Thứ Ba, 15/09/2015 13:19

Người nước ngoài chờ nghị định để mua nhà tại VN

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính là khách hàng ngoại vẫn đang chờ đợi nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết dù luật đã có hiệu lực hơn hai tháng...

* Người nước ngoài mua nhà: Nỗi lo trước giờ G

Thị trường bất động sản VN đang hấp dẫn người mua nhà và giới đầu tư ngoại quốc. Trong ảnh, hàng loạt dự án mới đang được triển khai tại TP.HCM nhằm đón sự phục hồi của thị trường -Ảnh Đình Dân

Nhiều doanh nghiệp bất động sản, khách hàng nước ngoài kêu đang gặp nhiều vướng mắc khi bán nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Trong khi đó nhiều khách hàng cho biết đang đặt cọc giữ chỗ chờ có nghị định hướng dẫn cụ thể mới ký được hợp đồng mua nhà tại VN.

Người nước ngoài chỉ mới cọc đặt chỗ

Theo tiến sỹ Sử Ngọc Khương, giám đốc đầu tư Savill VN:  “Tính đến thời điểm này chưa có người nước ngoài nào cầm được sổ hồng sử hữu nhà tại VN. Đây là một yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của người nước ngoài mua nhà tại VN. Dù luật đã mở cửa thì có nguồn vốn lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản của VN khi có sự tham gia của người nước ngoài vào thị trường nhà ở VN”.

Trong khi đó ông Trần Hòa Phương, phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài số lượng người VN ở nước ngoài rất lớn (trên 4 triệu người) đây là nguồn lực lớn cho nền kinh tế VN nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Lượng kiều hối về cả nước khoảng 10-12 tỉ USD/năm, riêng TP.HCM chiếm 50% lượng đó. Trong đó có 70% kiều hối được đưa vào đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong đó có bất động sản.

Hiện nay kiều hối VN đứng thứ 10 trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới… VN cần hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện cho kiều bào, người nước ngoài đầu tư vào VN mới có được vốn dồi dào để phát triển.

Cũng theo ông Phương những năm 2000 trở về trước một năm lượng kiều bào về trên 20.000 lượt/năm, mấy năm gần đây số lượng Việt kiều hồi hương tăng đột biến, riêng tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất có chừng một triệu lượt Việt kiều về nước như vậy kiều bào ngày càng trờ về nước nhiều vì vậy việc tạo điều kiện cho họ sở hữu nhà là rất cần thiết.

Theo ông Vũ Hoài Nam, phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Phú Long việc điều chỉnh chính sách mở cửa cho người nước ngoài tạo được sự kỳ vọng cho thị trường này.

Trong 7 tháng qua lượng kiều hối chảy vào bất động sản nhiều hơn,  thị trường bất động sản VN đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên theo ông Nam thì đa phần người nước ngoài mới chỉ có thể đặt cọc giữ chỗ chứ chưa ký được hợp đồng mua bán vì họ vẫn chờ các hướng dẫn chi tiết. Một số khách bí bách về nhà ở vẫn sử dụng phương án như trước đây là nhờ vợ chồng, người thân là người VN đứng tên.

“Do quy trình làm luật của VN có độ trễ nên sau 1-7 thị trường BĐS  đón vốn không như kỳ vọng. Các quy định phải làm rõ là người nước ngoài, Việt kiều muốn mua nhà cần những loại giấy tờ gì, việc chuyển tiền ra vào khi mua và bán nhà của họ sẽ được thực hiện như thế nào. Ngoài ra các mẫu hợp đồng cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn”, ông Nam nói.

Làm sao bớt thủ tục rườm rà

Ông Đặng Chiến Thắng, phó tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Nam cho biết đang triển khai thêm các dự án với 5.000 sản phẩm.

Thời gian qua có 1.000 lượt khách hàng là người nước ngoài đến tìm hiểu các dự án. Tuy nhiên theo ông Thắng hạn chế lớn hiện nay là chúng ta khống chế số lượng bất động sản mà người nước ngoài được mua quá thấp.

Theo đó, người nước ngoài chỉ được mua không quá 30% trong một dự án chung cư và 250 căn nhà trong đơn vị phường/xã số lượng này thấp với các vùng tập trung đông người nước ngoài ở như Phú Mỹ Hưng (Q.7), Thảo Điền (Q2)…

Ngoài ra thời hạn và quyền sở hữu cho người nước ngoài còn hạn chế, họ chỉ được sở hữu tối đa 50 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận và được gia hạn một lần.

Và cần làm sao cho thủ tục bớt rườm rà để người nước ngoài mua nhà VN được thuận lợi. Các văn bản luật chính thức chưa chuyển ngữ qua ngôn ngữ quốc tế, tạo điều kiện cho người nước ngoài tiếp cận được vốn vay ngân hàng…

Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần (Việt kiều sinh sống tại Canada) thì, ngoài các hướng dẫn chi tiết về quy định mở cửa cho người nước ngoài mua nhà thì phía chủ đầu tư dự án và các đơn vị phân phối cũng cần thay đổi cung cách đầu tư và bán hàng để tạo niềm tin cho khách ngoại.

Còn phía  cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo quyền lợi về tinh thần, vật chất cho người nước ngoài khi đầu tư vào đây. Các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Ngân hàng nhà nước cần linh hoạt về hình thức thanh toán họ mua nhà rồi chuyển tiền vào ra như thế nào.

Tiếp đến là việc khắc phục cơ sở dữ liệu chúng ta còn thiếu để nhà đầu tư có thể tham khảo khi quyết định đầu tư vào thị trường này...

Cùng quan điểm đó tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng giá nhà VN tương đối rẻ so với quốc tế, VN lại đang có hơn 4 triệu người Việt kiều ở nước ngoài với thu nhập ngày càng cao họ đang mong muốn về lại đất nước đó là lợi điểm lớn cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Nhưng VN cần có chính sách bảo hiểm quyền sở hữu bất động sản để khi có tranh chấp thì bảo hiểm sẽ bảo vệ quyền lợi sở hữu nhà cho họ.

“Gần đây luật kinh doanh bất động sản của VN đã đưa ra được vấn đề bảo lãnh của ngân hàng đối với khoản tiền mua nhà hình thành trong tương lai của người mua nhà. Việc bảo lãnh này của VN nhằm kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước quay vào thị trường bất động sản.

VN cũng đã có nhiều NH sẵn sàng bảo lãnh nhưng tôi nghĩ NH cần kiểm soát chặt rủi ro bằng cách kiểm soát được tiền dân đóng góp, tiền ngân hàng vào dự án một cách hợp lý. NH nào tài trợ dự án nào sẽ bảo lãnh dự án đó thì sẽ dễ dàng hơn”, ông Hiếu nói.

Trong tháng chín này sẽ ban hành thông tư

Bộ xây dựng cho biết trong tháng chín này sẽ ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết hai luật kinh doanh bất động sản và luật nhà ở.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, cục phó Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, quốc hội đã thông qua luật nhà ở được hai tháng, tính đến tháng 8-2015 đã có 403 người nước ngoài được cấp giấy sở hữu nhà ở tại VN trước khi thông qua luật nhà ở thì con số này dừng lại ở 200 người. Ngoài ra tính đến nay có 500 Việt kiều được sở hữu nhà tại VN.

"Nút thắt lớn nhất đối với việc cho người nước ngoài mua nhà tại VN hiện nay là thiếu nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết thì chúng tôi đã trình lên chính phủ hồi tháng năm. Đến nay vẫn đang chờ phê duyệt vì còn nhiều điều phải bàn thảo, dự kiến trong tháng 9 này sẽ chính thức ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản…”, ông Khởi nói.

Theo tiến sỹ Đinh Thế Hiển thị trường bất động sản đặc biệt tại TP.HCM đang có rất nhiều tiềm năng để đầu tư, vì đây là TP phát triển sôi động nhất VN với các khu đô thị mới rất đồng bộ đầy đủ tiện ích, giá các dự án mới còn rẻ hơn rất nhiều do với các nơi khác trên thế giới.

Thời gian qua thị trường VN chưa hấp dẫn cho người nước ngoài bởi chính sách chưa tạo điều kiện, cách bán hàng, phân khúc khách hàng chưa tốt… Nhưng thời điểm này luật đã mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, dù còn vướng mắc do thiếu thông tư hướng dẫn nhưng vấn đề này chỉ là chuyện thời điểm.

Ngày 14-9, hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại VN” do Công ty CP Báo Thanh Niên tổ chức, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết như trên.

Đình Dân

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   BĐS Đà Nẵng sẽ đón thêm gần 19,000 căn hộ trong tương lai (15/09/2015)

>   Thị trường bất động sản nhộn nhịp với các thương vụ đình đám (15/09/2015)

>   FECON trúng thầu hàng loạt dự án (15/09/2015)

>   Hà Nội kiên quyết thu hồi quyền sử dụng đất nếu chủ đầu tư vi phạm (15/09/2015)

>   Phê duyệt danh mục Khoản vay ADB đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành (14/09/2015)

>   Đầu tư bất động sản: Rủi ro “môi giới không chính chủ” (14/09/2015)

>   Doanh nghiệp bất động sản còn gần 2 tháng để “chốt” các giao dịch dở dang (14/09/2015)

>   BĐS Thủ Đức tháng 9/2015: Nhiều dự án dậm chân tại chỗ (17/09/2015)

>   Điêu đứng vì Công ty 584 (14/09/2015)

>   Đề xuất đầu tư tổng thể luồng tuyến tàu biển Cái Mép -Thị Vải (13/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật