DN vốn mỏng sẽ bị kiểm soát về thuế thu nhập doanh nghiệp
Hàng ngàn doanh nghiệp ít vốn thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ bị tác động về thuế thu nhập doanh nghiệp khi một quy định mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế được trình ra Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10 tới.
Các doanh nghiệp ngành khai khoáng thường có tỷ lệ vay/vốn chủ sử hữu cao. Ảnh TL.
|
Dự thảo này, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, bổ sung quy định về khống chế "chi phí lãi tiền vay không được tính vào chi phí hợp lý đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu", nghĩa là doanh nghiệp có vốn mỏng.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết quy định này nhằm sửa đổi những bất cập trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành; và được thể hiện tại Khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật.
Theo ban soạn thảo, Luật thuế TNDN hiện hành không có quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay được tính vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu. Đây là tình trạng vốn mỏng, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu rất cao.
Bộ Tài chính cho biết, nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Bộ khẳng định, có một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ, trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhưng qua xem xét báo cáo tài chính của doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ của doanh nghiệp một phần do chi phí tài chính (chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài) quá lớn, thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, xem xét 57/85 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc các bộ, UBND tỉnh về tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu cho thấy tình hình dư nợ vay bình quân trên vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014 như sau: có 2 doanh nghiệp có tỷ lệ lớn hơn 5 lần; 6 doanh nghiệp có hệ số từ 3 đến 5; và 49 doanh nghiệp có hệ số nhỏ hơn 3 lần.
Đối với doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu tổng hợp 9.400 doanh nghiệp FDI cả nước với tổng tài sản khoảng 2.205.068 tỉ đồng (khoảng 105 tỉ đô la Mỹ) cho thấy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần; riêng của ngành thương mại là 3,44 lần. Nếu xét trên chỉ tiêu vốn vay/vốn chủ sở hữu thì hệ số này của tất cả các các ngành là 0,57 lần, của ngành thương mại là 1,8 lần.
Đối với các dự án BOT nhiệt điện có vốn FDI (5 dự án đã ký hợp đồng và 17 dự án còn lại đang trong quá trình đàm phán có quy mô vốn đầu tư từ 700 triệu đô la Mỹ đến 2 tỉ đô la Mỹ/ dự án) đều đạt ngưỡng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 4/1, trong đó vốn vay là một khoản mục trong nợ phải trả.
Từ thực tế nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, “việc bổ sung quy định về vốn mỏng là cần thiết nhằm phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích tích tụ, đầu tư trực tiếp, phù hợp điều kiện Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp cam kết hội nhập, tăng tính lành mạnh của nền kinh tế và góp phần chống chuyển giá”.
Riêng đối với lĩnh vực tài chính, tín dụng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (vốn tự có/ tổng tài sản có rủi ro tối thiểu phải đạt 9%).
Về phương diện quốc tế, Bộ Tài chính khẳng định, nhiều nước có quy định về doanh nghiệp vốn mỏng, theo đó lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu) thì không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Khối OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3/1.
Đa số các nước như New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil... quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3/1 thì được coi là vốn mỏng,… Theo đó, phần lãi vay phải trả vượt quá tỷ lệ được coi là vốn mỏng thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Từ những thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng từ 2016 cần quy định tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5/1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4/1) đối với các lĩnh vực còn lại.
Từ ngày 01-01-2019 tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu là 4/1 đối với lĩnh vực sản xuất và 3/1 đối với các lĩnh vực còn lại.
Riêng tổ chức tín dụng và một số ngành, lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành đã có quy định về tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu thì thực hiện theo quy định đó.
Ngoài ra, do đây là quy định mới, có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy để dự phòng các trường hợp đặc biệt, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt giao Chính phủ quy định.
Góp ý cho đề xuất này, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn thuế C&A, cho rằng không nên phân chia theo ngành kinh doanh mà nên để một hệ số thống nhất cho các ngành.
Để thực hiện khuyến cáo của OECD, bà An đề nghị lịch trình như sau nới rộng hơn so với Bộ Tài chính.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019: Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 5/1.
Từ năm 2019 đến 2022: Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 4/1.
Từ năm 2022 trở đi: Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là : 3/1.
Vốn chủ sở hữu trong năm được xác định bằng số trung bình cộng của số dư đầu kỳ và cuối kỳ.
Bà An cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp thường kinh doanh nhiều ngành nghề, theo Luật đầu tư thì chỉ ưu đãi một số ngành nghề và địa bàn, để dễ trong thực hiện và công bằng giữa các ngành không nên chia theo lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực khác.
Trong khi đó, Công ty luật Ernst & Young Vietnam đề nghị lùi thời điểm áp dụng đến 1-1-2018 do quy định này rất mới, để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty này khuyến nghị thêm, Bộ Tài chính cần quy định cụ thể khoản vay là gì; và khuyến cáo chỉ nên giới hạn trong các khoản vay dài hạn theo hợp đồng.
Chuyên gia tư vấn thuế Phạm Ngọc Long cho rằng, tỷ lệ 5/1 không phù hợp cho một số hình doanh nghiệp sản xuất như khai thác mỏ, hay sản xuất xi măng cần rất nhiều vốn để đầu tư tài sản cố định phục vụ sản xuất dài hạn.
Tư Giang
tbktsg
|