Thứ Sáu, 11/09/2015 15:31

Vụ một lô đất bán cho nhiều người: Tiền - hậu bất nhất, nạn nhân thua thiệt

Hệ quả của “một lô đất bán cho nhiều người” không chỉ gây rắc rối cho những người trực tiếp giao dịch với phía ông Trần Văn Bảy. Hơn thế, còn nhiều nạn nhân gián tiếp khác trong sự vụ này cũng bị lôi vào vòng thưa kiện, gánh chịu thua thiệt trước mắt cũng như trong tương lai…

 

Những người mua đất dự án nhưng chưa thể xây nhà, vì bị cản trở. Ảnh: H.H

Hàng chục người mua đất âu lo

Nếu vụ việc gói gọn trong quan hệ tranh chấp mua bán giữa gia đình ông Trần Văn Bảy và 4 cá nhân trực tiếp giao dịch với ông Bảy, thì hậu quả không đáng nói. Trớ trêu, từ năm 2001, chính quyền địa phương đã chấp thuận cho Cty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã Bình Hưng (trong đó, có lô đất 9.793m2 do vợ chồng ông Trần Văn Bảy - Lương Thị Mùi sử dụng trước đây bị quy hoạch trong dự án). Ngày 16.9.2003, Cty Đại Phúc đã thỏa thuận bồi thường cho ông Đỗ Đức Trung. Sau đó, lô đất trên đã được Cty Đại Phúc đưa vào thực hiện dự án nhà ở có tổng diện tích 282.906m2.

Tháng 2.2012, Cty Đại Phúc đã được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (46 giấy chứng nhận đất ở) trên lô đất 9.793m2. Đến nay, Cty Đại Phúc đã chuyển nhượng toàn bộ 46 nền đất cho khách hàng và có 2 trường hợp được UBND huyện Bình Chánh cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, gia đình ông bà Trần Văn Bảy - Lương Thị Mùi vẫn sử dụng sổ đỏ số 530/QSDĐ/trang 261/Q1 ngày 27.11.1998, do UBND huyện Bình Chánh cấp để bán lô đất cho nhiều người; đồng thời, cản ngăn nhiều hộ dân đã mua đất từ dự án Cty Đại Phúc, không cho họ xây dựng nhà, dẫn đến vụ việc trên mỗi ngày thêm rối rắm, chưa có lối thoát… Do không thể xây dựng nhà, hàng chục hộ dân đã gây áp lực với DN bất động sản. Trong khi đó, Cty Đại Phúc chỉ còn biết kêu trời và gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương TPHCM tháo gỡ sự vụ tréo ngoe này.

Xử lý vụ việc “tiền - hậu bất nhất”

“Bất nhất” đầu tiên là Chủ tịch UBND xã Bình Hưng Trần Văn Tốt xác nhận trên giấy chuyển nhượng, cho phép vợ chồng ông Bảy - bà Mùi ký tên bán đất ngày 18.11.1996, nhưng sau này, cũng ông Trần Văn Tốt lại ký thuận cấp sổ đỏ cho hộ bà Lương Thị Mùi vào ngày 25.8.1998. Từ chỗ đó, UBND huyện Bình Chánh đã cấp sổ đỏ số 530/QSDĐ/trang 261/Q1 ngày 27.11.1998 cho bà Mùi.

Trong khi trên thực tế, vợ chồng bà Mùi đã bán đứt lô đất cho ông Trung trước đó… 2 năm. Chính cái “bất nhất” này đã tạo điều kiện cho phía gia đình ông Bảy - bà Mùi tiếp tục bán (trên giấy) một lô đất cho nhiều người sau này, gây ra hệ lụy tranh chấp kéo dài đến tận hôm nay…

Ngày 21.4.2014, qua xác minh vụ việc, Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) huyện Bình Chánh kết luận, việc UBND huyện Bình Chánh cấp sổ đỏ cho bà Mùi “là không đúng đối tượng sử dụng đất”. Sau đó, Thanh tra huyện Bình Chánh có báo cáo số 160/BC-TTH ngày 29.5.2014, kết luận việc cấp sổ đỏ trên “không đúng đối tượng sử dụng đất” và kiến nghị UBND huyện Bình Chánh thu hồi sổ đỏ đã cấp cho bà Mùi. Ngày 16.6.2014, UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 7760/QĐ-UBND, về việc thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho bà Mùi.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao, ngày 24.9.2014, Thanh tra huyện Bình Chánh lại có báo cáo số 330/BC-TTH, với nội dung… ngược lại báo cáo 160/BC-TTH ngày 29.5.2014 của chính Thanh tra huyện Bình Chánh (?). Theo đó, Thanh tra huyện Bình Chánh kết luận chưa đủ cơ sở để khẳng định UBND huyện Bình Chánh cấp sổ đỏ cho bà Mùi là trái quy định pháp luật (?!); đồng thời, không đủ căn cứ để UBND huyện Bình Chánh thu hồi sổ đỏ của bà Mùi… Vì vậy, ngày 2.10.2014, UBND huyện Bình Chánh lại ra Quyết định số 13109/QĐ-UBND, thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 7760/QĐ-UBND ngày 16.6.2014.

Trong khi đó, về phía UBND TPHCM cũng “tiền - hậu bất nhất” không kém: Trên cơ sở Sở TNMT kết luận sổ đỏ của bà Mùi “chưa bảo đảm quy định pháp luật”, ngày 21.5.2015, UBND TPHCM ra văn bản số 2699/UBND-PCNC, với chỉ đạo “Giao UBND huyện Bình Chánh tiếp tục thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ số 530/QSDĐ/trang 261/Q1 ngày 27.11.1998 đã cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi…”.

Song, ngày 13.6.2015, Văn phòng UBND TPHCM lại ra văn bản số 5349/VP-PCNC, với nội dung “Giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với Sở TNMT, UBND huyện Bình Chánh… kiểm tra rà soát lại toàn bộ quá trình giải quyết có liên quan đến khu đất”, mà chưa thu hồi sổ đỏ của bà Lương Thị Mùi v.v…

Rõ ràng, với cách giải quyết vụ việc “tiền - hậu bất nhất” nêu trên của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương TPHCM, không biết đến bao giờ, vụ “một lô đất bán cho nhiều người…” mới được giải quyết êm xuôi.

Hoàng Hưng

lao động

Các tin tức khác

>   Vì sao nhiều khách ngoại vẫn chưa dám mua nhà? (11/09/2015)

>   Mua nhiều nhà, đất, sao gọi là đầu cơ? (11/09/2015)

>   ĐHĐCĐ bất thường VSI: “Cục tiền” 300 tỷ bán Waseco Plaza dùng để làm gì? (11/09/2015)

>   Giai đoạn 2011-2015: Phát hiện 208.540 tỷ đồng vi phạm về kinh tế (10/09/2015)

>   Nhà ở có quy mô vừa và nhỏ: Không phải cứ rẻ là có người mua (10/09/2015)

>   Golden Land: Chủ đầu tư lên tiếng về những phản ánh của cư dân (10/09/2015)

>   Cảnh báo mạo danh HoREA để lừa đảo (10/09/2015)

>   Khu đô thị mới Thủ Thiêm trả lãi vay 2,9 tỉ đồng/ngày (10/09/2015)

>   Thận trọng khi mua đất gần dự án Sân bay Long Thành (10/09/2015)

>   Giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đang bắt đầu tăng nhanh (09/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật