Chủ Nhật, 13/09/2015 21:38

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu?

Trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất quy định doanh nghiệp nào vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu thì chi phí lãi vay sẽ không được xem là chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho rằng không chỉ có mình bị tác động mà cả ngân hàng, người lao động cũng bị.

Lá chắn thuế: bao nhiêu là vừa?

Vốn chủ sở hữu không hẳn thể hiện năng lực tài chính

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho biết đã nghe thông tin này. Nếu áp dụng như đề xuất của Bộ Tài chính, theo ông, thì rất vô lý.

Doanh nghiệp có số vốn vay cao hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu thì lãi vay có thể không được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập. Ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Ông Đức cho biết, ở Betrimex, vào những lúc cao điểm như đầu tư mở rộng hoặc chính vụ sản xuất, mua nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp đều phải đi vay ngân hàng. “Trong tám tháng đầu năm, tiền lãi vay ngân hàng của chúng tôi đã là 20 tỉ đồng. Nếu không cho tính vào chi phí hợp lý thì tính vào đâu?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Đức, hiện nay, hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, không riêng gì Betrimex, gắn chặt với ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp nhưng có ý tưởng kinh doanh tốt, khả thi nên ngân hàng cho vay.

Bà Phạm Thị Mai Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco), phản đối: “Đề xuất này vô lý hết sức. Nói như vậy thì đề xuất luôn ngân hàng cho vay không tính lãi hoặc Nhà nước cấp vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đi!”. Bà Loan cho biết, như tại Grainco, vốn chủ sở hữu là 50 tỉ đồng nhưng tài sản cố định được ngân hàng định giá là 400-500 tỉ đồng với hệ thống kho bãi ở quận 7 (TPHCM) và Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Mỗi năm, Grainco vay 800 tỉ đồng (chia làm bốn lần, mỗi lần 200 tỉ đồng) để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn chủ sở hữu không nói lên năng lực tài chính của doanh nghiệp nên cơ quan quản lý không thể lấy đây là yếu tố để đánh giá. Theo bà, “có chăng là tính tỷ lệ vốn vay với tổng doanh thu”.

Ông Nguyễn Việt Anh, kiểm toán viên của một công ty kiểm toán có văn phòng tại Hà Nội, cho biết từ thực tế làm việc, ông thấy 100 doanh nghiệp thì có đến 90 doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Có doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất, vốn chủ sở hữu chỉ 90 tỉ đồng nhưng vay ngân hàng 700 tỉ đồng và doanh thu hàng năm lên đến 1.000 tỉ đồng. Lại cũng có những doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch men, vốn chủ sở hữu đã rất lớn nhưng số tiền vay ngân hàng cũng gấp 3-4 lần. “Điều đó cho thấy, vốn chủ sở hữu không nói lên tất cả tình hình tài chính và năng lực của doanh nghiệp”, ông Việt Anh đánh giá.

Tác động lớn

Bà Phạm Thi Mai Loan nhìn nhận, đề xuất này của Bộ Tài chính sẽ tác động lớn đến rất nhiều đối tượng, không chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà còn tới ngân hàng cũng như người lao động. Theo đó, nếu không được tính chi phí lãi vay vào chi phí hợp lý hợp lệ được trừ khi tính thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách. Cách dễ nhất là thu hẹp hoạt động. Lúc đó, ngân hàng sẽ chịu tác động đầu tiên vì không cho vay được. Kế đó là người lao động vì bị cắt giảm hoặc giảm thu nhập. Cách khác là doanh nghiệp có thể gọi vốn từ bên ngoài thông qua việc phát hành cổ phiếu, niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cách này áp lực và rủi ro không nhỏ.

“Chẳng nói đâu xa, các đối tác của chúng tôi là các nhà máy đường. Vào vụ sản xuất, họ làm gì có sẵn tiền để mua mía cho dân nếu không đi vay ngân hàng? Đi vay mà không được tính vào chi phí thì giá bán sẽ cao. Như vậy lại không cạnh tranh được với đường lậu. Sản xuất ngưng trệ. Lúc đó thì công nhân nhà máy với người trồng mía chịu thiệt. Thử hỏi Nhà nước có tiền để lo an sinh xã hội không?”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Việt Anh nhận định, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, ảnh hưởng trước mắt chắc chắn là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Bởi lẽ, lãi vay thường được đưa vào kết quả sản xuất kinh doanh trong năm. Nếu không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ, chắc chắn tiền thuế nộp ngân sách sẽ tăng lên. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản, đối tượng mà ông Anh cho rằng hiện đang vay vốn ngân hàng bằng những dự án “vẽ”, và gây tác động xấu với nền kinh tế lại không bị ảnh hưởng nhiều vì chi phí lãi vay được “vốn hóa” vào chi phí đầu tư của dự án (là các công trình được xây dựng trong nhiều năm).

Vì vậy, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, cơ quan quản lý cần xác định chính xác đối tượng cần khống chế mức vay thông qua chi phí lãi vay. Trong đó, theo ông Anh, doanh nghiệp sản xuất, nhóm đối tượng đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cần được tạo điều kiện để có cơ hội phát triển.

Ông Trần Văn Đức nêu ý kiến, việc khống chế chi phí lãi vay không thể áp dụng một cách đại trà với tất cả các doanh nghiệp mà cần phải phân loại lĩnh vực, quy mô để có chính sách phù hợp. Hoặc ít nhất cũng phải có định mức căn bản để doanh nghiệp theo đó tính toán, áp dụng. “Theo tôi, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu phải từ 10:1 thì mới khống chế chi phí lãi vay”, ông Đức đề xuất.

Xem thêm chi tiết tại đây...

Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   10 ngàn tỷ đồng nợ thuế, khó thu nên xóa? (12/09/2015)

>   Bị nhũng nhiễu khi hoàn thuế: Lỗi do người nộp thuế? (12/09/2015)

>   Bộ Tài chính tính toán cắt giảm 8 dòng thuế với ôtô từ năm 2016 (11/09/2015)

>   Lá chắn thuế: bao nhiêu là vừa? (11/09/2015)

>   Metro phải đóng thuế thu nhập khi chuyển nhượng (10/09/2015)

>   Việt Nam bị xếp hạng thấp về minh bạch ngân sách (09/09/2015)

>   Bộ Tài chính: Thu ngân sách từ dầu thô giảm hơn 34% sau 8 tháng (09/09/2015)

>   Bị bêu tên, doanh nghiệp nộp hơn 1.100 tỉ đồng nợ thuế  (07/09/2015)

>   Có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng nhập khẩu (07/09/2015)

>   Nợ công: Rủi ro vỡ nợ thấp nhưng mức độ an toàn không bền vững (07/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật