Thứ Tư, 09/09/2015 11:31

“Fed sẽ gây hoảng loạn nếu tăng lãi suất trong tháng 9”

Ngân hàng Thế giới cho rằng Fed nên hoãn việc tăng lãi suất cho tới khi nền kinh tế toàn cầu trở nên vững vàng hơn.

 

Từ tháng 12/2008 đến nay, Fed duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gây “hoảng loạn và xáo trộn” tại các thị trường mới nổi nếu đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo.

Trao đổi với tờ Financial Times, ông Kaushik Basu cho rằng Fed nên hoãn việc tăng lãi suất cho tới nền kinh tế toàn cầu trở nên vững vàng hơn.

Vị chuyên gia kinh tế trường của WB nói, bất ổn tăng trưởng gia tăng ở Trung Quốc và ảnh hưởng của điều này đối với nền kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc một quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới của Fed sẽ dẫn tới những hệ quả tiêu cực.

Lời cảnh báo của ông Basu một lần nữa nhấn mạnh mối quan ngại gia tăng về khả năng Fed có động thái lãi suất trong cuộc họp 16-17/9.

Từ tháng 12/2008 đến nay, Fed duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%.

Trước WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) cũng khuyến Fed hoãn tăng lãi suất vì lo ngại những bất ổn gần đây trong nền kinh tế và trên thị trường toàn cầu.

Như vậy, nếu tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ đi ngược sự tư vấn của cả hai định chế được tạo ra trong hệ thống Bretton Woods để bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Theo chuyên gia kinh tế Basu, quyết định của Fed tăng lãi suất trong tháng 9 có thể tạo ra một cú sốc và một cuộc khủng hoảng mới ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khi quyết định này được đưa ra trong lúc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang gây lo ngại và Bắc Kinh vừa mới gây “choáng váng” khi phá giá đồng Nhân dân tệ hôm 11/8.

Ông Basu nói, dù Fed đã lên tiếng trấn an, bất kỳ động thái tăng lãi suất nào của ngân hàng trung ương này cũng sẽ dẫn tới việc các dòng vốn chảy mạnh khỏi các nền kinh tế mới nổi và khiến các đồng tiền của các nền kinh tế này biến động mạnh. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng sẽ gây tổn hại đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

“Tôi không cho là bản thân việc Fed sẽ tăng lãi suất sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, nhưng sẽ ngay lập tức dẫn tới sự xáo trộn. Điều này sẽ làm tồi tệ hơn những gì đã xảy ra trong 2 tuần qua sau khi Trung Quốc phá giá đồng tiền”, ông Basu nói.

“Nền kinh tế thế giới đang gặp rắc rối và nếu Mỹ hành động nhanh, thì tôi nghĩ việc đó sẽ ảnh hưởng xấu tới các quốc gia khác”, vị chuyên gia cảnh báo.

Gần đây, Fed phát đi những tín hiệu trái chiều về khả năng tăng lãi suất trong tháng 9. Trong khi thị trường lao động Mỹ tiếp tục mạnh lên, giới chức Fed tỏ ra lo ngại về khả năng lạm phát giảm do sức ép của đồng USD mạnh và giá hàng hóa cơ bản giảm sâu.

Theo ông Basu, dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,8% mà WB đưa ra hồi tháng 6 đến thời điểm này đang trở nên quá lạc quan bởi sự giảm tốc mạnh của những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil cũng như tăng trưởng yếu ở các nền kinh tế phát triển trừ Mỹ.

“Các nền kinh tế mới nổi có thể chịu tác động mạnh nếu tăng trưởng của Trung Quốc sụt sâu. Đây là vấn đề lớn nhất của kinh tế thế giới hiện nay... Nói chung là chúng ta đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Những gì xảy ra trong hai tuần qua cho thấy kịch bản tăng trưởng toàn cầu hiện nay tệ hơn hồi tháng 6”, ông Basu nhận định.

An Huy

vneconomy

Các tin tức khác

>   Dấu hiệu đáng ngại mới của kinh tế Trung Quốc (09/09/2015)

>   Vàng giảm nhẹ chờ Fed họp (09/09/2015)

>   Dầu Brent tăng vọt 4% nhưng WTI rớt mốc 46 USD/thùng (09/09/2015)

>   Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai 13 tháng liên tiếp (08/09/2015)

>   Hàn Quốc dự kiến tăng ngân sách thêm 3% trong năm 2016 (08/09/2015)

>   Kinh tế Pháp nhích chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp chưa giảm (08/09/2015)

>   Indonesia bị cảnh báo rơi vào khủng hoảng nợ (08/09/2015)

>   Doanh số gây thất vọng, Samsung ồ ạt sa thải nhân viên (08/09/2015)

>   ​Bộ trưởng nông nghiệp Ai Cập bị bắt giữ (08/09/2015)

>   Nga và Saudi Arabia đang “cân đong” trong cuộc chiến giá dầu (08/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật