Thứ Năm, 24/09/2015 08:01

Đề nghị lên đề án kiểm soát tài sản trong toàn xã hội

Không ít những đầu việc Chính phủ còn “nợ” sau các phiên chất vấn và trả lời chất vấn...

* Năm 2016 sẽ tập trung kiểm toán những chương trình thuộc kế hoạch 5 năm 2011-2015?

Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra thì việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn hạn chế, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn chưa hiệu quả - Minh họa: Khều.

Tại kỳ họp tới Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến 2015.

Báo cáo về nội dung này của Chính phủ có độ dài 27 trang, còn báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội dài gấp đôi.

Trong hơn 40.000 chữ của bản báo cáo thẩm tra, những việc đã triển khai thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm thuộc trách nhiệm của Chính phủ chiếm dung lượng không nhỏ.

Không chỉ kiểm soát tài sản quan chức

Trong nhiệm kỳ này, nghị quyết của Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Giữa năm 2014, sau chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội yêu cầu cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm toán nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng…

Nay, các cơ quan của Quốc hội đánh giá, tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, quản lý, sử dụng đất, quản lý vốn và tài sản của nhà nước...

Công tác hoàn thiện thể chế trên một số lĩnh vực vẫn còn chậm, quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo, sơ hở để có thể lợi dụng tham nhũng, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế. Công tác phát hiện tội phạm về tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Số vụ tham nhũng được phát hiện vân chưa tương xứng với tình hình thực tế. Công tác tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ cơ quan nhà nước, kể cả ở Trung ương và địa phương còn yếu kém, hầu như không phát hiện hoặc phát hiện được rất ít tham nhũng.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ lại chưa làm rõ được kết quả của hoạt động phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện nghị quyết của Quốc hộị về nội dung này.

Cơ quan thẩm tra đặt ra hàng loạt câu hỏi: kể từ sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành thì hoạt động phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những tiến bộ gì, số vụ việc tham nhũng có dấu hiệu tội phạm được chuyển đến cơ quan điều tra, truy tố, xét xử? số tài sản tham nhũng được thu hồi cho Nhà nước… so sánh với các năm trước có tăng giảm như thế nào?

Vẫn theo đánh giá của cơ quan thẩm tra thì việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn hạn chế, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn chưa hiệu quả.

Từ những kết quả rất hạn chế trên đây, đề nghị được đưa ra với Chính phủ là ngay từ bây giờ cần triển khai xây dựng kế hoạch đề án kiểm soát tài sản của mọi người trong toàn xã hội, trong đó có công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn...

Sắp xếp báo chí còn lúng túng

Bên cạnh phòng chống tham nhũng, các cơ quan của Quốc hội còn chỉ ra hàng loạt các đầu việc Chính phủ còn đang “nợ” ở các mức độ khác nhau.

Như, tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2013 còn chậm. Tại một số tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa, tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn ở mức cao, quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới.

Hay, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian qua có thời điểm còn chưa thật sát thực tế. Nợ công có xu hướng tăng. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn, quy mô nợ xấu vẫn lớn.

Bên cạnh đó, giá điện, giá xăng dầu mới từng bước tổ chức thực hiện quản lý theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và theo xu hướng giá thế giới. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn phức tạp, chưa kiểm soát được.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, cơ quan thẩm tra “phê” việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa còn nhiều bất cập sự xuống cấp về đạo đức xã hội vẫn còn nhức nhối.

Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ quan báo chí còn lúng túng; nhiều sai phạm của các cơ quan báo chí chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng mức, dứt điểm.

Công tác an toàn thông tin ngày càng diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo thẩm tra chỉ rõ.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu một số chỉ tiêu đã được Quốc hội giao nhưng Chính phủ thực hiện còn chưa đạt yêu cầu, trong đó có việc ban hành nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ hay việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp.

Tiến độ xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài, việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài, mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông... cũng là những việc Chính phủ còn đang “nợ”, theo báo cáo thẩm tra.

Nguyên Vũ

vneconomy

Các tin tức khác

>   Chật vật thoái vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro (23/09/2015)

>   Số vốn đăng ký đầu tư của Nga vào Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD (23/09/2015)

>   Giá sữa không chỉ phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài (23/09/2015)

>   Tập đoàn Malaysia gấp rút triển khai dự án nhiệt điện 3,5 tỷ USD ở Việt Nam (23/09/2015)

>   Logistics Việt Nam 'làm thuê' trên sân nhà? (23/09/2015)

>   Đại gia Việt chia lại thị trường (23/09/2015)

>   Đến khi nào Việt Nam mới xuất khẩu được thịt? (23/09/2015)

>   Chính phủ muốn “cứu” một số nhà xuất bản (23/09/2015)

>   Kiểm tra theo kiểu “bắt lầm hơn bỏ sót” (23/09/2015)

>   Mời nước ngoài đầu tư 9 dự án đường sắt (23/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật