Ngân hàng gặp khó ở thị trường mới nổi
1/5 lợi nhuận của Standard Chartered và 25% lợi nhuận của HSBC “có liên quan đến các đồng tiền có khả năng bị suy yếu”, theo các chuyên gia tại Citigroup.
Các nhà đầu tư từng vỗ tay khi các ngân hàng toàn cầu bành trướng mạnh mạng lưới hoạt động khắp các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, những thị trường mới nổi hứa hẹn mang lại tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao cho các ngân hàng này. Nhưng nay cũng chính việc bành trướng đó lại là nguyên nhân khiến các ngân hàng bị “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư. Điều này cũng là dễ hiểu khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của các nền kinh tế mới nổi cũng như những sóng gió lớn trên thị trường tài chính tại đây trong những tuần vừa qua.
Những năm trước, Citigroup, HSBC, Standard Chartered và các ngân hàng toàn cầu khác đã tranh nhau để được cho vay cho các tập đoàn khai thác mỏ, xây dựng các tòa nhà chọc trời và các nhà máy với niềm tin rằng đà tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ không bao giờ hạ nhiệt. Nguồn vốn vay giá rẻ mà các ngân hàng tung ra thời điểm đó đã góp phần khiến cho các thị trường mới nổi bùng nổ.
Nhưng các khoản cho vay này giờ không còn an toàn, khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại Trung Quốc và giá hàng hóa giảm mạnh đã làm suy giảm giá trị của các đồng tiền và triển vọng của nhiều thị trường mới nổi. Một số doanh nghiệp chắc chắn sẽ vỡ nợ; trước tiên là những doanh nghiệp đã vay mượn bằng đồng USD nhưng dựa vào nguồn thu bằng đồng ringgit, rand hay rupiah để thanh toán các khoản vay ngoại tệ.
Các khoản thua lỗ từ hoạt động cho vay ở các ngân hàng cũng có dấu hiệu tăng lên. Standard Chartered cho biết giá trị tài sản giảm do nợ xấu đã tăng gần gấp đôi trong quý gần đây nhất. Bill Winters, Tổng Giám đốc vừa mới nhậm chức của Standard Chartered, cho biết Ngân hàng vẫn chưa qua hết chu kỳ nợ xấu này.
Giống như Standard Chartered, HSBC đang tạo ra 3/4 lợi nhuận tại châu Á. Ngân hàng này được đánh giá là khá “kỷ luật” trong các khoản cho vay của mình. Nhưng tài trợ thương mại, một động cơ tăng trưởng bền vững, dường như đang trục trặc. Giao thương toàn cầu nửa đầu năm 2015 đã chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong 6 năm qua, trong khi giá cả hàng hóa lại đang rớt mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động tài trợ thương mại ở ngân hàng.
Cũng giống như các tổ chức khác trong khu vực, dư nợ cho vay của HSBC tại châu Á đã tăng 15% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2014. Tốc độ tăng trưởng như vậy giờ khó có thể xảy ra xét trong điều kiện hiện tại. Thậm chí, dư nợ cho vay dù có được duy trì ở mức ổn định thì mức lợi nhuận cho ngân hàng cũng sẽ giảm đi, một khi phần lời được chuyển đổi từ đồng nội tệ (vốn đang mất giá so với USD) sang USD - đồng tiền ghi nhận trên báo cáo sổ sách của các ngân hàng. Có đến 1/5 lợi nhuận của Standard Chartered và 25% lợi nhuận của HSBC “có liên quan đến các đồng tiền có khả năng bị suy yếu”, theo các chuyên gia phân tích tại Citi.
Đơn cử như trường hợp của Standard Chartered. Trung Quốc và Đông Nam Á chiếm tới 55% các khoản cho vay và 43% tổng tài sản có rủi ro tại ngân hàng này, một con số cao hơn so với các đối thủ phương Tây khác. Vì thế, việc đồng tiền các nước nói trên giảm mạnh trong những tuần gần đây đang là mối lo ngại cho Standard Chartered.
Giá cổ phiếu của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng do những vấn đề liên quan đến thị trường mới nổi. Lần đầu tiên trong nhiều năm, cổ phiếu HSBC giờ giao dịch dưới cả giá trị tài sản ròng hữu hình, một kết cục mà HSBC đã tránh được trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng không tránh được vào lúc này. Standard Chartered cũng được các nhà đầu tư định giá chỉ bằng 64% giá trị tài sản ròng hữu hình, giảm từ mức gần 300% sau cuộc khủng hoảng tài chính. Cơn bão trên thị trường mới nổi vừa qua cũng đã tác động tiêu cực đến đà phục hồi đang khả quan của giá cổ phiếu Citi.
Tất cả những điều này đều là tin buồn cho các ngân hàng, nhưng chưa phải là bức tranh quá ảm đạm nếu so với những biến động trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Bằng chứng là đà giảm của các đồng tiền thị trường mới nổi không quá sâu như năm 1997. Thời điểm đó, đồng rupiah của Indonesia đã mất 86% giá trị chỉ trong 16 tháng trong giai đoạn 1997-1998. Nhưng trong 31 tháng qua, đồng tiền này chỉ mất hơn 30% giá trị, theo ngân hàng Morgan Stanley. Điều này cũng tương tự với các đồng nội tệ khác.
Có nhiều lý do khiến giới phân tích cho rằng một viễn cảnh tồi tệ như cuộc khủng hoảng năm 1997 khó có thể xảy ra. Thứ nhất, ngày càng nhiều công ty vay mượn bằng đồng nội tệ trên các thị trường trái phiếu. Thứ hai, tỉ giá hầu hết cũng đã thả nổi hơn là neo cố định với một đồng tiền mạnh nào đó (thường là USD). Nhiều nền kinh tế mới nổi đã có tài khoản vãng lai lành mạnh hơn cùng dự trữ ngoại hối cao hơn, cho phép họ can thiệp tỉ giá khi cần thiết.
Hơn nữa, khu vực mới nổi, trong đó có châu Á, đã trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu. Có thể thấy đà tăng trưởng chậm lại của nó, đặc biệt tại Trung Quốc, đã tạo sức ì lên tăng trưởng ở các nền kinh tế phương Tây. Cũng vì lý do đó mà trong cuộc họp cuối tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, do không muốn làm chệch đà phục hồi kinh tế nước họ, trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động.
Tuy nhiên, tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn cho các thị trường mới nổi nếu các ngân hàng nội địa bắt đầu lung lay do nợ xấu gia tăng. Hệ lụy kéo theo là viễn cảnh ảm đạm hơn cho các ngân hàng toàn cầu mà đã cho vay cho những ngân hàng nội địa này. Standard Chartered, chẳng hạn, có 87,5 tỉ USD giá trị các khoản cho vay cho các ngân hàng, 1/3 trong số đó là ở Trung Quốc. Nếu thị trường bất động sản Trung Quốc thay đổi theo chiều hướng xấu đi thì có thể khiến cho các ngân hàng phải cắt giảm cho vay hoặc buộc họ phải tịch biên đối với các tài sản có vấn đề.
Theo các chuyên gia phân tích tại Jefferies, nợ xấu sẽ gia tăng tại thị trường Đông Nam Á do mối liên kết chặt chẽ tại khu vực này. Trung Quốc, chẳng hạn, là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, nhập gần 1/5 hàng xuất khẩu của nước này. Cũng như một số ngân hàng khác có hoạt động cho vay mạnh ở khu vực Đông Nam Á, Standard Chartered sẽ khó tránh khỏi rủi ro. Mặc dù Ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng nợ xấu ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng Đông Nam Á thì dường như “bị lãng quên”. Khu vực này giờ đang có mức độ trích lập dự phòng nợ xấu thấp nhất trong số bất kỳ khu vực nào mà Standard Chartered hoạt động.
Đi hay ở là một quyết định khó đối với các ngân hàng toàn cầu vì các thị trường mới nổi đã mang lại hại động lực chính cho họ: tăng trưởng và lợi nhuận. Bộ phận Hồng Kông của HSBC đã mang về hệ số lợi nhuận/vốn (ROE) tới 35% vào năm ngoái, so với chỉ 8% bên ngoài châu Á. Một động cơ tăng trưởng như thế sẽ không dễ gì tìm được ở những nơi khác.
Đàm Hoa
ncđt
|