Thứ Sáu, 02/10/2015 17:29

ĐHĐCĐ bất thường 2015 PNC: Mâu thuẫn vẫn chưa có hồi kết

Sáng ngày 02/10, ĐHĐCĐ bất thường CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) đã được tiến hành nhằm "chốt hạ” những vấn đề trọng yếu mà ĐHĐCĐ thường niên diễn ra trước đó đã không được thông qua, tuy nhiên các vấn đề đều vấp phải sự phản đối từ nhóm cổ đông lớn chiếm tỷ lệ biểu quyết áp đảo.

ĐHĐCĐ PNC bất thành: Mâu thuẫn trong HĐQT đã lên đỉnh điểm

* ĐHĐCĐ PNC lần 2: Đằng sau những khoản vay đầy tranh cãi

Sau gần 5 giờ đồng hồ tranh luận thì đại hội cũng chưa thể có được tiếng nói thống nhất, nhóm cổ đông lớn tiếp tục bỏ phiếu không thông qua những vấn đề trọng yếu, chiếm tỷ lệ hơn 62%.

ĐHĐCĐ bất thường PNC diễn ra sáng ngày 02/10/2015 với sự tham dự của hơn 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết

Tại đại hội bất thường lần này, vấn đề duy nhất được thông qua là việc lựa chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C là công ty kiểm toán cho BCTC 2015 của PNC, còn lại những vấn đề quan trọng khác liên quan đến kết quả kinh doanh 2014, BCTC kiểm toán 2014, kế hoạch kinh doanh 2015, thù lao HĐQT và Ban kiểm soát… đều không được thông qua.

Lãi trước thuế 2015 sẽ hơn 17 tỷ đồng nhờ liên doanh với CGV

Tại đại hội, ông Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng Giám đốc PNC cho biết, trong quý 3, nhờ vào việc mở rộng hệ thống nhà sách bán lẻ và sửa chữa cải tạo lại một số nhà sách cũ phù hợp với thị hiếu của thị trường mà doanh số gia tăng đáng kể so với cùng kỳ. Qua đó, doanh thu quý 3 đạt hơn 131 tỷ đồng, lãi gộp hơn 43 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 555 triệu đồng.

Ông Hoạt cũng cho biết, trong quý 3, lãi trước thuế thấp do ảnh hưởng từ việc công ty con của PNC là PNMEG (Công ty Giải trí Truyền thông Phương Nam) lỗ 2 tỷ đồng và PNC trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá tiền vay 3.25 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc hợp nhất kết quả kinh doanh, ông Hoạt cho hay, trong năm 2015, CGV đặt kế hoạch lợi nhuận khoảng 91 tỷ đồng, riêng 7 tháng đầu năm lãi trên dưới 70 tỷ đồng. Khi hợp nhất, PNC sẽ có được khoản thu nhập tài chính, việc này bù được khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hiện nay và bù khoản lỗ từ PNMEG.

Giải trình về việc PNMEG bị lỗ, ông Hoạt cho biết, đây là công ty con của PNC được thành lập vào năm 2008. Định hướng chính của công ty là hệ thống nhà sách, tuy nhiên những năm gần đây, hoạt động nhà sách bị ảnh hưởng bởi sức mua giảm và tình hình khủng hoảng kinh tế, khiến cho doanh thu không thể tăng mạnh. Trước việc này, HĐQT đồng ý phát triển thêm mảng kinh doanh phân phối phim chiếu rạp. Đầu tư cho hệ thống rạp tốn rất nhiều chi phí trong khi công ty nhập phim ở Việt Nam vẫn còn đang thiếu, theo đó tất cả phim PNC nhập về, CGV sẽ phát hành.

Hiện nay, PNC nhập phim về nhưng phải ủy thác một đơn vị khác thẩm định phim, kéo dài thời gian khiến việc chiếu phim bị trễ, hiệu quả thấp đi dẫn đến lợi nhuận theo đó cũng bị giảm. Do đó, HĐQT Công ty đã thống nhất tham gia hoạt động phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình, cùng với đó sẽ bổ sung ngành nghề này vào hoạt động kinh doanh bên cạnh hoạt động tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.

Mặc dù với định hướng phát triển mở rộng sang mảng kinh doanh mới nhằm bổ trợ kinh doanh bán lẻ sách nhưng vẫn vấp phải sự phản kháng của nhóm cổ đông lớn của PNC khi không thông qua việc bổ sung ngành nghề mới này.

Như vậy, để hoàn thành kế hoạch năm 2015, trong quý 4 còn lại, PNC đặt ra chỉ tiêu doanh thu 140 tỷ đồng, lãi gộp 55.5 tỷ đồng và lãi trước thuế 17.3 tỷ đồng. Kết quả này sẽ có được từ việc hợp nhất kinh doanh với CGV, doanh thu bán lẻ sẽ đạt 100% kế hoạch, cắt lỗ tại PNMEG.

Phủ quyết phương án phát hành riêng lẻ cho Megastar

Tại đại hội, một vấn đề quan trọng khác bị nhóm cổ đông lớn phủ quyết là việc PNC sẽ không tiếp tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ 10 triệu cp, giá chào bán 14,000 đồng/cp cho Công ty TNHH Truyền thông Megastar (MSM).

Cụ thể, ĐHĐCĐ bất thường ngày 24/06/2011 của PNC đã thông qua phát hành 10 triệu cp riêng lẻ và ủy quyền cho HĐQT quyết định giá phát hành tùy thuộc vào tình hình thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá và giá trị sổ sách theo BCTC gần nhất do Công ty lập tại thời điểm phát hành.

Mục đích phát hành là huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới của Công ty gồm phim nhựa, cụm rạp chiếu phim, sách điện tử, gia công phụ đề phim nhựa, truyền thông…. chiếm 50% vốn huy động, còn lại 50% sẽ bổ sung vào vốn lưu động.

Sau khi nhận được chấp thuận của UBCKNN ngày 29/06/2011 về hoàn tất thủ tục đăng ký chào bán, ngày 06/07/2011 HĐQT PNC đã họp và quyết định chào bán 10 triệu cp, giá 14,000 đồng/cp cho MSM hoặc đơn vị MSM ủy thác.

Đến ngày 08/07/2011, PNC đã ký hợp đồng thỏa thuận quyền chọn mua với Công ty MSM. Theo hợp đồng này, Công ty MSM sẽ được quyền chọn mua 9,664,000 cp PNC, giá 14,000 đồng/cp, thời hạn 1 năm và MSM sẽ phải mua đợt 1 ngay sau khi ký hợp đồng với số lượng 515,000 cp. Ngày 14/07/2011, MSM đã thực hiện mua cp đợt 1 với tổng trị giá 7.2 tỷ đồng và PNC đã hạch toán vào BCTC 2011. Sau đó, MSM đã không tiếp tục thực hiện quyền chọn mua đối với số cổ phần còn lại.

Thời gian còn lại đến năm 2014, tình hình thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, tại thời điểm đó, thị giá của PNC thấp hơn mệnh giá. HĐQT đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư khác nhau như Công ty Edge Ventures Ltd, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Quỹ Đầu tư Ivory (Hồng Koong), CTCP XNK Bình Tây… nhưng vẫn không thực hiện được phương án phát hành.

Theo đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ xem xét quyết định không tiếp tục phát hành số cp còn lại cho MSM và ủy quyền cho HĐQT tiến hành các thủ tục cần thiết đăng ký số cổ phiếu đã phát hành cho MSM và báo cáo UBCKNN về kết quả của đợt phát hành, đăng ký tăng vốn điều lệ và niêm yết số cổ phiếu này trên HOSE theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhóm cổ đông lớn tiếp tục thể hiện sự bất đồng và không thông qua tờ trình này của HĐQT.

Sẽ thỏa thuận với Envoy để lấy về 10% vốn góp tại CGV trong tháng 10

Chia sẻ về khoản góp vốn 10% tại CGV mà trước đây (trị giá 800,000 USD) Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy) đã góp thay cho PNC cùng với một hợp đồng cho vay 400,000 USD, ông Hoạt cho biết, hiện tại ban lãnh đạo đang cố gắng làm việc với CGV có thể tất toán 2 hợp đồng này trong tháng 10 tới đây.

Ông Hoạt cho hay, hiện tại PNC có 2 hợp đồng gồm hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn cho Envoy. Trong đó, phía Envoy đã góp thế cho PNC 800,000 USD trong liên doanh với CGV. So với trước đây, giá trị 800,000 USD thì giá trị hiện tại lớn hơn rất nhiều, do đó PNC đang cố gắng đàm phán với Envoy để PNC góp 800,000 USD này vào liên doanh này. Khi đó, sổ sách sẽ hạch toán PNC góp 20% vốn vào CGV.

Thứ hai, hợp đồng vay 400,000 USD, ông Hoạt cho hay, về mặt tinh thần thì PNC phải trả cho CGV trả 400,000 USD cùng lãi vay (khoảng 120,000 USD). Để có được lợi ích tối đa cho Công ty, ông Hoạt và ban lãnh đạo đang cố gắng thỏa thuận để có thể tất toán 2 hợp đồng trên trong tháng 10.

Trần Hạnh

Các tin tức khác

>   PNJ: Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường về việc phát hành tăng vốn tỷ lệ 5:1 (04/10/2015)

>   KDC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 22 (02/10/2015)

>   ST8: Thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh tại Vũng Tàu (02/10/2015)

>   VIC: Nghị quyết HĐQT về việc giải thể các công ty con (02/10/2015)

>   VLF: Tạm hoãn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 (02/10/2015)

>   HPC: Nghị quyết HĐQT v/v bán CP quỹ có sửa đổi, bổ sung (02/10/2015)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ từ ngày 24/09/2015 đến ngày 01/10/2015 (02/10/2015)

>   IJC: Nghị quyết HĐQT số 09/2015 ngày 02/10/2015 (02/10/2015)

>   BHS: BCTC Kiểm toán quý 2 năm 2015 (02/10/2015)

>   BHS: BCTC Hợp nhất Kiểm toán quý 2 năm 2015 (02/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật