Tồn đọng hơn 300.000 tấn khoáng sản ở Hà Giang: Nguyên nhân do đâu?
Hơn 30 vạn tấn quặng sắt và mangan đang tồn ở Hà Giang dẫn đến hàng nghìn công nhân mất việc làm, máy móc tiền tỷ hoen gỉ theo thời gian, nguồn thu của tỉnh giảm bớt đáng kể… Vậy nguyên nhân tồn là do đâu?
Nguyên nhân tồn quặng sắt ở Hà Giang được các chuyến gia nhận định do hàm lương chưa đạt chuẩn
|
Lỗi do doanh nghiệp hay chính sách
Được biết, trong giai đoạn trước năm 2014, thị trường khoảng sản Hà Giang có lúc lên giá, lúc xuống, sau đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, ngành khai khoáng hoạt động tốt trong năm 2013 và giữa năm 2014, và từ đó đến nay gặp một số vấn đề liên quan đến sự thay đổi về mặt chính sách của nhà nước dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nhiều người thì cho rằng, các doanh nghiệp khi khai thác quặng bán chỉ đầu tư máy móc, rồi khai thác đem bán quặng thô để kiếm lời trước mắt nên gây tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước, máy móc, thiết bị khai thác, chế biến sử dụng công nghệ lạc hậu nên sản xuất ra quặng không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu nên dẫn đến tồn đọng.
Văn bản đề nghị của Hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang
|
Còn về phía các doanh nghiệp, theo báo cáo số 26/BC-HDN của Hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang gửi UBND tỉnh cho thấy, năm 1994 có Luật doanh nghiệp, Chính phủ đã có những ưu đãi trong việc đầu tư, mở rộng những ngành nghề chưa phát triển, trong đó có ngành khai khoáng, thời điểm đó có các khoản phải đóng là thuế GTGT 10% hoặc thuế xuất khẩu 20%, thuế tài nguyên 2% giá trị khai thác quặng thô, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10 – 20%.
Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, chính sách của nhà nước có nhiều thay đổi. Theo đó, đến thời điểm này đã có 11 loại thuế phí được xác định trên giá bán sản phẩm chế biến, đặc biệt là thuế GTGT nếu xuất khẩu là 30 – 40% giá bán, thuế tài nguyên tăng khoảng 30 lần lên 10 – 12% giá bán, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 3 lần lên 32 – 50% tùy loại khoáng sản và nhiều loại phí khác.
Việc cấm xe quá tải cũng là một trong những nguyên nhân tồn quặng sắt
|
Thêm nữa, thời gian gần đây về xử phạt xe quá tải khiến quặng tăng giá thành sản xuất, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến việc tiêu thụ nội địa gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, Hội doanh nghiệp Hà Giang đã đề nghị các ban ngành liên quan của tỉnh có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, như giảm thuế tài nguyên xuống còn 5%, giảm phí môi trường đến mức thấp nhất trong quy định,…
Phụ thuộc vào thị trường thế giới
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện thị trường quặng sắt phụ thuộc vào thị trường thế giới. Đối với quặng sắt: thị trường thế giới bị chi phối bởi Braxin và Úc. Hiện nay giá quặng sắt thế giới bán trên dưới 1 triệu đồng/1 tấn quặng tiêu chuẩn. Chi phí để sản xuất ra một tấn quặng ở Hà Giang cỡ 700.000đ/ tấn nhưng không thể bán được vì chưa đạt chuẩn.
Ông Phạm Đình Túy - Nguyên giám đốc Sở Công thương Hà Giang
|
Ông Phạm Đình Túy - Nguyên Giám đốc Sở Công thương Hà Giang - cho biết: “Về cơ chế chính sách thì từ trước đến nay, nhiều người không hiểu tính chất quặng của từng vùng miền. Riêng quặng ở Hà Giang, hàm lượng limonit chiếm 28% ( độ từ hóa thấp). Chi phí sản suất lớn, dẫn đến việc không cạnh tranh được trong thị trường hiện nay. Sự phân biệt theo quy định của nhà nước cho thấy, quặng nguyên khai khác với quặng thương phẩm. Quặng nguyên khai khai thác trong các hệ thống ra và chưa có tác dụng thương phẩm. Bất cập ở chỗ giá tính thuế tài nguyên lẽ ra tính trên quặng nguyên khai thì hiện nay lại tính cả trên quặng thương phẩm”.
“Đến thời điểm này, các doanh nghiệp khai khoáng ở Hà Giang chỉ còn cách mong chờ thị trường thế giới ổn định. Đây là chu kỳ suy giảm kinh tế thế giới, không riêng gì của Việt Nam” - ông Túy nhận định.
Cùng chung nhận định như ông Túy, GS TSKH Đặng Trung Thuận - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – cho biết: “Việc quặng sắt khai thác không bán được vì phụ thuộc vào thi trường của thế giới, có điều, quặng sau khai thác có hàm lượng sắt thấp, các Cty phải tuyển lại nên tốn chi phí. Vì khai thác để xuất khẩu phục vụ kinh tế phải là quặng tinh, nếu thô không bán được. Có thể quặng sắt ở Hà Giang có hàm lượng thấp. So với một số nước trên thế giới thì khoáng sản Việt Nam phong phú về chủng loại, nhưng số lượng, chất lượng có hạn, ví dụ như than, apatit”. “Khai thác hợp lý tài nguyên, về văn bản chính sách nào cũng thấy hay, cũng đúng, nhưng thực tế triển khai cứ ào ào nên đã phá vỡ. Chứ chính sách của nhà nước thì rất tốt, giờ phải thay đổi cái gì lớn chứ chính sách thì không cần” – GS Thuận cho biết thêm.
Hoàng bảo Yến
lao động
|