Chính phủ trả lời về Ngân hàng Đông Á
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm tại cuộc họp báo diễn ra chiều 1-9. Thời báo Kinh tế Sài Gòn lược đăng.
Ngân hàng Đông Á đang trong đợt thay đổi về nhân sự. Ảnh TL.
|
- Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đình chỉ chức vụ 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì những sai phạm, xin cho biết quan điểm xử lý đối với trường hợp này?
- Việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongABank) được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.
Ngày 14/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8/2015, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á; đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
- Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại và nhận xét rằng Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng quản trị doanh nghiệp và thể chế, điều hành quốc gia của Nhà nước còn chậm đổi mới nên khả năng nắm bắt, khai thác cơ hội từ hội nhập còn thấp. Xin Người Phát ngôn Chính phủ cho biết ý kiến về nhận xét này?
- Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là chủ động hội nhập quốc tế, chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác tối đa những cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế. Đến nay nước ta đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đàm phán 5 FTA khác.
Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Cùng với các nỗ lực của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi sản xuất của khu vực và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu. Sau khi các FTA có hiệu lực, các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều đạt mức tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể là, xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc sau khi có FTA (mới chỉ tính FTA Hàn Quốc đã kí với ASEAN trong đó có Việt Nam; chưa tính FTA song phương sẽ có hiệu lực tháng 01/2016) tăng bình quân 38%/năm (trước FTA là 16%/năm); vào Nhật Bản tăng 28%/năm (trước FTA là 26%/năm); vào Hoa Kỳ cũng đã vươn lên đứng đầu các nước ASEAN sau hơn 10 năm thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)...
Tuy nhiên, những kết quả này còn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thời gian tới Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Đọc tiếp tại đây
Tư Hoàng
tbktsG
|