Nợ công: Rủi ro vỡ nợ thấp nhưng mức độ an toàn không bền vững
Đánh giá tổng quát về mức độ an toàn của nợ công hiện nay, nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng: rủi ro vỡ nợ thấp và mức độ an toàn nợ công là “không bền vững” do khả năng trả nợ từ nguồn thu NSNN còn hạn chế và nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bất cập trong phạm vi xác định nợ công của Việt Nam
Theo Luật Quản lý nợ công 2009 (QLNC 2009), nợ công chỉ gồm nợ của Chính phủ, nợ được bảo lãnh Chính phủ và nợ của chính quyền địa phương. Theo nghiên cứu của Học viện: “Phạm vi xác định nợ công theo Luật QLNC 2009 còn có một số bất cập và chưa tính đầy đủ một số khoản nợ có bản chất là nợ công, làm ảnh hưởng đến sự chính xác và cập nhật của số liệu nợ công”.
TS. Nguyễn Thạc Hoát - Trưởng khoa Tài chính Tiền tệ, Học Viện Chính sách và Phát triển, thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu tính toàn bộ nợ phải trả của khu vực DNNN vào nợ công thì tính thừa (bị trùng lắp với số nợ đã được Chính phủ bảo lãnh, số nợ DNNN có khả năng trả nợ, số nợ mà chưa phát sinh nghĩa vụ trả thay của Nhà nước).
Tuy nhiên nếu loại bỏ hoàn toàn nợ của khu vực DNNN ra khỏi nợ công thì tính thiếu (chưa tính đủ các khoản nợ có bản chất nợ công và các khoản nợ xấu mất khả năng thanh toán mà Nhà nước phải trả thay sẽ chuyển thành nợ công).
Do vậy, chỉ nên tính vào nợ công số nợ mà DNNN không có khả năng thanh toán, buộc Chính phủ phải có nghĩa vụ thanh toán thay và các khoản nợ ngầm định khác.
Bên cạnh đó, việc không tính vào nợ công các khoản nợ phải trả của Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (các khoản nhận tiền gửi, tiền vay và các khoản nợ phải trả khác, trừ các khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) là không phù hợp. Vì theo điều lệ, các tổ chức này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán.
Còn đối với nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội, hiện quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) còn kết dư nên chưa phát sinh nợ vay. Khi quỹ BHXH, BHYT mất cân đối thu chi dẫn đến phải vay nợ để chi trả bảo hiểm thì Chính phủ phải đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cuối cùng nếu các tổ chức này không trả được nợ. Do đó,về bản chất nợ của các tổ chức BHXH, BHYT cần được tính vào nợ công.
Vì vậy, nếu tính tất cả các khoản này theo đề xuất của nhóm nghiên cứu thì nợ công của Việt Nam năm 2013 sẽ là 2.198.000 tỷ đồng bằng 61,28% GDP trong khi nợ công tính theo Luật QLNC 2009 chỉ là 1.942.000 tỷ đồng bằng 54,2% GDP. Năm 2014, nợ công tính theo Luật QLNC 2009 là 59,9% GDP, tính theo nhóm nghiên cứu sẽ phải là 66,4%.
Báo cáo của Học viện Chính sách và Phát triển còn cho thấy, ở Việt Nam, các báo cáo của các cơ quan quản lý về nợ công chỉ công bố chỉ tiêu “nghĩa vụ trả nợ Chính phủ/Tổng thu ngân sách”, mà không công bố chỉ tiêu “nghĩa vụ trả nợ công/Tổng thu ngân sách”, dẫn đến kết quả đánh giá mức độ rủi ro trả nợ công chưa đầy đủ.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đề xuất hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá mức độ an toàn nợ công đó là: khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách (tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công so với tổng thu ngân sách hàng năm); mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm; tỷ lệ nợ công/GDP và các tiêu chí khác như: chất lượng và rủi ro nợ công; mức độ 5 chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài theo tiêu chí của IMF/WB; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển; hệ số tín nhiệm của quốc gia…
Rủi ro vỡ nợ thấp nhưng mức độ an toàn là không bền vững
Đánh giá tổng quát về mức độ an toàn của nợ công hiện nay, nghiên cứu cho rằng: Rủi ro vỡ nợ thấp, song mức độ an toàn nợ công là “không bền vững” do khả năng trả nợ từ nguồn thu ngân sách Nhà nước còn hạn chế và nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, nợ vay nước ngoài năm 2013 chiếm 49%, năm 2014 chiếm 46%, có tỉ trọng thấp hơn nợ vay trong nước, có xu hướng giảm và mức độ rủi ro rất thấp so với tiêu chuẩn an toàn của IMF và WB; rút vốn của nợ nước ngoài rất thấp, an ninh tài chính Quốc gia đảm bảo.
Trong khi nợ vay trong nước có tỉ trọng cao hơn nợ vay nước ngoài và xu hướng tăng như năm 2013 chiếm 51%; năm 2014 chiếm 54%. Tuy kỳ hạn nợ ngắn phải đảo nợ nhưng mức độ đảm bảo thanh toán cao.
Khả năng trả nợ chưa bền vững được thể hiện qua các chỉ tiêu sau: Nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách lớn hơn 30% (2013 – 2015: 33%, 38%, 45%); bội chi ngân sách liên tục 10 năm (Bình quân 2006 – 2015: 5,43% GDP). Bên cạnh đó, bội chi lớn hơn chi đầu tư phát triển; Chi thường xuyên lớn hơn thu từ Thuế, phí và lệ phí...
Đề xuất ngưỡng nợ công của Việt Nam 2015-2020
Kết quả kiểm định từ mô hình kinh tế lượng về mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất ngưỡng nợ công phù hợp bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 68 - 70% GDP.
TS. Nguyễn Thạc Hoát giải thích theo kết quả nghiên cứu, ngưỡng nợ công trong khoảng 68 - 70% GDP là tỷ lệ đòn bẩy tài chính hiệu quả của Việt Nam, đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Khi vượt ngưỡng này thì phần lớn sản lượng tạo ra phải dùng để trả nợ, làm giảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, không tạo ra động lực mới để tăng trưởng. Ngưỡng nợ công nói trên càng cao thì tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách càng lớn, làm giảm sự bền vững của nợ công. Nếu ngưỡng nợ công nhỏ hơn đề xuất nói trên thì làm mất cơ hội sử dụng hiệu quả đòn bẩy tài chính quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết quả nghiên cứu này tương đối phù hợp với nghiên cứu của Caner và CTG (2010): Ngưỡng nợ đối với quốc gia đang phát triển là 64% GDP và nghiên cứu 2010 của PGS.TS Sử Đình Thành (Đại học kinh tế TPHCM) đề xuất ngưỡng nợ tối ưu của Việt Nam là 75,8%.
Ngọc Linh
thời báo ngân hàng
|