“Chinzila” đang trở thành mối đe dọa lớn nhất kinh tế toàn cầu
Đồng nhân dân tệ xuống giá đang làm dấy lên nguy cơ giảm phát trên toàn thế giới. Cùng với đó, giới phân tích cảnh báo rằng mối liên hệ giữa Trung Quốc và Brazil mà họ gọi là “Chinzila” đang trở thành mối nguy lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu hiện nay.
(Nguồn: ckgsb.edu.cn)
|
Ảnh hưởng dây chuyền của sự tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp Trung Quốc đối với giá cả hàng hóa và nhu cầu đã và đang biến những căng thẳng tài chính thành những vấn đề lớn tại các thị trường mới nổi.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng nếu thiếu sự quản lý và phối hợp hợp lý, những vấn đề tài chính này sẽ trở thành các vấn đề mang tính hệ thống, với chất xúc tác tiềm tàng chính là sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Tại Trung Quốc, việc thay đổi mô hình kinh tế, một kết cục mà người ta dự báo từ năm 2012, cùng với sự mất giá của đồng nội tệ cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã đánh giá quá cao khả năng kiểm soát kinh tế của mình. Cái giá phải trả cho những sai lầm về chính sách, ngoài việc mất đi hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại tệ, còn là việc các ngân hàng mang gánh nợ lớn bỏ lỡ các cơ hội huy động vốn quan trọng.
Giới phân tích cho rằng chừng nào đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn yếu và các công ty nước này vẫn phiền lo về giảm phát, thì sức ép mất giá đối với đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục dai dẳng.
Tờ Thời báo tài chính (The Financial Times) của Anh dẫn nhận định của các nhà phân tích rằng những nỗ lực hạn chế dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc hiện nay có nguy cơ tạo "bong bóng" mới trên thị trường trái phiếu trong nước và chính "bong bóng" này báo hiệu khả năng đồng nhân dân tệ sẽ mất giá hơn nữa trong năm 2016.
Trong khi đó, vốn được lợi hơn nhiều nước khác từ sự đi lên của kinh tế Trung Quốc trong thời gian trước, kinh tế Brazil lại đang bị tác động nhiều nhất từ sự tăng trưởng yếu đi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bế tắc chính trị cũng ảnh hưởng tới việc giảm thâm hụt và gánh nợ của Brazil bỗng chốc trở thành quả bom hẹn giờ.
Tương tự Trung Quốc, vấn đề đối với kinh tế Brazil không chỉ là nợ nước ngoài cao quá mức mà nó nằm ở sự bùng nổ tín dụng trong nước. Dòng vốn lớn chảy vào nước này đã giúp giảm lãi suất từ mức 12% trong thời gian từ năm 2001-2007 xuống còn 5% trong giai đoạn sau khủng hoảng. Hiện tại, tình trạng tồi tệ nhất của vấn đề nợ xấu tập trung chủ yếu vào các ngân hàng quốc doanh.
Sự căng thẳng tài chính hiện nay đang “ám ảnh” kinh tế Brazil và việc đánh mất sự tín nhiệm về chính sách đã khiến Brazil bỏ lỡ cơ hội lựa chọn cách điều chỉnh chính sách một cách từ từ.
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có khả năng tự “cứu” mình và các thị trường mới nổi thông qua việc chính phủ áp dụng các biện pháp tài khóa theo hướng thúc đẩy tiêu dùng trong nước chứ không phải tập trung vào cơ sở hạ tầng, loại bỏ các khoản cho vay không sinh lời khỏi hệ thống tài chính, cải cách cơ chế trung gian tín dụng và cải cách hệ thống an sinh xã hội.
Sức ép giảm giá lên đồng nhân dân tệ là ảnh hưởng phụ của những quyết sách sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ những sức ép kiểu này mà không đi kèm với chính sách đối phó toàn diện hơn để giải quyết vấn đề nợ, cũng như cách phân bổ tín dụng thiếu hợp lý rất có thể sẽ châm ngòi cho giảm phát lan ra phần còn lại của thế giới./.
Như Mai
vietnam+
|