Thứ Ba, 06/10/2015 13:44

Các nội dung quan trọng của Hiệp định TPP 

Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được các nhà đàm phán thông qua ngày 05/10, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã công bố tóm tắt nội dung của Hiệp định này.

 

Theo đó, Hiệp định TPP gồm có 30 chương điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại, bắt đầu từ thương mại hàng hóa và tiếp tục với hải quan và thuận lợi hóa thương mại; vệ sinh kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; quy định về phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương về “các vấn đề xuyên suốt” nhằm bảo đảm Hiệp định TPP đạt được tiềm năng của mình về phát triển, tính cạnh tranh và tính bao hàm; giải quyết tranh chấp; ngoại lệ và các điều khoản về thể chế.

Bên cạnh việc nâng cấp cách tiếp cận truyền thống đối với những vấn đề đã được điều chỉnh bởi các hiệp định thương mại tự do trước đó (FTAs), Hiệp định TPP còn đưa vào những vấn đề thương mại mới và đang nổi lên cũng như những vấn đề xuyên suốt. Những vấn đề này bao gồm những nội dung liên quan đến Internet và nền kinh tế số, sự tham gia ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước vào thương mại và đầu tư quốc tế, khả năng của các doanh nghiệp nhỏ trong việc tận dụng các hiệp định thương mại và những nội dung khác.

Một số nội dung quan trọng của TPP phải kể đến như vấn đề thương mại hàng hóa, các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan cũng như các chính sách mang tính hạn chế khác đối với hàng hóa nông nghiệp.

Việc xóa bỏ phần lớn thuế quan đối với hàng công nghiệp sẽ được thực hiện ngay lập tức mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất. Việc cắt giảm thuế cụ thể do các bên thống nhất được quy định tại lộ trình cam kết bao gồm tất cả hàng hóa và được đính kèm theo lời văn của Hiệp định.

Các bên tham gia TPP sẽ công bố các lộ trình này và những thông tin khác liên quan tới thương mại hàng hóa để bảo đảm rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn có thể tận dụng được Hiệp định TPP. Các bên cũng nhất trí không sử dụng các yêu cầu về thực hiện như là điều kiện để một số nước áp đặt cho các doanh nghiệp để được hưởng các lợi ích về thuế quan.

Ngoài ra, các bên nhất trí không áp dụng các hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu và các loại thuế không phù hợp với WTO, bao gồm cả đối với hàng tân trang - việc này được cho là sẽ thúc đẩy việc tái chế tất cả các bộ phận để chuyển thành các sản phẩm mới. Nếu các bên TPP duy trì yêu cầu cấp phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu thì phải thông báo cho các Bên kia về những quy trình không nhằm mục đích làm chậm sự lưu thông thương mại.  

Đối với hàng nông nghiệp, các bên sẽ xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các chính sách mang tính hạn chế khác để gia tăng thương mại hàng nông nghiệp trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao an ninh lương thực và hỗ trợ việc làm cho người nông dân và chủ trại nuôi gia súc của các nước TPP.

Đối với dệt may, các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may - ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP. Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặt dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất. Chương Dệt may cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP - điều này sẽ thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư khu vực trong lĩnh vực này, cùng với cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực.

Về quy tắc xuất xứ, để gỡ rối tình trạng “bát mỳ ống” của quy tắc xuất xứ gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA trước đó trong khu vực, 12 nước thành viên TPP đã thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể “có xuất xứ” và do vậy được hưởng thuế quan ưu đãi trong TPP.

Quy tắc xuất xứ cụ thể theo mặt hàng được quy định kèm theo lời văn của Hiệp định. Hiệp định TPP quy định về “cộng gộp” để các nguyên liệu đầu vào từ một bên TPP được đối xử như những nguyên liệu từ một bên khác nếu được sử dụng để sản xuất ra một sản phẩm tại bất kỳ một bên TPP.

Các bên tham gia TPP cũng đưa ra các quy tắc để bảo đảm rằng doanh nghiệp có thể hoạt động một cách dễ dàng xuyên khu vực TPP thông qua việc thiết lập một hệ thống chung trên toàn TPP về chứng minh và kiểm tra xuất xứ của hàng hóa TPP. Các nhà nhập khẩu sẽ có thể yêu cầu được hưởng ưu đãi về xuất xứ với điều kiện họ có các chứng từ chứng minh.

Đối với hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các thành viên TPP đã nhất trí về các nguyên tắc minh bạch và không phân biệt đối xử khi xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, trong khi vẫn bảo lưu quyền của các thành viên TPP trong quản lý vì các lợi ích công cộng. Các lĩnh vực này bao gồm mỹ phẩm, thiết  bị y tế, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, rượu và đồ uống có cồn, thực phẩm và các chất gây nghiện và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Chương phòng vệ thương mại thúc đẩy minh bạch hóa và quy trình thủ tục trong các vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua việc công nhận các thực tiễn tốt nhất nhưng không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các thành viên TPP trong WTO. Chương này đưa ra một cơ chế tự vệ tạm thời, cho phép một thành viên thực hiện một biện pháp tự vệ tạm thời trong một khoảng thời gian cụ thể nếu việc nhập khẩu tăng đột biến do kết quả của việc cắt giảm thuế được thực hiện theo Hiệp định TPP đủ để gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.

Các biện pháp này có thể được duy trì lên tới 2 năm, với việc gia hạn 1 năm, nhưng phải được tự do hóa dần dần nếu các biện pháp này đã kéo dài hơn 1 năm. Các thành viên áp dụng các biện pháp tự vệ sẽ phải thực hiện các yêu cầu thông báo và tham vấn. Chương này cũng đưa ra các quy định yêu cầu một thành viên TPP đang áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời cung cấp khoản bồi thường được các bên thống nhất. Đồng thời, các thành viên không được cùng lúc áp dụng nhiều hơn một biện pháp tự vệ được cho phép trong TPP đối với một sản phẩm.

Khi xây dựng các quy định về đầu tư, các thành viên TPP đã đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp.

TPP quy định sự bảo hộ đầu tư cơ bản như trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm: đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” đối với đầu tư trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế; nghiêm cấm việc trưng thu không vì mục đích công cộng, không theo quy trình thủ tục và không có bồi thường; tự do chuyển tiền liên quan đến đầu tư với các ngoại lệ trong Hiệp định TPP nhằm đảm bảo cho các Chính phủ giữ quyền linh hoạt quản lý các dòng vốn không ổn định, bao gồm thông qua biện pháp tự vệ tạm thời không phân biệt đối xử (chẳng hạn như kiểm soát vốn) nhằm hạn chế việc chuyển tiền liên quan đến đầu tư trong trường hợp khủng hoảng hoặc có nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, và các cuộc khủng hoảng kinh tế khác hoặc để đảm bảo sự toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính; nghiêm cấm “các yêu cầu thực hiện” chẳng hạn như yêu cầu về hàm lượng nội địa hoặc tỷ lệ nội địa hóa công nghệ; và tự do bổ nhiệm các vị trí quản lý cấp cao mà không quan tâm đến quốc tịch.

Các thành viên chấp nhận các nghĩa vụ dựa trên cơ sở “một danh mục chọn bỏ”, nghĩa là thị trường các nước là mở hoàn tòan đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi các Thành viên đưa ra một ngoại lệ (biện pháp bảo lưu không tương thích): (1) các biện pháp hiện hành trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế hơn trong tương lai và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai, và (2) các biện pháp và chính sách mà theo đó một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai.

Chương dịch vụ tài chính của TPP cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường đầu tư và qua biên giới quan trọng, trong khi đảm bảo rằng các Thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.

Chương này bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi tìm thấy trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm: Đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, các quy định cụ thể của chương đầu tư, bao gồm tiêu chuẩn đối xử tối thiểu (chẳng hạn như cho phép các khiếu nại bị từ chối tại tòa hoặc không được cung cấp bảo vệ an ninh) tuân theo các tập quán luật thương mại quốc tế (ví dụ như các khiếu nại về một số hành động của chính phủ không nằm trong nghĩa vụ pháp lý chung), cũng như các khiếu nại vì các thiệt hại do nội chiến (ví dụ như thua lỗ gây ra do xung đột vũ trang hoặc nội chiến); và mở cửa thị trường. Điều này cho phép việc bán dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một thành viên TPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán các dịch vụ của mình – nhưng cho phép một thành viên TPP yêu cầu đăng ký hoặc được ủy quyền của nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới ở nước TPP khác nhằm giúp đảm bảo việc quản lý và giám sát thích hợp. Một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP có thể cung cấp một dịch vụ tài chính mới tại thị trường của nước TPP khác nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó.

Các thành viên TPP có các ngoại lệ cụ thể của mình: (1) các biện pháp hiện hành trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế hơn trong tương lai và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai, và (2) các biện pháp và chính sách mà theo đó một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai.

Các thành viên TPP cũng đưa ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của quy trình hoạch định chính sách để giải quyết việc đưa ra các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Thêm vào đó, Hiệp định TPP bao gồm các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và chuyển thông tin để xử lý dữ liệu. Hiệp định cũng bao gồm các quy định cụ thể về tranh chấp đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế, cũng như các quy định liên quan tới các chuyên gia dịch vụ tài chính trong ban trọng tài và cơ chế trình tự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ khác của chương. Cuối cùng, Hiệp định bao gồm các ngoại lệ duy trì quyền linh hoạt lớn cho các nhà quản lý tài chính của TPP thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính bao gồm các ngoại lệ thận trọng và ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ hoặc chính sách cụ thể khác.

Nội dung chi tiếtTom tat TPP.docx

Sanh Tín

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp vẫn bị làm khó trong làm ăn (06/10/2015)

>   Những câu chuyện "Châu chấu đá xe" (06/10/2015)

>   2 vấn đề lớn cần giải quyết của "đầu tàu kinh tế" TP.HCM (06/10/2015)

>   Chính phủ ban hành quy định chi tiết về đầu tư ra nước ngoài (05/10/2015)

>   TPHCM: Kiến nghị cho tư nhân xây đê chống ngập (05/10/2015)

>   Chính phủ đồng ý sửa đổi "nghị định cá tra" (05/10/2015)

>   Doanh nghiệp vẫn bị kiểm tra “nhầm còn hơn bỏ sót” (05/10/2015)

>   Đầu tư khu công nghiệp bùng nổ (05/10/2015)

>   Formosa Hà Tĩnh nghiên cứu nâng vốn đầu tư lên 28,5 tỷ USD (05/10/2015)

>   Đối tác Nhật Bản thâu tóm toàn bộ Sapporo Việt Nam (05/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật