Lo sợ trở lại, vàng nổi chứng khoán chìm
Nhà đầu tư đang lo sợ. Rất lo sợ. Làm thế nào để biết được điều đó. Hãy nhìn giá vàng.
Tính đến ngày thứ Năm (24/09), chứng khoán Mỹ đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp chủ yếu do tin xấu từ Caterpillar. Hầu hết 30 cổ phiếu thành viên Dow Jones đều mang sắc đỏ, chỉ có vài mã trong S&P 500 khởi sắc. Tuy nhiên, giá vàng lại vọt 2% và cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 là nhà khai thác vàng Newmont với mức bật mạnh hơn 6%.
* Janet Yellen: Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay
* Fed vẫn chưa nâng lãi suất
Trên thực tế, vàng đã bắt đầu tỏa sáng kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo trong tháng 8.
SPDR Gold Shares ETF, một quỹ ETF nổi tiếng mô phỏng giá của kim loại thực tế, hiện đã tăng hơn 5% so với thời điểm cuối tháng 7 trong khi cùng kỳ S&P 500 lại sụt tới 9%. Thêm vào đó, Market Vectors Gold Miners ETF, quỹ sở hữu Newmont và các nhà khai thác mỏ lớn khác như Goldcorp, Rangold và Barrick, cũng tăng mạnh thời gian gần đây khi nhận tổng cộng gần 2% trong 2 tháng qua.
Đó là điều hoàn toàn hợp lý vì vàng thường được xem là nơi trú ẩn an toàn trong suốt giai đoạn bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
“Sự lo lắng của nhà đầu tư đã giúp ích cho vàng. Đây là tài sản mà người ta thường tìm đến khi lo lắng về thị trường. Nhu cầu vàng vật chất đã cũng tăng khá mạnh”, nhận định của ông Chris Gaffney, Chủ tịch EverBank World Markets.
Nguồn: CNNMoney
|
Dù vậy, đây vẫn là một sự chuyển hướng ngoạn mục của giá vàng và nhóm cổ phiếu khai khoáng.
Cách đây không lâu, nhà đầu tư đã khá lo lắng về nguy cơ sụp đổ của giá vàng trước nỗi lo về nhu cầu ngày càng thấp tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng như đà tăng mạnh của đồng USD và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp nâng lãi suất.
Cho tới nay, nhu cầu vàng của Trung Quốc vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, dường như vàng đang được hưởng lợi từ đà tăng nhẹ hơn của đồng USD vì Fed vẫn chưa nâng lãi suất.
Các nhà đầu cơ vàng xem kim loại quý là một đồng tiền thay thế và các ngân hàng trung ương không thể thao túng giá trị của đồng tiền này. Vàng là một tài sản vật chất hữu hình. Bên cạnh đó, vàng thường tăng giá mạnh khi đồng USD suy yếu.
Đà lao dốc của hầu hết các loại hàng hóa trong các tháng vừa qua cũng có thể hỗ trợ giá vàng vì điều đó có thể dẫn tới nỗi lo sợ lớn hơn về tình trạng giảm phát. Vàng cũng thường đi lên khi giá tài sản rơi tự do. Tuy nhiên những diễn biến tích cực gần đây của giá vàng vẫn chưa đủ rõ ràng để kết luận đây là khởi đầu của một cơn sốt vàng mới hay giá vàng sẽ lại đâm đầu đi xuống sau vài phiên tăng ngắn ngủi.
Hiện SPDR Gold Shares ETF vẫn còn giảm gần 3% trong năm nay và thấp hơn 40% so với mức cao mọi thời đại cách đây 4 năm. Giá vàng cũng dao động quanh mốc 1,150 USD/oz, cách xa mức cao kỷ lục (chưa được điều chỉnh theo lạm phát) trên 1,920 USD/oz xác lập tháng 9/2011.
Giá vàng đã lập đỉnh trong đợt điều chỉnh gần nhất cách đây vài năm của thị trường chứng khoán (tức giảm 10% so với đỉnh cao gần đây) trước đợt điều chỉnh trong năm 2015. Khi đó, Phố Wall đã hạ thả phanh sau khi Standard & Poor’s (S&P) hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vào tháng 8/2011.
Vậy đã đến thời điểm chín muồi để vàng tiếp tục tăng giá?
“Chúng tôi chưa bao giờ khuyên mọi người gom vàng. Nhưng tốt hơn hết nên giữ một ít vàng trong danh mục để đề phòng sự biến động của thị trường”, nhận định của ông Ralph Aldis, Giám đốc quản lý danh mục tại U.S. Global Investors.
Aldis cho rằng giá vàng có thể trở lại mốc 1,200 USD/oz trong ngắn hạn khi Fed tiếp tục trì hoãn hành động.
Có thể mối lo lắng về Trung Quốc và lo sợ xung quanh sự chần chừ của Fed trong việc nâng lãi suất (Liệu cuối cùng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới hay vào năm 2016, hay thậm chí là năm 2017?) có thể tiếp tục đẩy vàng lên cao.
Đà tăng của giá vàng không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy sự bất ổn của các thị trường.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường, đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu tháng 8. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear & Greed Index) của CNNMoney – chỉ số dựa trên VIX và 6 chỉ báo tâm lý đầu tư khác – cho thấy nhà đầu tư đang “Cực kỳ Sợ hãi” (Extreme Fear).
Tuy nhiên, tâm lý hoảng loạn ngày càng cao của nhà đầu tư thường là nền tảng để thị trường phục hồi mạnh sau đó, thậm chí khi những bất ổn trên thị trường chưa thể biến mất trong một sớm một chiều.
Đó cũng là lý do tại sao Kate Warne, chiến lược gia đầu tư của Edward Jones cho rằng bây giờ là lúc để bắt đầu suy nghĩ về việc mua cổ phiếu trở lại và từ bỏ việc theo đuổi vàng.
Bà cho rằng Fed sớm muộn gì cũng nâng lãi suất và Trung Quốc sẽ bình ổn trở lại. “Vàng là một thước đo về sự sợ hãi. Đa phần các lo lắng hiện nay đều là ngắn hạn chứ không phải dài hạn”, bà Warne cho biết.
Phước Phạm (Theo CNNMoney)
|