ĐHĐCĐ bất thường SHI: NĐT chiến lược nắm giữ 30% vốn nếu thực hiện chứng quyền
HĐQT CTCP Quốc tế Sơn Hà (HOSE: SHI) đã trình ĐHĐCĐ việc thay đổi kế hoạch huy động vốn của SHI thông qua phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền tăng từ 180 tỷ lên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề được cổ đông quan tâm nhất tại Đại hội là sở hữu liên quan đến nhà đầu tư chiến lược của đợt phát hành, bởi khi thực hiện chứng quyền cổ đông này sẽ nắm giữ tới 30% vốn của SHI.
ĐHĐCĐ bất thường 2015 của SHI với sự tham gia của 28 cổ đông, đại diện cho 59.39% số cổ phần có quyền biểu quyết.
|
Thay đổi phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền
HĐQT SHI đã trình cổ đông việc thay đổi về kế hoạch huy động vốn của Công ty thông qua phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền với các sửa đổi liên quan đến khối lượng phát hành và mục đích sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành.
Theo phương án phát hành ban đầu đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 17/04/2015, SHI đưa ra kế hoạch phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền với giá trị chuyển đổi tối đa không quá 18 triệu cp. Mục đích sử dụng vốn dự kiến là đầu tư 70 tỷ đồng xây nhà máy mới trong nước và 110 tỷ đồng xây nhà máy nước ngoài.
Theo phương án phát hành mới, SHI dự kiến phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền với khối lượng chuyển đối tối đa không quá 20 triệu cp. Thời hạn và lãi suất của trái phiếu do HĐQT quyết định. Mục đích sử dụng vốn sau phát hành là 180 tỷ xây dựng nhà máy trong nước (phía Bắc 140 tỷ và Nghệ An 40 tỷ) và góp vốn xây dựng nhà máy ở Myanmar là 20 tỷ đồng.
Phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu kèm chứng quyền mới của SHI
|
Giải thích nguyên nhân thay đổi mục đích sử dụng vốn, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT SHI cho biết, trước đây SHI dự định đầu tư lớn vào thị trường Myanmar, đây là một thị trường tiềm năng và còn rất nhiều không gian, trong trường hợp SHI đầu tư một nhà máy bài bản ở Myanmar thì sẽ có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, khi xem xét lại thị trường nội địa với tốc độ tăng trưởng không kém so với thị trường nước ngoài, trong khi các nhà máy của SHI đều đã vượt quá khả năng, do vậy việc phát hành trái phiếu là để thu xếp nguồn vốn cho các dự án mới.
Ông Sơn cũng cho biết rõ hơn rằng: “Trong số 200 tỷ huy động đợt này, có 140 tỷ được dành cho việc di dời mảng sản xuất hàng gia dụng từ nhà máy ở Phùng, Hà Nội lên nhà máy mới ở phía Bắc do nhà máy này đã hoạt động hết công suất và không thể đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Theo đó, nhà máy mới này tập trung vào việc sản xuất các mặt hàng gia dụng”.
Việc di dời nhà máy Phùng, Đan Phượng là rất cấp bách do nhà máy này đã hoạt động hết công suất. Đây là nhà máy sản xuất ống thép, hàng dân dụng, gia dụng, bình nước nóng và một phần bồn nước cũng được sản xuất tại đây. Sau khi di dời mảng gia dụng, sàn lượng ống thép sẽ được tăng gấp đôi do nới thêm không gian.
Đối với nhà máy SHI dự tính xây dựng tại Nghệ An là nhằm đáp ứng hàng hóa cho nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ từ Thanh Hóa vào Quảng Bình. Còn nhà máy tại Myanmar, HĐQT đã bàn bạc và đề xuất phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn nhằm giảm thiểu và tránh rủi ro cho các cổ đông. Giấy phép dự kiến tại thị trường Myanmar dự kiến sẽ có được trong khoảng 4 tháng từ thời điểm hiện tại, thời gian xây dựng từ 6 – 8 tháng.
Với nhà máy ở phía Bắc, SHI đã tham quan nhiều địa điểm khác nhau để tìm vị trí xây dựng thích hợp. Hiện tại, 2 địa điểm mà SHI hướng tới là Bắc Ninh và Hưng Yên.
Dự kiến, 5 năm sau khi 3 dự án đi vào hoạt động, SHI sẽ đạt mức doanh thu 5,000 tỷ đồng, biên lợi nhuận ở mức 5%, tương đương khoảng 250 tỷ đồng.
Rủi ro bị thâu tóm khi chuyển đổi trái phiếu?
Theo ý kiến của cổ đông, việc SHI phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền khi chuyển đổi tối đa 20 triệu cp sẽ giúp SHI tăng vốn thêm 200 tỷ đồng. Hiện tại, nếu tính cả đợt phát hành 18 triệu cp gần đây thì vốn của SHI khoảng 540 tỷ đồng. Như vậy nếu tính cả phương án chuyển đổi thì khi 1 nhà đầu tư thực hiện chứng quyền, quy mô vốn mà nhà đầu tư này nắm giữ sẽ khoảng 30%, một tỷ lệ khá lớn có thể liên quan đến vấn đề “đổi chủ” của SHI.
Ông Sơn cho biết, việc phát hành dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian từ nay đến cuối năm, ưu tiên phương án dành cho một nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, hầu hết những nhà đầu tư đang được đàm phán hiện tại là các quỹ đầu tư của nước ngoài, mục đích chính là đầu tư thay vì mục đích tăng sở hữu với ý đồ thâu tóm. Đồng thời, các quỹ này cũng sẽ hiện thực hóa khoản đầu tư sau khi chuyển đổi bằng cách bán ra cổ phiếu.
Trong trường hợp không thành công, SHI sẽ chuyển sang phương án vay từ ngân hàng. Hiện tại, có nhiều ngân hàng quan tâm đến đợt phát hành trái phiếu và đồng ý tài trợ toàn bộ vốn của đợt phát hành, nhưng hiện tại SHI không muốn tăng quá nhanh mức độ nợ vay.
Diễn biến giá cổ phiếu SHI 1 năm gần đây
|
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hà – Phó TGĐ SHI cho biết thêm, thực tế việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền hay vay ngân hàng đang được SHI cân nhắc về vấn đề lãi suất. Liên quan đến thời hạn, mức lãi suất trái phiếu và giá chuyển đổi chứng quyền, bà Hà cho biết, thời hạn trái phiếu là 3 năm, mức lãi suất đang được HĐQT cân nhắc giữa lãi vay trung – dài hạn của các TCTD và mức đám phán với các tổ chức, trong khi mức giá chuyển đổi chứng quyền sẽ căn cứ vào thị giá của SHI khi chuyển đổi.
Kết thúc Đại hội, cổ đông cũng thông qua tờ trình bầu ông Nguyễn Văn Lương vào vị trí thành viên BKS, do trước đó ngày 07/09/2015, ông Đỗ Khắc Tú đã có đơn xin từ nhiệm thành viên BKS với lý do cá nhân.
Đăng Tùng
|