Dầu mất giá, Saudi Arabia có nguy cơ cạn tiền
Theo IMF, Saudi Arabia có thể "sẽ cạn kiệt quốc khố trong vòng chưa đầy 5 năm bởi thâm hụt ngân sách lớn”...
Một dự án xây dựng ở Saudi Arabia - Ảnh: Bloomberg.
|
Saudi Arabia có thể sẽ cạn các tài sản tài chính cần thiết để hậu thuẫn cho chi tiêu trong vòng 5 năm tới nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp và Chính phủ nước này duy trì chính sách chi tiêu như hiện tại - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/10 cảnh báo.
Theo hãng tin Bloomberg, lời cảnh báo trên của IMF một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết Saudi Arabia phải cắt giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chủ lực và chiếm 80% thu ngân sách của quốc gia Trung Đông này, giảm sâu.
IMF nói rằng, hai quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Bahrain và Oman cũng sẽ cùng cảnh ngộ với Saudi Arabia nếu tiếp tục chính sách chi tiêu thoải mái hiện tại.
Trong khi đó, ba quốc gia còn lại của GCC là Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có tương đối nhiều tài sản tài chính hơn nên có khả năng chống chọi với giá dầu thấp được thêm 20 năm nữa - theo báo cáo của IMF.
Hiện tại, Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới - đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhằm lập lại sự cân bằng cho ngân sách quốc gia. Giới chức nước này nhắc đi nhắc lại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab của Saudi Arabia đủ mạnh để chống chọi với sự sụt giảm chóng mặt của giá dầu như đã từng diễn ra trong những cuộc khủng hoảng trước - khi mà ngân sách đất nước còn chịu sức ép lớn hơn.
Nhưng IMF nói những biện pháp mà các nước xuất khẩu dầu đang cân nhắc “có thể là không đủ để đạt được sự củng cố ngân sách cần thiết trong trung hạn. Với chính sách hiện tại, các nước sẽ cạn kiệt quốc khố trong vòng chưa đầy 5 năm bởi thâm hụt ngân sách lớn”.
Trong thập kỷ qua, Saudi Arabia đã tích lũy được dự trữ ngoại hối hàng trăm tỷ USD nhằm giúp nền kích tế hấp thụ được cú sốc giá dầu giảm. Tỷ lệ nợ công của nước này so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm xuống dưới mức 2% trong năm 2014, thấp nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, đợt giảm giá dầu từ năm ngoái đến nay đã khiến Chính phủ Saudi Arabia phải trì hoãn nhiều dự án và phát hành trái phiếu để vay nợ lần đầu tiên kể từ năm 2007. Tháng 8 vừa qua, tài sản ròng của Saudi Arabia ở nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Cùng với đó, Saudi Arabia đang dính líu tới cuộc chiến tranh ở Yemen và cố gắng tránh những chính sách kinh tế có thể dẫn tới bất ổn chính trị-xã hội.
Tính đến cuối tháng 8, tài sản ròng của Saudi Arabia ở nước ngoài giảm tháng thứ 7 liên tiếp, còn 654,5 tỷ USD. Nước này đã huy động được 14,7 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu trong năm nay. IMF dự báo tỷ lệ nợ công của Saudi Arabiia sẽ tăng lên mức 17% trong năm 2016.
Định chế này cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ tăng lên hơn 20% GDP trong năm nay sau khi nhà vua Salman công bố thưởng lớn cho công chức nước này nhân dịp ông đăng quang hồi tháng 1. Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ là 19,4% GDP trong năm 2016, theo IMF.
Trong 5 năm tới, thâm hụt ngân sách của nước này được chuyên gia của IMF nhận định sẽ tiếp tục giữ ở mức cao nếu không có các biện pháp thích hợp để đưa thâm hụt về tầm kiểm soát.
Với sự dẫn đầu của Saudi Arabia, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã tăng sản lượng để bảo vệ thị phần, bất chấp giá dầu sụt xuống dưới mức 50 USD/thùng. Điều này trái ngược với chính sách thường thấy của OPEC là cắt giảm sản lượng để đẩy giá tăng.
Giới phân tích cho rằng với giá dầu giảm sâu, Oman và Bahrain đối mặt rủi ro lớn hơn so với các quốc gia láng giềng giàu có hơn. Hai quốc gia này có sản lượng dầu thấp hơn, dự trữ ngoại hối ít hơn, và trong trường hợp của Bahrain còn là mức nợ cao hơn.
IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Oman sẽ tăng lên 17,7% GDP trong năm nay và 20% trong năm 2016. Với Bahrain, mức thâm hụt dự báo sẽ là 14,2% trong năm 2015 và 13,9% trong năm 2016.
An Huy
vneconomy
|