Cổ phiếu ngân hàng không phải đang ở mức giá hấp dẫn
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDS) về định giá của cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam, so với các nước trong khu vực, cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam không rẻ và so với quá khứ thì các chỉ tiêu định giá đa số đều ở mức cao.
VDS cho biết đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ngành ngân hàng đã trở thành ngôi sao của năm 2015, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn băn khoăn về định giá cổ phiếu ngành ngân hàng. Theo đó, tham khảo khuyến nghị của Morgan Stanley liên quan đến ngành ngân hàng trong khu vực Châu Á với ý kiến cho rằng “Chỉ số định giá ngành đang ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nên bất cứ thông tin tích cực nào cũng có thể tạo ra những cơn sóng tăng giá, tuy nhiên, với điều kiện vĩ mô hiện tại khó có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng bền vững”.
Dựa trên dữ liệu lịch sử và so sánh một số chỉ tiêu định giá của cổ phiếu ngân hàng so với lịch sử và khu vực, VDS cho rằng có 4/8 cổ phiếu ghi nhận mức tăng vượt trội so với quá khứ và so với thị trường trong năm 2015 gồm BID, CTG, VCB và MBB (ACB dù ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường từ đầu năm đến nay nhưng độ bền của đà tăng không tốt bằng các cổ phiếu khác).
Về định giá của cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam, so với các nước trong khu vực, chỉ tiêu định giá (P/E và P/B) của các cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam không rẻ.
Còn chỉ tiêu ROE có BID và MBB đạt mức tỷ suất sinh lợi tương đương các ngân hàng trong khu vực trong khi chỉ tiêu tăng trưởng thu nhập thấp hơn (trừ ACB và BID ở mức chấp nhận được).
Do đó VDS khẳng định cổ phiếu ngân hàng hiện tại không phải đang ở mức giá hấp dẫn.
Ngoài ra, nhận định thêm về cơ chế mới mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC theo Thông tư 14/2015 ban hành cuối tháng 08/2015 được kỳ vọng hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, VDS cho rằng nhà đầu tư chưa nên đặt nhiều kỳ vọng từ đây.
Theo quy định mới, trái phiếu do VAMC phát hành để mua nợ theo giá thị trường có một số điểm khác so với trái phiếu đặc biệt: (1) hệ số rủi ro là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), (2) mức trích lập dự phòng là 0; (3) Thời hạn trái phiếu là 1 năm, và có thể gia hạn thêm 3 năm so với thời hạn ban đầu nếu được sự đồng ý của trái chủ.
Tuy nhiên, các TCTD có thể có lợi về mặt an toàn hoạt động nếu bán nợ cho VAMC theo giá thị trường nhưng đổi lại có thể sẽ phải chịu mức xóa nợ lớn hơn do mức trích lập dự phòng đối với loại trái phiếu này là 0. Ngoài ra, loại trái phiếu mới cũng có thời hạn ngắn hơn so với trái phiếu đặc biệt, tạo điều kiện để VAMC xoay vòng vốn nhanh hơn để mua các khoản nợ mới.
Mặc dù đồng ý rằng thông tư mới sẽ “tiếp sức” cho quá trình xử lý nợ xấu song VDS vẫn lo ngại về vấn đề việc mua nợ theo giá thị trường của VAMC sẽ bị hạn chế ở giá trị và khối lượng các khoản nợ xấu có thể mua do khả năng về vốn và các quy định về pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo (đặc biệt là tài sản đảm bảo bằng bất động sản) vẫn gây cản trở đối với việc bán nợ của VAMC.
Anh Đức
|