Thứ Ba, 20/10/2015 09:32

Cảnh báo nguy cơ bùng nổ lạm phát từ tăng trưởng tín dụng nóng

VEPR đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Theo VEPR, cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2015

Đây là cảnh báo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong Báo cáo kinh tế quý 3/2015 vừa được công bố.

Theo VEPR, cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2015. Tính đến tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ 2014. Tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tăng 0,2-0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định tiến gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.

Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.

VEPR cho rằng tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép nên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

Về tỷ giá, trong quý 3/2015, NHNN đã tăng tỷ giá thêm 1% và điều chỉnh biên độ giao dịch từ 1% lên 3%. VEPR cho rằng mặc dù đã điều chỉnh vượt mức biên độ điều chỉnh 2% cam kết trong năm 2015, giá trị danh nghĩa của đồng nội tệ so với USD vẫn cao hơn đáng kể so với kỳ vọng thị trường.

Cầu USD tăng mạnh khiến NHNN phải cung ứng một lượng lớn ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối, đồng thời áp dụng các biện pháp xiết chặt việc mua ngoại tệ.

Thông tư 15 chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán. Quy định này cùng với việc giảm lãi suất tiền gửi USD tuy có tác động làm giảm một phần đầu cơ ngoại tệ, VEPR cho rằng cần thiết lập một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy việc tiếp tục cam kết không điều chỉnh tỷ giá đến năm 2016 đã không định hướng được những kỳ vọng của thị trường sau sự kiện 11/8.

Dựa trên diễn biến tỷ giá và tăng trưởng tín dụng thời gian qua, VEPR đã đưa ra những khuyến nghị chính sách.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. VEPR đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Thứ hai, cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt với mục tiêu cứng về mức điều chỉnh tỷ giá hàng năm không thành công trong việc dẫn dắt kỳ vọng thị trường, ngược lại làm suy giảm niềm tin của thị trường vào uy tín của nhà điều hành và tạo ra rủi ro chính sách lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

VEPR cho rằng cơ chế tỷ giá hiện không phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Cơ chế tỷ giá điều chỉnh thiếu linh hoạt không có khả năng bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007. Ngoài ra, thị trường tài chính thế giới có thể sẽ chứng kiến những cú sốc lớn khi Trung Quốc và các thị trường mới nổi đang điều chỉnh mạnh mẽ.

Thứ ba, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. VEPR cho rằng khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.

Thứ tư, VEPR cho rằng thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

Thứ năm, các quy định về kỳ hạn không thấp hơn 5 năm và đưa mức trần lãi suất phát hành của trái phiếu Chính phủ (TPCP) không phù hợp, đang gây méo mó thị trường, cản trở việc hình thành thị trường vốn nội địa. Việc tín phiếu kho bạc được phát hành thay cho TPCP kỳ hạn dài là một bước lùi trong việc phát triển thị trường vốn, đồng thời làm suy yếu khả năng kiểm soát cung tiền và lãi suất của NHNN. VEPR cho rằng việc phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính.

Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cổ định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho tăng năng suất trong dài hạn. Bên cạnh đó, VEPR cho rằng để đạt được cân bằng cán cân ngân sách trung và dài hạn, cần tiết chế chi tiêu chính phủ khi nguồn thu ngân sách ít có khả năng được cải thiện.

Châu Huệ

dđdn

Các tin tức khác

>   Cái giá của nợ xấu (20/10/2015)

>   Quy định mới về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam (20/10/2015)

>   Nghiên cứu chính sách ưu đãi nguồn vốn đối với tổ chức tài chính vi mô (19/10/2015)

>   Lương ngành ngân hàng dù giảm nhưng vẫn ở “chiếu trên” (18/10/2015)

>   Huy động ngoại tệ tăng mạnh, cho vay ngoại tệ tăng chậm (18/10/2015)

>   Khi USD không còn hấp dẫn (18/10/2015)

>   Niềm vui nhân đôi cùng thẻ tín dụng quốc tế NamABank (18/10/2015)

>   Giá USD lên xuống chóng mặt (17/10/2015)

>   OCB cấp gói vay cho người mua nhà dự án Khu phức hợp Western Dragon (16/10/2015)

>   Cái giá phải trả để giảm nhanh nợ xấu (16/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật