Thứ Sáu, 11/09/2015 07:44

Lý giải cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ thế chiến II

Cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay được cho là lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, và người ta chỉ vừa được “thức tỉnh” về nó.

 

Người tị nạn Syria tại trại tị nạn ở Munich, Đức. Ảnh: Getty Images

Cuối tháng 8, chính quyền Áo tìm thấy 70 người di cư đã chết nằm chồng chất lên nhau trong thùng một chiếc xe tải vô chủ ở biên giới Áo với Hungary-Slovakia. Chỉ vài ngày sau, hình ảnh thi thể cậu bé Syria chết trên đường vượt biển di cư cùng gia đình trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập các mạng xã hội càng gây chấn động từ các cơ quan, chính phủ cho đến người dân trên thế giới. Những hình ảnh này buộc người ta phải nhìn thẳng vào tình trạng của cuộc khủng hoảng – không thể gọi là khủng hoảng nhập cư như lâu nay, mà là khủng hoảng tị nạn, đã lên đến đỉnh điểm.

Số lượng người tị nạn đăng ký với UN qua thời gian. Nguồn: Cao Ủy tị nạn Liên hiệp quốc.

Cuộc khủng hoảng tị nạn không chỉ là ở châu Âu, nó mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng di dân tị nạn từ Syria đến châu Âu là lớn nhất. Và chúng ta cần hiểu điều gì đã xảy ra gây nên cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương, liều lĩnh mạng sống của mình để ra đi như vậy.

Người di cư và tị nạn đến châu Âu bằng đường biển trong hai năm 2014 và 2015. Nguồn: Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc.

Syria là nước tương đối mới: các biên giới của nước này do các lực lượng của châu Âu thiết lập nên vào những năm 1920, bao gồm nhiều nhóm thiểu số và tôn giáo. Cuối năm 1970, một gia đình từ các nhóm nhỏ hơn này, gia tộc Assads, là người Shia Alawites, đã cai trị đất nước theo một chế độ độc tài. Bashar al-Assad lên nắm quyền từ năm 2000.

Chính quyền này dường như vẫn ổn định cho đến những cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập bắt đầu từ năm 2011. Đất nước của người Ả Rập dòng Hồi giáo Sunni, vốn chiếm phần lớn dân số, đã quá bất bình về tư cách công dân hạng hai của mình, cũng như tình trạng tham nhũng, độc tài, bất bình đẳng, đã bắt đầu các cuộc biểu tình.

Tháng 3-2011, lực lượng bảo an Syria bắt đầu nổ súng vào người biểu tình ôn hòa ở phía Nam thành phố Deraa, làm chết ba người. Biểu tình càng bùng nổ, khiến bạo lực leo thang. Quân đội của Assad bắn người biểu tình, bắt bớ và tra tấn các nhà hoạt động, thậm chí giết trẻ em.

Đến đầu năm 2012, các cuộc biểu tình trở thành một cuộc nội chiến. Quân chính phủ đánh bom khắp nơi không phân biệt các khu vực có thường dân; Assad nhắm đàn áp quân nổi dậy và những người ủng hộ, nhắm tới đa số người Hồi giáo Sunni của Syria, thường dân hay bất cứ ai giống như quân nổi dậy bằng những biện pháp tàn khốc. Mục tiêu của ông ta là làm phân cực mạnh những xung đột tôn giáo, biến cuộc nổi dậy ban đầu là chống lại chế độ độc tài trở thành một cuộc chiến tôn giáo và sắc tộc.

Đến năm 2013, những người Hồi giáo Sunni cực đoan trở thành các chiến binh chống Assad tích cực nhất, được các nước Hồi giáo Sunni như Ả Rập Saudi, Qatar hậu thuẫn. Trong khi đó, chính quyền Hồi giáo Shia của Iran hậu thuẫn Assad bằng tiền mặt, vũ khí và binh lính. Phần nào cuộc nội chiến đã trở thành một cuộc “thánh chiến” giữa các dòng Hồi giáo Shia và Sunni.

Trong khi đó, người Hồi giáo cực đoan Sunni thành lập nhóm dưới tên gọi là al-Qaeda ở Iraq, nhóm đã hầu như bị tiêu diệt vào năm 2007, rồi tự tập hợp lại thành các nhóm khác chống lại Assad ở Syria, sau đó càn quét phía Bắc Iraq dưới tên gọi mới là ISIS.

Đến năm 2014, Syria chia rẽ thành các lực lượng chính quyền, quân nổi dậy, ISIS, và quân đội của người Kurd. Kết quả của sự chia rẽ này là người dân thường phải chịu đựng tình trạng sống tồi tệ: bị quân của Assad đánh bom và cả vũ khí hóa học; quân của ISIS và các nhóm khác chiếm các khu phố, đối xử với họ bằng những quy định tàn bạo và hà khắc. Những trận chiến tàn phá các khu dân cư và san bằng các khu phố. Khoảng 250.000 người đã bị giết và 4 triệu người Syria, khoảng một nửa dân số nước này, phải bỏ chạy khỏi đất nước, trở thành người tị nạn.

Trại tị nạn Yarmouk ở Damascus, năm 2014. Ảnh: United Nation Relief and Works Agency/Getty Images

Ban đầu, những người tị nạn Syria chạy trốn đến các nước láng giềng, ở đây họ chịu đựng tình trạng bị tập trung chen chúc và thiếu thốn trong các trại tị nạn. Không còn hy vọng trở về quê nhà, không có hy vọng cho tương lai, họ liều chết đi qua những cuộc hành trình khủng khiếp hơn để tìm cuộc sống mới ở các nước châu Âu, và trở thành cuộc di dân tị nạn lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Một gia đình Syria ở trại tị nạn Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

 

Em bé Syria ở trại tị nạn Lebanon. Ảnh: Getty Images

Câu chuyện người tị nạn Syria là một phần của câu chuyện lớn hơn trong cuộc khủng hoảng tị nạn toàn cầu hiện nay.

Trước hết, người tị nạn là những người bị buộc phải rời quê hương của họ do xung đột bạo lực, chính trị, chiến tranh, và sau đó, thường họ bị đưa vào các trại tị nạn ở các nước nhận họ. Các trại tị nạn này là một thất bại ở mức độ toàn cầu: UN cho biết thiếu khoảng 8,4 tỉ đô la để cung cấp các dịch vụ tối thiểu chỉ riêng cho người tị nạn Syria. Đây cũng là những thất bại của các quốc gia: chúng thường khiến người tị nạn kẹt lại đó, không thể hòa nhập vào cộng đồng địa phương để có cuộc sống mới ổn định hơn.

Các trại tị nạn này khiến nhiều gia đình tị nạn, có lẽ do nhìn thấy ít cơ hội để hay kém an toàn, thường tìm đến các nước phát triển, nơi có các chính sách xã hội tốt hơn, thường là các nước châu Âu. Cuộc hành trình thường là hết sức nguy hiểm: nhiều gia đình đã chết đuối khi vượt biển Địa Trung Hải trên những con thuyền không an toàn, như gia đình cậu bé Syria chết đuối tuần trước. Những gia đình này hiểu được nguy cơ, nhưng vẫn phải trả hàng ngàn đô la cho chuyến đi, bởi cho rằng đó là cơ hội duy nhất của họ.

Những cái chết này, phần nào cũng vì các nước phương Tây muốn làm nhụt chí những người di cư không chính thức bằng cách cắt giảm chi phí cứu hộ cứu nạn và bỏ mặc họ sau khi những cuộc cứu nạn người di cư trên biển năm ngoái bị cho là “khuyến khích người nhập cư”.

Mùa thu năm ngoái, Anh cắt giảm ngân sách cho chương trình tìm kiếm cứu nạn Mare Nostrum vốn đã cứu khoảng 150.000 người mỗi năm. Chính quyền Ý cũng chấm dứt hoạt động này tháng 11. Kể từ đó, châu Âu thay thế chương trình này bằng chương trình Frontex, chỉ trong vòng bán kính 30 dặm từ biên giới mỗi nước và không có sứ mạng tìm kiếm cứu nạn. Kết quả là khoảng 2.500 người chết trong mùa hè này.

Đó không phải là tai nạn, mà là kết quả của chính sách tránh xa người tị nạn của châu Âu, và cả của các nước giàu có. Úc thực hiện nhiều hoạt động để hạn chế “thuyền nhân” đến bờ biển nước này, gồm việc giam giữ họ ở những khu vực hẻo lánh hoặc các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương...

Bước tiếp theo của người tị nạn, là những gì xảy ra ở các nước phương Tây hiện nay: khi số lượng những người tị nạn xuất hiện ngày càng lớn, những chính quyền sẽ né tránh người tị nạn và từ chối chấp nhận họ. Có nghĩa là người tị nạn đến châu Âu vẫn phải đến các trại, ngủ vật vờ ở các nhà ga, hay sống trong nỗi sợ hãi bị trục xuất.

Và bước cuối cùng, rồi những vấn đề nhạy cảm về chính trị sẽ phủ lên cộng đồng người nhập cư tị nạn sự phân biệt đối xử, buộc họ phải chịu đựng một cuộc sống bất định về tương lai và căn tính của họ, thậm chí sẽ là qua nhiều thế hệ mới phai nhạt đi.

Thanh Hương (Theo VOX)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Giai đoạn 2011-2015: Phát hiện 208.540 tỷ đồng vi phạm về kinh tế (10/09/2015)

>   Biệt thự, nhà khách của EVN được tính vào giá điện  (10/09/2015)

>   Cảnh báo mạo danh HoREA để lừa đảo (10/09/2015)

>   Khủng hoảng nội bộ ở băng đảng mafia giàu nhất Nhật Bản (10/09/2015)

>   Đại gia Sài Gòn treo cổ tự tử vì tín dụng đen (10/09/2015)

>   Nhà tài phiệt John McAfee tranh cử Tổng thống Mỹ (09/09/2015)

>   Nguyên Tổng Giám đốc Công ty HAIC lạm quyền gây thiệt hại 145 tỷ đồng (09/09/2015)

>   Tham vấn chính sách: Từ diễn đàn, đến nghị trường (09/09/2015)

>   Bắt nguyên giám đốc công ty thuộc Vinacomin (09/09/2015)

>   Chủ tịch Quốc hội gặp Chủ tịch Ngân hàng thế giới tại Hoa Kỳ (09/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật