Thứ Ba, 08/09/2015 08:37

Nga và Saudi Arabia đang “cân đong” trong cuộc chiến giá dầu

Nếu một “siêu OPEC” phi chính thức giữa OPEC và Nga được tạo ra, thì nhóm này sẽ kiểm soát khoảng 45% thị trường dầu lửa toàn cầu...

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia (phải) tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane, Australia tháng 11/2014 - Ảnh: Reuters.

Không “chịu được nhiệt” do giá dầu giảm sâu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dẫn đầu là Saudi Arabia đang tính hợp tác với Nga để trở thành một “siêu OPEC” nhằm giữ giá năng lượng, theo tờ Telegraph.

Phó thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nói với tờ báo trên rằng OPEC không thể chịu mãi sức ép từ việc giá dầu “rẻ bèo” và có thể sẽ buộc phải từ bỏ nỗ lực giữ thị phần trong vòng vài tháng tới. Ông Dvorkovich cho biết, các nước thành viên OPEC đang chịu ảnh hưởng “phản đòn” từ nỗ lực “chơi khăm” đối thủ bằng cách giữ sản lượng ở mức kỷ lục trong bối cảnh thế giới thừa dầu.

Nga “lấp lửng”

“Tôi không cho là họ thực sự muốn sống với giá dầu thấp trong thời gian dài. Ở một số thời điểm, có vẻ như họ sắp phải thay đổi chính sách đến nơi. Chính sách này có thể kéo dài từ vài tháng tới đôi năm nữa là cùng”, ông Dvorkovich phát biểu.

Tháng 11 năm ngoái, Saudi Arabia đưa ra một quyết định mang tính “định mệnh” là tăng sản lượng lên mức kỷ lục, bất chấp thế giới đang thừa khoảng 1-2 triệu thùng/ngày. Quyết định này được đưa ra nhằm mục đích ngăn cản sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ và “bóp chết” những dự án khai thác dầu có chi phí tốn kém ở Bắc Cực và các vùng biển nước sâu.

Riyadh đã phát tín hiệu rõ ràng sẽ không cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên trừ phi các nước sản xuất dầu ngoài OPEC chia sẻ gánh nặng này. Đối tượng được ám chỉ chủ yếu là Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Ông Dvorkovich, người chịu trách nhiệm về chiến lược kinh tế và năng lượng của Nga, nói nước này đang đàm phán liên tục với OPEC để đi đến một “chính sách hợp lý hơn” nhưng chưa rõ liệu Moscow có thể phá vỡ thế bế tắc và đạt một thỏa thuận với Riyadh.

“Sự tham vấn của chúng tôi không trực tiếp đồng nghĩa với việc sẽ có sự phối hợp hành động. Có thể là có, có thể là không, nhiều khả năng là không. Chúng tôi đang gửi tín hiệu cho nhau”, ông Dvorkovich nói tại diễn đàn các nhà hoạch định chính sách thế giới Ambrosetti tổ chức ở Lake Como.

Nga khẳng định nước này không thể điều chỉnh sản lượng dễ dàng như Saudi Arabia, do thời tiết khắc nghiệt ở các mỏ dầu vùng Siberia. Tuy nhiên, OPEC cho rằng đây chỉ là chiến thuật đàm phán của Nga.

Điện Kremlin cũng không thể ra mệnh lệnh buộc các công ty khai thác dầu cắt giảm sản lượng bởi làm như vậy là đi ngược lại cam kết rằng các công ty dầu lửa là các công ty thực sự, phải chịu trách nhiệm trước cổ đông. Tuy vậy, Moscow hoàn toàn có những cách khác để đạt kết quả tương tự.

Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn dầu lửa khổng lồ Rosneft của Nga là Igor Sechin, cánh tay phải của Tổng thống Vladimir Putin trong suốt hơn 20 năm qua. 70% tập đoàn này thuộc sở hữu nhà nước. “Nếu ông Putin muốn giảm sản lượng dầu, dĩ nhiên ông ấy có thể làm được. Ai cũng thừa biết điều đó”, một cựu lãnh đạo OPEC nói.

Ông Dvorkovich đã lấp lửng chuyện có thể sẽ cắt giảm sản lượng dầu. “Chúng tôi sẽ không giảm sản lượng một cách giả tạo. Các công ty dầu lửa sẽ tự hành động. Họ sẽ nhìn vào các lực lượng thị trường và quyết định tăng hay giảm đầu tư”, ông Dvorkovich nói. “Nếu giá dầu ở mức thấp, các công ty dầu lửa sẽ ổn định sản lượng, hoặc thậm chí là cắt giảm. Chính phủ sẽ không quyết định thay các công ty về việc họ phải làm gì”.

Hai bên đều “khốn đốn”

Adnan Shihab-Eldin, cựu Tổng thư ký OPEC, nói tổ chức này đang trong “tình trạng tồi tệ” và có thể phải điều chỉnh chiến lược hiện tại.

“Liệu OPEC có thể thực sự chịu được chính sách bắt đầu tư tháng 11/2015 để thị trường quyết định giá cả”, ông Shihab-Eldin phát biểu tại diễn đàn Ambrosetti. “Giữ thị phần ở bất kỳ mức giá nào không phải là hệ tư tưởng đối với OPEC”.

Về phần mình, Nga cũng đang chìm sâu trong khủng hoảng. Quý 2 vừa qua, kinh tế Nga giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng Rúp đã mất giá một nửa từ giữa năm 2014. Trong khi đó, mỗi quý các công ty Nga phải trả 12-15 tỷ USD nợ ngoại tệ.

Các công ty Nga đang hầu như không thể huy động vốn trên thị trường Mỹ và châu Âu do lệnh trừng phạt, buộc họ phải phụ thuộc vào nguồn USD từ trong nước. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đang ra sức bảo vệ dự trữ ngoại hối. Về phần mình, Bộ Tài chính Nga mới tháng trước đã có một vụ phát hành trái phiếu thất bại.

Mối quan hệ chiến lược giữa Nga với Trung Quốc đến nay chưa đem lại hiệu quả gì đáng kể ngoài những lời nói. Thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD ký kết vào năm 2014 đã gặp trở ngại khi phía Trung Quốc mặc cả kỹ lưỡng về giá cả và trì hoãn cấp 55 tỷ USD tiền vốn cho các dự án xây dựng. Hy vọng mở một đường ống dẫn khí đốt thứ hai từ phía Tây Siberia tới Trung Quốc đã chìm xuống.

Nếu một “siêu OPEC” phi chính thức giữa OPEC và Nga được tạo ra, thì nhóm này sẽ kiểm soát khoảng 45% thị trường dầu lửa toàn cầu, gần ngang với thị phần của OPEC vào thời hoàng kim ở thập niên 1970. Theo các chuyên gia trong ngành, người Saudi có thể cân nhắc thỏa thuận nếu Nga nhất trí cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mỗi ngày từ mức 10,7 triệu thùng/ngày hiện nay.

Nhưng xét cho cùng, điều này có thể mặc định xảy ra. Các giếng dầu chính của Nga ở phía Tây Siberia là những giếng có từ thời Liên Xô và đang hao dần sản lượng từ 8-11% mỗi năm. Lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm tê liệt hoạt động đầu tư mới vào các mỏ dầu ở vùng Bắc Cực và Bazhenov.

Trong vòng 11 tháng qua, dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia đã giảm còn 661 tỷ USD từ mức 737 tỷ USD.

Mức dự trữ này vẫn lớn nhưng Saudi Arabia đang chịu mức thâm hụt ngân sách 20% GDP mỗi năm do chi lớn cho phúc lợi xã hội và mở rộng quân đội. Họ đứng trước hai lựa chọn là rút dần dự trữ ngoại hối với tốc độ 12 tỷ USD mỗi tháng hoặc phải đi vay nợ.

Một cựu quan chức ngoại giao nói điều “bí ẩn” hiện nay là Saudi Arabia thực sự muốn làm gì dưới thời vị vua mới Salman. “Họ từ một trong những quốc gia dễ đoán biết nhất trở thành một trong nước khó đoán nhất”, vị này nói.

Có thể nói, Nga và Saudi Arabia có nhiều lý do quan trọng để hợp tác về chính sách năng lượng, cho dù cho tới nay họ vẫn đang đối đầu ở Syria. Sự đối đầu này có thể thay đổi, nhất là sau khi nhà vua Salman được mời tới thăm Moscow. Sự tan băng trong quan hệ Nga-Saudi Arabia có thể sẽ có những ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu lửa và nền kinh tế toàn cầu.

An Huy

vneconomy

Các tin tức khác

>   Dầu giảm nhẹ sau phiên giao dịch trầm lắng (08/09/2015)

>   Saudi Arabia đã cảm nhận được "nỗi đau" do giá dầu giảm (07/09/2015)

>   Venezuela kêu gọi OPEC tổ chức hội nghị có Nga tham dự (07/09/2015)

>   Thị trường khí đốt hóa lỏng châu Á đối mặt nhiều thách thức (06/09/2015)

>   Tương lai nào cho xe buýt xanh ở Việt Nam? (05/09/2015)

>   Nguồn cung xăng E5 có thể bị ảnh hưởng bởi giá ethanol thấp (05/09/2015)

>   Chuyên gia Nga: Giá dầu có thể giảm xuống 25 USD mỗi thùng (05/09/2015)

>   Dầu giảm nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp (05/09/2015)

>   Dầu tăng lần thứ 5 trong 6 phiên (04/09/2015)

>   Giá dầu giảm đang “siết” kinh tế Nga tới mức nào? (04/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật