Thứ Sáu, 28/08/2015 13:07

Câu chuyện DongABank

Nợ xấu tăng, các khoản phải thu tăng trong khi thu nhập lãi giảm đang là những vấn đề đau đầu tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Và mới đây Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt, liên tục thay đổi thông tin nhân sự điều hành khiến nhiều người e ngại về tương lai của nhà băng này?

* Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm, Cán bộ NHNN trở thành Chủ tịch DongABank

* PNJ: Tăng dự phòng khoản đầu tư vào DongABank, lãi công ty mẹ sau soát xét giảm mạnh

* DongABank: NHNN miễn nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt, cử BIDV sang điều hành

Qua nhiều năm, hiện nhà băng này vẫn chưa có được hướng đi rõ ràng nào cho công cuộc tái cơ cấu.

Lỗ kinh doanh ngoại hối, vàng và chứng khoán

Những năm qua, huy động tiền gửi của khách hàng tại DongABank luôn giữ được mức tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên, hoạt động cho vay lại không được suôn sẻ. Trước kia Ngân hàng tăng trưởng cho vay tương đối khá với khoảng 15% nhưng sau đó sụt giảm mạnh từ năm 2013 và đến cuối năm 2014 thì âm gần 3%.

Điều này đã tác động mạnh đến nguồn thu chính của Ngân hàng. Kể từ năm 2012, thu nhập lãi thuần chững lại và sụt giảm mạnh cả ngàn tỷ đến năm 2014 vừa qua.

Cho vay, tiền gửi và lãi thuần qua các năm tại DongABank
ĐVT: tỷ đồng

Ngoại trừ mảng dịch vụ tăng trưởng ổn định, hoạt động ngoại hối và vàng đã tạo điểm đen tại DongABank, đặc biệt trong năm 2011 và 2012. Lỗ thuần từ ngoại hối và vàng ghi nhận 28 tỷ trong năm 2011 và tăng mạnh mức lỗ lên 138 tỷ vào năm 2012.

Có thể nhận thấy rủi ro kinh doanh vàng trong giai đoạn này như “đi trên dây” bởi từ năm 2010-2012 là lúc giá vàng biến động rất mạnh tăng vọt từ vùng 25 triệu đồng/lượng lên đỉnh 49 triệu đồng/lượng, sau đó trồi sụt và bắt đầu lao dốc kể từ cuối năm 2012.

Cũng trong giai đoạn này, DongABank phát hành giấy tờ có giá tương đối lớn mà chủ yếu trong số này là chứng chỉ tiền gửi vàng. Đây là lượng huy động chứng chỉ tiền gửi vàng ngắn hạn để phục vụ chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng. Chứng chỉ tiền gửi chốt sổ cuối mỗi năm ở mức hàng ngàn tỷ đồng và cao nhất là mức 7,000 tỷ đồng vào năm 2010. Đồng thời, chi phí lãi phát hành giấy tờ có giá của DongABank hạch toán hàng trăm tỷ đồng và chiếm khoảng 10% chi phí lãi trong giai đoạn 2010-2013. Vàng giữ hộ khách hàng tại DongABank có thời điểm lên gần 9,600 tỷ đồng.

Các hoạt động liên quan đến vàng tại DongABank
ĐVT: tỷ đồng
*GTCG: giấy tờ có giá (DongABank không công bố bảng lưu chuyển tiền tệ cũng như thuyết minh về báo cáo tài chính của năm 2014)

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của DongABank cũng lỗ liền nhiều năm liền đến 2013.

Cuối năm 2014, số dư chứng khoán đầu tư tại DongABank tăng mạnh lên hơn 12,300 tỷ đồng, trong đó có gần 3,560 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Hoạt động mua bán chứng khoán của DongABank
ĐVT: tỷ đồng

Chênh vênh dòng tiền!

Cho vay gặp khó nhưng cái khó có lẽ còn lớn hơn của DongABank là các khoản thu nhập lãi ghi nhận này có dòng tiền thực thu hay không? Báo cáo tài chính của DongABank cho thấy các khoản liên quan đến thu nhập lãi thuần đều có sự biến động lớn qua những năm gần đây. Đặc biệt, các khoản phải thu tăng theo cấp số nhân qua các năm, đến cuối năm 2014 đã gần 5,650 tỷ đồng.

Ngân hàng vẫn không công bố bảng lưu chuyển tiền tệ cũng như thuyết minh về báo cáo tài chính của năm 2014. Nhưng nhìn lại năm 2013, trong khi thu nhập lãi của DongABank ghi nhận vào kết quả kinh doanh 6,580 tỷ thì khoản phải thu đã chiếm đến 60% và dòng tiền thực nhận cũng chỉ tương đương 70% thu nhập lãi. Tại nhiều ngân hàng khác, các khoản phải thu thường dưới mức 30% thu nhập lãi, còn dòng tiền chiếm tỷ lệ trên 90%).

Dường như thu nhập lãi của DongABank còn treo nhiều trong khoản phải thu và điều này ít nhiều có liên quan đến nợ xấu của ngân hàng này?

Các khoản liên quan đến thu nhập/chi phí lãi của DongABank qua các năm
ĐVT: tỷ đồng

Báo động nợ xấu

Năm 2012 cũng đánh dấu sự thay đổi lớn về tỷ lệ xấu tại DongABank, tỷ lệ này luôn ngấp nghé gần ngưỡng 4% so với dư nợ cho vay khách hàng cho đến nay. Trong khi trước đây ở mức dưới 1.7%.

Đi kèm đó là sự tăng vọt của nợ quá hạn tại DongABank, gần chạm 7,000 tỷ đồng tính đến hết quý 3/2014.

Tình hình nợ xấu tại DongABank
ĐVT: tỷ đồng

Theo như tâm thư từ ông Trần Phương Bình - Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DongABank vừa được công bố gần đây trên báo chí, nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến DongABank bị thanh tra và kiểm soát đặc biệt, trong đó có liên quan đến việc Ngân hàng đẩy mạnh vào lĩnh vực bất động sản.

Được biết, thống kê từ báo cáo tài chính những năm qua của DongABank cho thấy lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản (chủ yếu là xây dựng) chiếm đến 20-30%, trong đó năm 2013 lên khoảng 32% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Mới đây vào giữa tháng 8/2015, sau nhiều đồn đoán trên thị trường, NHNN đã chính thức công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với DongABank, đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc với ông Trần Phương Bình và Phó Tổng giám đốc với bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cùng với việc chỉ định nhân sự thay thế đến từ BIDV (BID). Tuy nhiên chỉ sau vài ngày cuối tuần, NHNN lại bất ngờ công bố dừng việc bổ nhiệm nhân sự từ BIDV và để DongABank tự cử ra nhân sự thay thế. Ngân hàng cũng đã nhanh chóng cử Phó Tổng giám đốc Nguyễn An tạm thời điều hành DongABank. Tiếp sau đó ít ngày, NHNN cử ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Cao Sỹ Kiêm đã có đơn từ nhiệm.

Là ngân hàng đang gặp hàng loạt các vấn đề về cho vay cũng như nợ xấu, cộng thêm các công bố và quyết định thay đổi bất ngờ từ phía NHNN khiến nhiều nhà đầu tư vẫn đoán già đoán non trái chiều về tương lai của DongABank.

Tại thời điểm thành lập năm 1992, DongABank có vốn điều lệ 20 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) 40%, Công ty May xuất khẩu Phú Nhuận 3%, Công ty TNHH MTV Xây dựng Kinh doanh Nhà Phú Nhuận 30% và CTCP Dịch vụ Phú Nhuận 6%.

Tính đến giữa năm 2015, với vốn điều lệ 5,000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của DongABank gồm PNJ nắm 7.7%, Công đoàn PNJ 0.77%, Công ty TNHH MTV Xây dựng Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (trực thuộc Văn phòng Thành ủy Tp.HCM) nắm 2.14%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa Nhuận (trực thuộc Văn phòng Thành ủy Tp.HCM) 3.78% (cuối năm 2014).

DongABank thường được nhắc đến gắn liền với tên tuổi của ông Trần Phương Bình. Ông đã có 7 năm làm nghề giáo trước khi gắn bó với DongABank. Hiện ông và những người có liên quan sở hữu tổng cộng 9.7% vốn tại DongABank, trong đó vợ ông Bình – bà Cao Thị Ngọc Dung hiện còn là Chủ tịch HĐQT PNJ.

Đan Thanh

Các tin tức khác

>   NHNN công bố thêm 5 ngân hàng được bảo lãnh cho chủ đầu tư bất động sản (28/08/2015)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm, Cán bộ NHNN trở thành Chủ tịch DongABank (27/08/2015)

>   NHNN đã bán ngoại tệ, tỷ giá bớt căng (27/08/2015)

>   Ổn định tỷ giá và mặt trái tấm huy chương (27/08/2015)

>   Ngân hàng khẳng định đang mua bán đôla dưới giá trần (27/08/2015)

>   Tin vào cam kết của ngân hàng nhà nước? (26/08/2015)

>   ANZ: Người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi tiền đồng giảm giá (26/08/2015)

>   Ngân hàng Bản Việt: Tưng bừng cùng “Gửi nhỏ - Trúng to”  (26/08/2015)

>   ACB và số phận các khoản tiền gửi, cho vay liên ngân hàng (26/08/2015)

>   Kết quả kinh doanh quý 2/2015 của VietinBank: Nâng cao chất lượng - tăng trưởng quy mô (26/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật