Cổ phiếu ngành Thủy sản: Sẽ còn điều chỉnh trong ngắn hạn?
Các tín hiệu phân tích kỹ thuật cho thấy xu hướng dài hạn của VS-Seafood khá lạc quan. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có tín hiệu cho thấy giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn đã chấm dứt.
Chỉ số ngành Thủy Sản (VS-Seafood)
Theo quan điểm của người viết, VS-Seafood vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh phức tạp và giằng co mạnh.
Thứ nhất, nếu tiếp cận bằng sóng Elliott thì VS-Seafood vẫn đang ở dạng sóng điều chỉnh với hành động giá trùng lấp (Overlapping Price Action). Giá vẫn chưa vượt được đỉnh cũ tháng 08/2015 nên chưa thể xác nhận xu hướng tăng dài hạn đã quay trở lại.
Thứ hai, Stochastic Oscillator tạo phân kỳ giá xuống gần vùng overbought nên rủi ro điều chỉnh lớn dần khi mà trendline kháng cự vẫn chưa bị phá vỡ.
Hiện tại, VS-Seafood đang test lại Rising Window (vùng 32.4-33.1 điểm) của phiên ngày 06/10/2015 nên đây sẽ là hỗ trợ đáng chú ý cho chỉ số ngành trong ngắn hạn.
Xu hướng dài hạn của VS-Seafood vẫn khả quan do giá duy trì trên nhóm MA dài hạn và vùng đáy cũ 28-30.5 điểm của tháng 5/2015, tháng 08/2015 đang hỗ trợ tốt.
PHÂN TÍCH CỔ PHIẾU NỔI BẬT
FMC– CTCP Thực Phẩm Sao Ta
Tín hiệu kỹ thuật: FMC vẫn đang trong xu hướng tăng giá kéo dài từ tháng 02/2009. Đồng thời, giá vẫn duy trì trên SMA50 nên xu hướng dài hạn khá tích cực.
Giá đang test lại đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 03/2015 (vùng 24,000-26,000). Nếu vùng này trụ vững thì rủi ro không cao.
Ở góc nhìn sóng Elliott, FMC sẽ còn tăng mạnh với sóng 5 tăng điểm và khả năng sóng 5 này đã hình thành khi mô hình sóng Triangle của sóng 4 đã kết thúc. Mục tiêu là vùng 29,000-32,000.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua nếu giá test lại cạnh trên của mô hình Triangle (vùng 24,000-26,000) và nhanh chóng thoát trạng thái nếu vùng này bị phá vỡ hoàn toàn.
IDI – CTCP Đầu Tư & Phát Triển Đa Quốc Gia - IDI
Tín hiệu kỹ thuật: Giá đã phá vỡ trendline kháng cự dài hạn (kéo dài từ tháng 10/2014 cho tới tháng 5/2015). Điều này cho thấy xu hướng giảm đã bị đảo ngược, ít nhất là trong ngắn hạn.
Bình quân mua lớn hơn bình quân bán trong những phiên gần đây cho thấy khả năng điều chỉnh sâu không lớn.
Giá có thể rung lắc mạnh khi đang gặp kháng cự từ SMA50 ở đồ thị tuần (vùng 8,400-8,700). Vùng hỗ trợ gần nhất là nhóm MA dài hạn (theo đồ thị ngày) và nhóm này đang duy trì trong vùng 7,400-7,800. Nếu có điều chỉnh sâu xảy ra thì vùng 5,500-6,500 sẽ là hỗ trợ mạnh cho cổ phiếu do đây là đáy cũ tháng 5/2014 và tháng 5/2015.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua mạnh khi IDI về lại vùng hỗ trợ là nhóm MA dài hạn (vùng 7,400-7,800).
HVG – CTCP Hùng Vương
Tín hiệu kỹ thuật: Ở đồ thị tuần, HVG đã đi lên trên trendline dài hạn (tương đương vùng 16,500-17,300). Điều này cho thấy xu hướng tăng vẫn duy trì. Ngoài ra, giá cũng đã phá vỡ đường middle của kênh giá xuống ngắn hạn và đang pullback để test lại đường này ở đồ thị tuần (weekly chart).
Nếu khối ngoại tiếp tục mua ròng thường xuyên trong thời gian tới thì rủi ro cũng sẽ được hạn chế. Khối này đã mua ròng 5 trong 8 phiên gần nhất tính đến ngày 14/10/2015.
Tuy nhiên, khối lượng đang xuống thấp nên có khả năng HVG sẽ tiếp tục giằng co mạnh trong ngắn hạn.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể canh mua nếu giá test lại trendline dài hạn (tương đương vùng 16,500-17,300). Canh chốt lời ở vùng 20,500-21,500.
VHC – CTCP Vĩnh Hoàn
Tín hiệu kỹ thuật: VHC vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn từ tháng 11/2008 khi liên tục tạo đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.
Xét trong chu kỳ ngắn hơn thì giá đang biến động sideway kể từ tháng 10/2014. Theo quan điểm của người viết thì đây có thể là sóng dạng Triangle. Trendline bên dưới (vùng 34,000-36,000) tiếp tục hỗ trợ tốt cho giá.
Nếu giá phá vỡ trendline kháng cự phía trên thì sẽ là tín hiệu xác nhận đà tăng đã quay trở lại. Trong trường hợp này, mục tiêu giá (target price) của mẫu hình là vùng 49,000-52,000.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể mua thăm dò khi giá test lại trendline hỗ trợ bên dưới (vùng 34,000-36,000) với quan điểm nhanh chóng thoát ra nếu giá phá vỡ vùng này.
Phạm Tấn Phát, Phòng Tư vấn Vietstock
|