Thuế tiêu thụ đặc biệt “thay áo mới”...
Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xe hơi, máy lạnh, rượu, bia... sẽ được “mặc áo mới” để thích nghi với các hiệp định thương mại hàng hóa mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
Đang có đề xuất điều chỉnh mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con theo hướng giảm thuế suất đối với dòng xe ưu tiên phát triển (xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3); tăng mức thuế suất đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, tiêu hao nhiên liệu, giá cao... Ảnh: Quốc Hùng
|
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ba nội dung quan trọng: (i) điều chỉnh thuế suất đối với ô tô; (ii) thay đổi giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; và (iii) xác định lại giá tính thuế đối với cơ sở sản xuất bán hàng qua công ty con.
Giảm thuế xe con?
Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con theo hướng giảm thuế suất đối với dòng xe ưu tiên phát triển (xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3); tăng mức thuế suất đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, tiêu hao nhiên liệu, giá cao...
Theo đó, các loại xe dưới chín chỗ ngồi có dung tích xi lanh đến 2.000 cm3 (đang có thuế suất 45%) sẽ được giảm thuế. Cụ thể, xe có dung tích xi lanh đến 1.000 cm3 từ 1-7-2016 thuế suất còn 25%, từ ngày 1-1-2018 chỉ còn 20%; xe có dung tích từ trên 1.000-1.500 cm3 có mức giảm tương ứng là 30% và 25%; xe có dung tích trên 1.500-2.000 cm3 có mức giảm tương ứng là 40% và 30%.
Đối với loại xe chín chỗ ngồi có dung tích xi lanh từ 2.000-3.000 cm3, thuế suất sẽ tăng từ 50% (hiện nay) lên 60% từ ngày 1-7-2016, và giảm lại 55% từ ngày 1-1-2018. Loại xe có dung tích từ trên 3.000 cm3 (hiện đang có mức thuế suất 60%) có mức thuế suất tăng giảm với thời gian tương ứng là 75% và 70%.
Riêng với ô tô nhập khẩu (loại dưới 24 chỗ ngồi) và máy lạnh có công suất dưới 9.000 BTU/giờ (đơn vị nhiệt Anh - một BTU được định nghĩa là nhiệt lượng cần thiết để tăng nhiệt độ của một pound nước lên một độ Fahrenheit) và các loại hàng hóa khác như rượu, bia... Bộ Tài chính đề xuất thay đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, tính cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu, tức thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nội địa khi bán ra.
Thay đổi giá tính thuế
Theo Bộ Tài chính, không chỉ có ô tô dưới 24 chỗ ngồi và máy lạnh có công suất dưới 9.000 BTU/giờ bị cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 5%, 0% vào năm 2018; mà một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác như rượu, bia... cũng có thuế nhập khẩu giảm mạnh trong thời gian tới (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA, thuế rượu, bia các loại giảm từ 55-50% về 5% năm 2017 và về 0% năm 2018).
Cho nên, bộ này cho rằng, nếu cứ căn cứ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt như luật hiện hành “là giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu” thì khi thuế nhập khẩu giảm mạnh sẽ kéo theo thuế tiêu thụ đặc biệt giảm mạnh (thu ngân sách sẽ giảm).
Một lý do nữa cũng được bộ đưa ra để đề xuất thay đổi giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là, nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu như hiện nay (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở bán ra; còn đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu), thì với khác biệt về chi phí lưu thông, bán hàng... sẽ bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước [cùng loại].
Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, Bộ Tài chính đã “điều chỉnh” cách chọn giá để làm căn cứ tính thuế. Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra (chứ không phải là giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu như hiện nay).
Xem thêm tại đây...
Quang Chung
tbktsg
|