Đàm phán TPP: Thỏa thuận cuối cùng bị hoãn vào phút chót
Các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đêm qua (4/10) theo giờ Việt Nam đã đạt được một bước đột phá trong vấn đề dược phẩm, theo đó tiến sát việc đạt thỏa thuận cuối cùng sau 5 năm đàm phán.
* Obama giải quyết nút thắt đàm phán TPP cuối cùng
Các bộ trưởng tham gia đàm phán TPP tại Atlanta ngày 1/10/2015 - Ảnh: Reuters.
|
Hãng tin Reuters cho biết, các nước đàm phán TPP đã thống nhất được việc các công ty dược phẩm được giữ độc quyền về thuốc công nghệ sinh học mới trong thời gian bao lâu.
Trước đó, đây là bất đồng chính giữa Mỹ - quốc gia muốn thuốc được bảo hộ lâu hơn - và Australia cùng 5 quốc gia khác có quan điểm cho rằng việc bảo hộ thuốc trong thời gian dài sẽ gây sức ép lên ngân sách y tế quốc gia và hạn chế khả năng tiếp cận thuốc của những bệnh nhân không có đủ khả năng tài chính.
Sau một cuộc đàm phán xuyên đêm thứ ba giữa Mỹ và Australia tại thành phố Atlanta của Mỹ, hai bên đã nhượng bộ và đi đến thỏa thuận. Tuy vậy, theo nguồn tin thân cận, đến chiều ngày Chủ nhật theo giờ địa phương, thỏa thuận về vấn đề dược phẩm vẫn cần phải đạt được sự ủng hộ của các quốc gia khác như Chile và Peru.
Mỹ muốn dữ liệu lâm sàng dùng để phát triển các loại thuốc như thuốc điều trị ung thư Avastin của Genetech, một bộ phận của hãng dược phẩm Roche, được giữ độc quyền trong vòng 12 năm để khuyến khích các công ty dược phẩm sáng tạo. Trong khi đó, Australia muốn chỉ bảo hộ thuốc trong 5 năm để đưa giá thuốc giảm xuống nhanh hơn.
Thỏa thuận mà hai nước vừa đạt được bao gồm hai cơ chế. Trong cơ chế thứ nhất, thời gian bảo hộ tối thiểu đối với thuốc công nghệ sinh học sẽ là 5 năm, trong đó các công ty dược phẩm được giữ độc quyền đối với dữ liệu lâm sàng dùng để sản xuất thuốc mới. Thời gian bảo hộ sẽ kéo dài thêm vài năm trong khi đơn xin sản xuất các loại thuốc cạnh tranh được xem xét - nguồn tin thân cận cho biết.
Trong cơ chế thứ hai, các công ty dược được giữ độc quyền sản phẩm mới trong 8 năm ở một số quốc gia, theo nguồn tin.
Hiện chưa rõ thời hạn bảo hộ như vậy sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với giá thuốc trong tương lai và có thỏa mãn được mong muốn của các công ty dược phẩm Mỹ vốn đã gây sức ép để đoàn đàm phán TPP của Mỹ đưa ra lập trường cứng rắn trong vấn đề thuốc mới.
Các nhà tổ chức đàm phán TPP đã hoãn kế hoạch tổ chức một cuộc họp báo vào buổi chiều ngày Chủ nhật theo giờ địa phương. Theo kỳ vọng ban đầu, cuộc họp báo này sẽ là nơi để các bộ trưởng thông báo đã đạt được TPP.
Tuy vậy, các quan chức rất lạc quan tin tưởng sẽ sớm hoàn tất TPP sau 5 năm đàm phán. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Akira Amari nói ông đã gọi điện cho Thủ tướng Shinzo Abe để báo tin rằng thỏa thuận đang đến rất gần. “Ông ấy rất hài lòng”, ông Amari nói về phản ứng của người đứng đầu Chính phủ Nhật.
TPP sẽ hạ thuế quan và đặt ra tiêu chuẩn chung về thương mại cho 12 nền kinh tế tham gia, trong đó có Việt Nam. Các nước trong TPP chiếm 40% tổng GDP toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực thúc đẩy TPP, xem đây là cách để mở cánh cửa các thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm dịch vụ tài chính và dược phẩm. Giới chức Mỹ cũng xem TPP như một cách để tạo ra đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Cuộc đàm phán ở Atlanta đã kéo dài thêm 24 tiếng đồng hồ, sang ngày thứ 5 liên tiếp tính đến ngày Chủ nhật. Một số người phản đối đã căng biển “Stop TPP” ở khách sạn Westin, nơi cuộc đàm phán diễn ra. Tuy nhiên, những người này đã bị cảnh sát và nhân viên an ninh mời ra ngoài.
Trước đó, vào ngày thứ Bảy, Mỹ và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận nguyên tắc về thương mại ôtô và phụ tùng ôtô. Thỏa thuận này dự kiến sẽ cho phép các hãng xe của Mỹ như GM và Ford có thêm 20 năm hoặc hơn được bảo hộ về thuế quan trước xe tải giá rẻ nhập khẩu từ Thái Lan hoặc các nước châu Á khác - theo nguồn tin thân cận.
Tuy vậy, thỏa thuận trên cũng cho phép các hãng xe Nhật như Toyota có thể dễ dàng hơn trong việc mua phụ tùng từ các nước châu Á, bao gồm từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc, để lắp ráp xe bán sang thị trường Bắc Mỹ.
“Nguyên tắc xuất xứ” của thỏa thuận trên dự kiến quy định chỉ 45% của một chiếc xe cần phải là phụ tùng từ bên trong khu vực TPP, giảm từ mức 62,5% theo quy định của Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).
Về phần mình, New Zealand muốn đảm bảo rằng ngành công nghiệp sữa của nước này sẽ giành thắng lợi rõ ràng trong đàm phán TPP nhờ cánh cửa được mở ra tại các thị trường như Canada, Mexico, Nhật và Mỹ. Hãng sữa Fonterra của New Zealand hiện là hãng sữa lớn nhất thế giới.
Nếu đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, người đang chủ trì cuộc đàm phán ở Atlanta, có thể dẫn dắt đi đến một thỏa thuận về vấn đề sữa trong ngày Chủ nhật theo giờ địa phương, thì một chiến dịch chính trị để TPP được phê chuẩn tại Mỹ sẽ chính thức bắt đầu.
Tại Mỹ, TPP nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, trong khi vấp phải sự phản đối từ chính đảng Dân chủ cầm quyền và các tổ chức công đoàn. Mặc dù vậy, đảng Cộng hòa cũng đã hối thúc chính quyền Obama giữ lập trường đàm phán trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bảo hộ các loại thuốc công nghệ sinh học.
An Huy
vneconomy
|