm bảo dòng tiền cho JVC trong tháng 11 và tháng 12/2015. Đối với hàng tiêu hao và hàng tồn kho, hiện tại công ty đang giải quyết vấn đề này thông qua thị trường nội địa, khả năng tiêu thụ cũng rất tốt nên đảm bảo dòng tiền cho Công ty trong thời gian tới.
Đại diện của Quỹ Dragon Capital có mặt tại Đại hội đã chất vấn HĐQT 4 vấn đề về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh.
Vấn đề thứ nhất, khoản mục tiền mặt trên BCTC tại thời điểm 31/03/2015 là hơn 490 tỷ đồng tuy nhiên sang đến ngày 01/04 chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, vậy hơn 60 tỷ đồng đã mất đi đâu?
Thứ 2, khoản trả trước cho người bán rất cao trong khi các khoản nợ ngân hàng, nợ thuế hay nợ nhà cung cấp vẫn còn tồn đọng nhiều, khoản trả trước này theo BCTC tăng gần 500 tỷ, đồng thời cũng kéo dòng tiền hoạt động của JVC âm rất nặng. Tại sao công ty không giải quyết các công nợ cũ trước mà lại thanh toán những khoản lợi ích chưa nhận được và khoản trả trước này gồm những gì, bao giờ thì công ty nhận được những khoản này?
Thứ 3, khoản mục tài sản ngắn hạn khác tăng hơn 70 tỷ đồng mà không có thuyết minh cụ thể, vậy khoản mục này gồm những gì? Cũng vì JVC chưa công bố chi tiết thuyết minh tài chính nên theo tính toán của cá nhân người đặt câu hỏi, bảng lưu chuyển tiền tệ của JVC đã công bố thực sự không khớp.
Thứ 4, HĐQT JVC có thể đưa ra những con số cụ thể, hoặc dự báo về kết quả kinh doanh quý 2/2015 của Công ty không?
Đại diện Công ty, bà Hồ Thị Bích Ngọc - Kế toán trưởng đã có những trả lời về vấn đề này. Theo bà Ngọc, thực tế JVC đã công bố BCTC riêng và BCTC hợp nhất quý 1/2015 theo niên độ kế toán của Công ty, phần thuyết minh chưa được công bố nhiều khả năng do sơ suất, do vậy JVC sẽ thực hiện công bố phần thuyết minh này lên website của Công ty trong ngày hôm nay (30/10).
Phần chênh lệch giữa khoản mục tiền mặt tại ngày 30/3 và 01/04 thực tế là 2 con số giữa BCTC hợp nhất và riêng lẻ. Theo BCTC hợp nhất quý 1/2015, số liệu khoản mục tiền và tương đương tiền hơn 490 tỷ hoàn toàn trùng khớp. Khoản tiền này đã được đưa vào tài khoản của Công ty sau kiểm kê, tuy nhiên, do VietinBank thực hiện giảm dư nợ cho vay đối với JVC về 0 và thực hiện thanh toán cho các dự án đầu tư liên kết khiến số dư khoản mục này giảm mạnh trong BCTC quý 1/2015.
Về khoản mục trả trước người bán, đây là khoản tiền JVC trả trước cho các bên cung cấp khi thực hiện các dự án liên kết như Quảng Bình, Bến Tre hay Hải Phòng, đây đều là những dự án thực hiện trong quý 1/2015 và dự kiến sẽ đem lại dòng tiền trong quý 2 và quý 3/2015. Vì đây là khoản trả trước đã xong nên quý 2 và quý 3 khi các nhà cung cấp bàn giao sản phẩm, khoản mục này sẽ giảm xuống. Một phần của khoản mục này là phần góp vốn cho Trung tâm kỹ thuật cao, hiện tại vẫn chưa quyết toán nên còn treo trên khoản mục này.
Khoản mục tài sàn ngắn hạn tăng mạnh một phần cũng do hiện tại JVC phải tự tài trợ 100% tiền bảo lãnh thầu, bảo lãnh thực hiện dự án. Tuy nhiên, do hoạt động của Công ty đang dần cải thiện nên một số ngân hàng đã làm việc với JVC, sẵn sàng cấp tín dụng cho công ty. Như vậy, nếu có ngân hàng đảm bảo một phần tiền bảo lãnh, JVC sẽ giảm được phần tiền này có vốn lưu động để thực hiện các dự án khác.
Về kết quả kinh doanh cụ thể, bà Ngọc chia sẻ, doanh thu quý 2 của JVC đạt hơn 100 tỷ đồng, cả 2 chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều hoàn thành tốt hơn quý 1/2015.
Cổ đông kiến nghị bầu lại HĐQT, nới room lên 100%
Một cổ đông cho ý kiến, việc bầu thêm 2 thành viên HĐQT trong thời gian này là điều hợp lý để đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động của HĐQT. Tuy nhiên theo cổ đông này, JVC nên thực hiện bầu lại toàn bộ HĐQT bởi nếu chỉ bầu thêm 2 người, với sở hữu hiện tại của quỹ DI và các bên liên quan là gần 30% thì coi như đã “chắc suất”. Việc bầu lại HĐQT một phần để đảm bảo sự minh bạch, một phần để đảm bảo tiếng nói cho cổ đông nhỏ lẻ.
Ngoài ra, cổ đông này cũng kiến nghị JVC nới room lên 100% để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Về bản chất, quỹ DI đầu tư vào JVC vẫn mang bản chất là đầu tư tài chính là nhiều, nếu có nhà đầu tư chiến lược tham gia vào công tác quản trị của JVC sẽ giúp Công ty hoạt động tốt hơn. Vị này đồng thời cũng kiến nghị trả thù lao HĐQT cho năm 2015 bằng cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của các thành viên HĐQT, vấn đề này cũng giúp cổ đông yên tâm hơn vào công tác quản lý của JVC.
Về vấn đề này, bà Ngọc cho biết, nhiệm kỳ của HĐQT là 2011 – 2016 nên việc bầu lại HĐQT sẽ được tiến hành tại ĐHĐCĐ thường niên vào năm sau, tuy vậy việc bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT trong lần này nếu nhóm cổ đông nào sở hữu trên 5% trong thời gian quy định đều có thể đề cử.
Về vấn đề nới room lên 100%, điều này đã được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 và cổ đông đã thông qua việc để HĐQT chủ động thực hiện nới room khi có nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến JVC.
Đăng Tùng
|