Thứ Ba, 01/09/2015 13:00

Bức tranh ngành ngân hàng vẽ lại sau tái cơ cấu

Sau một quãng thời gian tái cơ cấu đầy sóng gió, mặc dù không để xảy ra trường hợp đào thải (phá sản) nhưng vị trí của các ngân hàng cũng đã biến động không ít cùng với thế cục xoay vần.

Số lượng các ngân hàng TMCP Việt Nam tính đến cuối năm 2014 là 37 ngân hàng (giảm từ mức 42 trước đó – tính cả PVF). Sau khi các thương vụ sáp nhập MDB vào MaritimeBank, MHB vào BIDV, PGBank vào VietinBank, SouthernBank vào Sacombank chính thức công bố trong nửa đầu năm 2015 thì số lượng ngân hàng hiện đang rút xuống còn 33 nhà băng.

Nhìn ở quy mô bên ngoài, vị trí của các nhà băng đã ít nhiều thay đổi, được sắp xếp lại với diện mạo mới hơn và tầm vóc lớn hơn đối với nhóm ngân hàng M&A.

Khơi mào “chiến dịch” tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2011 là thương vụ sáp nhập ba ngân hàng Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) cùng Đệ Nhất – Ficombank (FCB) về một nhà. Trước đó, đây chỉ là ba nhà băng thuộc “chiếu dưới” toàn ngành về vốn điều lệ, dao động từ 2,000-4,000 tỷ đồng. Nhưng từ khi về cùng một mái nhà và xóa bỏ thương hiệu TinNghiaBank cũng như Ficombank, Ngân hàng SCB bước sang trang mới với vốn điều lệ năm 2011 tăng lên gần 10,600 tỷ đồng, vượt qua nhóm Á Châu (ACB), Kỹ thương (Techcombank) hay Quân Đội (MBB) vươn lên đứng thứ 6 trong số các ngân hàng TMCP.

Đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của SCB gần tương đương Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) hay Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (EIB) với hơn 12,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thứ hạng này cũng bắt đầu thay đổi khi mới đây vào tháng 5/2015, SCB chính thức tăng vốn lên 14,294 tỷ đồng và đang tạm thời qua mặt Sacombank cùng Eximbank.

Cũng là một thương vụ đổi đời hoành tráng không kém khác, Ngân hàng Phương Tây (WesternBank) với vốn điều lệ 3,000 tỷ đồng nhờ dựa hơi Tổng công ty Tài Chính CP Dầu khí Việt Nam (PVF) mà bỗng chốc bước chân vào chốn “tai to mặt lớn” top 10 toàn ngành ngân hàng và vượt mặt Techcombank từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, sau hợp nhất với tên gọi Ngân hàng Đại chúng (PvcomBank), tuy quy mô vốn lớn nhưng lợi nhuận của nhà băng này vẫn còn khá thấp.

Techcombank cũng phải chật vật giành giật vị trí cuối top 10 với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) khi nhà băng này cùng Ngân hàng Nhà Hà Nội – Habubank (HBB) sáp nhập và có bước tiến đáng kể vươn lên từ nhóm thứ 15-20 về vốn điều lệ toàn ngành kể từ năm 2012 đến nay.

Tương tự như vậy, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) và Ngân hàng Đại Á (DaiABank - DAB) nhờ cộng hưởng sau sáp nhập cũng nâng vị thứ từ 18 lên 12 từ năm 2013 với vốn điều lệ 8,100 tỷ đồng. Mới đây trong năm 2015, Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) chính thức về Ngân hàng Hàng Hải – MaritimeBank (MSB) nâng vốn điều lệ lên 11,750 tỷ đồng, vượt qua MBB, ACB lên đứng thứ 7. Nhưng MBB có thể sẽ lấy lại vị trí này từ MaritimeBank, thậm chí vượt Eximbank bởi đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn lên 16,000 tỷ đồng.

Ở một trường hợp khác, khi Eximbank và NamABank có những động thái được đồn đoán là đang chuẩn bị cho việc sáp nhập thì thậm chí SCB có thể bị hai ngân hàng này vượt mặt nếu về cùng một nhà. Tuy nhiên sau những “rục rịch” thay đổi dòng chảy nhân sự ban đầu tại hai nhà băng này thì có lẽ NamABank vẫn chọn con đường tự tái cơ cấu. Ngoài ra, đây chưa phải là kết quả cuối cùng vì vị trí của SCB cũng có thể bị soán mất bất cứ lúc nào khi Sacombank hoàn tất thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam – SouthernBank (PNB), tăng vốn lên hơn 16,400 tỷ đồng (chưa kể các đợt phát hành tăng vốn từ cổ phiếu thưởng và cổ tức).  

Còn chỗ đứng của các “ông lớn” ngân hàng TMCP Nhà nước vẫn không xê dịch nhiều. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN – BIDV (BID) giữ nguyên vị thứ hai kể cả sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) và tăng vốn lên gần 31,500 tỷ đồng. Hay Ngân hàng Công thương Việt Nam – VietinBank (CTG) vững vàng ngôi đầu bảng với vốn điều lệ có thể lên hơn 40,000 tỷ đồng khi hoàn tất sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Những gương mặt vang bóng một thời như ACB hay Techcombank từ vị trí thứ 6-8 trong những năm trước nay rơi xuống thứ 9-11 và thậm chí có thể xuống thấp hơn khi SHB hoàn tất tăng vốn lên 9,500 tỷ đồng.

Các nhà băng gồm Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) vẫn trong nhóm 3,000-4,000 tỷ vốn điều lệ, tuy nhiên cơ cấu chủ sở hữu đã chuyển hoàn toàn thuộc về Nhà nước sau những thương vụ “mua giá 0 đồng” và chuyển thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Không chỉ vốn điều lệ, bức tranh tổng thể của các ngân hàng cũng có nhiều xáo trộn khi xét về một số chỉ tiêu khác như tổng tài sản hay vị thứ về lợi nhuận. Điển hình như về tổng tài sản, SCB có bước chuyển mình mạnh mẽ từ vị thứ 13 nhảy lên vị trí thứ 4 chỉ sau ba “ông lớn” VietinBank, BIDV và Vietcombank với hơn 242,222 tỷ đồng (cuối năm 2014). MBB cũng có tăng đáng kể về tổng tài sản với hơn 200,000 tỷ đồng, vượt qua Sacombank, ACB, Techcombank, Eximbank…

Hay vị thứ về lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng cũng đảo lộn mạnh. Ngay trong nhóm 3 “ông lớn”, Vietcombank từ top 1 (năm 2010) giảm dần xuống á quân và đến năm 2014 thì tụt xuống thứ ba. Trong khi đó VietinBank vẫn giữ vững ngôi số 1 từ năm 2011 đến nay. ACB, Techcombank từ ánh hào quang top 4-5 thị trường (chỉ sau 3 “ông lớn”) đã lao dốc mấp mé rìa top 10 và đang tạm thời đứng vị trí 7-8 trong năm 2014. Thay vào đó là sự trở mình vươn lên giành vị trí thứ 3-4 của Sacombank và MBB, cùng với sự vượt bậc của VPBank hay TPBank lọt vào top 10, thậm chí VPBank vọt lên thứ 6 (sau Sacombank).

Các vị trí này sẽ còn nhiều biến động trong thời gian sắp tới bởi câu chuyện tái cấu trúc ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc và lộ trình giảm số lượng các nhà băng từ trên 30 về khoảng 15 vào năm 2017 còn dài...

Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng năm 2010 và 2014
ĐVT: tỷ đồng

Đan Thanh

Các tin tức khác

>   Thời kỳ “trăng mật” của tỷ giá (04/03/2016)

>   Bảo lãnh dự án bất động sản: Nhiều ngân hàng “cầm đèn chạy trước ôtô” (31/08/2015)

>   Sacombank ưu đãi cho doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử (31/08/2015)

>   Tiếp tục kéo dài thời gian cho vay ngoại tệ (31/08/2015)

>   Sửa đổi, bổ sung quy định mới về mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC (31/08/2015)

>   DongABank thay kế toán trưởng (28/08/2015)

>   NamABank không sở hữu cổ phần nào của Eximbank (28/08/2015)

>   Câu chuyện DongABank (28/08/2015)

>   NHNN công bố thêm 5 ngân hàng được bảo lãnh cho chủ đầu tư bất động sản (28/08/2015)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm, Cán bộ NHNN trở thành Chủ tịch DongABank (27/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật