Cần cổ phiếu sạch
Những cáo buộc về gian lận và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cổ phiếu của một số DN niêm yết trên thị trường chứng khoán mất đi một nửa giá trị.
Tháng 10 năm ngoái, giá trị cổ phiếu của Alibaba đã đạt gần 120 USD/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với giá trị IPO ban đầu, giúp Alibaba có vốn hóa vượt qua cả đại gia bán lẻ Walmart và hãng thương mại điện tử Amazon.
Có điều, sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường giám sát chống hàng giả, hàng nhái; nghi án “xào nấu” báo cáo tài chính… giá trị cổ phiếu của Alibaba giảm thê thảm.
Cụ thể, chỉ trong một ngày 29/9, cổ phiếu Alibaba giảm 3% xuống còn 57,41 USD/cổ phiếu, điều này chứng tỏ nó mất hơn một nửa giá trị từ tháng 10 năm ngoái và thấp hơn giá IPO ban đầu (ở lần IPO ban đầu, giá trị của Alibaba là 68 USD/cổ phiếu).
Nhiều ngân hàng đã bị phạt vì liên quan đến cáo buộc thao túng thị trường ngoại hối
|
Tại Trung Quốc, Alibaba không phải trường hợp duy nhất khiến nhà đầu tư mất tiền mà trước đó, Tân Hoa xã đưa tin, những nghi ngờ gian lận trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã diễn ra trên diện rộng.
Còn theo Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, căn cứ điều tra sẽ dựa vào những báo cáo liên quan tới những biến động bất thường trên thị trường chứng khoán và thị trường tương lai, sẽ còn rất nhiều DN, Tập đoàn lớn của Trung Quốc bị lộ diện gian dối. Bởi hiện nay, Ủy ban này đã nhận được rất nhiều ý kiến cáo buộc rằng nhiều “đại gia” đang lái thị trường thông qua hoạt động bán khống cổ phiếu.
Điều này đã từng xảy ra ở cổ phiếu của công ty chuyên sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Hanergy Thin Film. Vào tháng 5/2015, cổ phiếu này đột ngột giảm một nửa giá trị, khiến 18,6 tỷ USD “bay hơi” và buộc công ty này ngừng giao dịch.
Khi đó, theo Bloomberg, chỉ trong vòng gần nửa tiếng đồng hồ, cổ phiếu của Hanergy Thin Film giảm 47% giá trị thị trường, vào đúng ngày công ty tổ chức đại hội cổ đông hàng năm tại Hồng Kông. Việc Chủ tịch Công ty Li Hejun không có mặt tại cuộc họp đã dấy lên một nghi vấn là ông này “diễn trò” với số tài sản trên sàn của họ.
Lý do, trước khi sụt giảm ở mức kỷ lục vào thời điểm đó, cổ phiếu của Hanergy Thin Film đã tăng gấp hơn sáu lần trong vòng một năm, dù giới phân tích và nhà đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh nguồn doanh thu của công ty.
Nhiều nhà phân tích nhận định giá cổ phiếu Hanergy Thin Film đã bị thổi phồng quá mức. Đầu năm, Thời báo Tài chính của Anh cũng đã có bài điều tra về công ty, trong đó tờ báo đặt câu hỏi về các hình thức kế toán “không thông thường” của công ty này.
Thực tế, trong bối cảnh ngày càng nhiều “đại gia” ngã ngựa, thay vì cảm thương cho số phận thì các cơ quan chức năng lại phải điều tra về những điều bất thường này. Và phần lớn, kết quả đúng như nghi vấn của nhà đầu tư khi các dữ liệu chứng minh sự lên xuống của một số cổ phiếu là “có vấn đề”.
Đơn cử, giá trị vốn hóa của Alibaba hiện đã tụt 128 tỷ USD. Nhà phân tích James Cordwell của Atlantic Equities cho rằng, “tai nạn” mà Alibaba gặp phải không chỉ xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc mà chính là từ sách lược của người điều hành. Theo đó, một số trong nhiều thương vụ có tổng trị giá 15 tỷ USD mà Alibaba công bố đã khiến giới đầu tư băn khoăn, gây “khó hiểu”.
Chẳng hạn Alibaba đã mua cổ phần trong một đội bóng ở Quảng Châu, một công ty sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) nhỏ và một studio giải trí làm ăn bết bát. Hay tầm nhìn của ông chủ Jack Ma là dựa vào những khoản đầu tư mới này để giúp kết nối thông tin trên web với người tiêu dùng trong thế giới thực?
Ý tưởng này - được biết đến trong lĩnh vực công nghệ là O2O (từ trực tuyến đến ngoại tuyến) - nhằm cho phép người sử dụng dùng smartphone để mua mọi thứ mà họ muốn, từ hàng hoá tới dịch vụ. Có thể những thương vụ của Alibaba cuối cùng có thể sẽ phục vụ đắc lực cho tầm nhìn này, nhưng trước mắt chúng chưa đem lại hiệu quả cho lợi nhuận và giá cổ phiếu của tập đoàn.
Cũng vì bỏ ra hàng triệu USD mua cổ phiếu góp vốn, thế nên, qua những chiến lược không rõ ràng của ông chủ tịch, nhiều cổ đông của Alibaba đã tỏ ra nản lòng. Hai tỷ phú đầu cơ Daniel Loeb và George Sorus phản ứng bằng cách bán sạch cổ phiếu này.
Với nhà đầu tư, họ cần một cổ phiếu “sạch” không bị thao túng. Ngược lại, đối với những cổ phiếu bị “phù phép”, giới này kỳ vọng cơ quan chức năng sớm “đưa ra ánh sáng” giống như một số trường hợp tại Mỹ. Điển hình là cổ phiếu Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, ngân hàng này đã phải nộp phạt tổng cộng 545 triệu USD cho chính quyền Mỹ để thu xếp cáo buộc về thao túng thị trường tiền tệ và lừa đảo trực tuyến.
Theo Reuters, khoản nộp phạt của UBS là một phần của số tiền ước tính lên đến hơn 5 tỷ USD mà ngân hàng này cùng bốn nhà băng hàng đầu thế giới khác phải trả cho chính quyền Mỹ và Anh, liên quan đến các cáo buộc thao túng thị trường ngoại hối. Ngoài UBS, hai ngân hàng Mỹ gồm JPMorgan và Citigroup và hai ngân hàng Anh Barclays và Royal Bank of Scotland dự kiến cũng sẽ bị chứng minh có liên quan đến các hoạt động thao túng ngoại hối…
Hoàng Long
thời báo ngân hàng
|