Thứ Sáu, 25/09/2015 13:36

Banker – kẻ ở người đi

Gắn liền với công cuộc tái cơ cấu của các ngân hàng là những thay đổi lớn lao đặc biệt là về mặt nhân sự. Câu chuyện của những banker - ai ở lại và ai là người ra đi - vẫn đang tiếp diễn với nhiều cái kết bất ngờ khi chuyện bếp núc dần hé mở.

* Bức tranh ngành ngân hàng vẽ lại sau tái cơ cấu

Thay đổi mạnh mẽ nhất trong bộ sậu lãnh đạo chủ chốt thời gian vừa qua là nhóm các ngân hàng đã bị mua lại 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB - nay đã đổi thành CB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) hay Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Những banker quyền lực nắm cương vị chủ chốt – Chủ tịch HĐQT tại các ngân hàng này đều vướng vào vòng lao lý bao gồm cả những gương mặt lâu năm trong giới tài chính như ông Hà Văn Thắm - OceanBank, ông Tạ Bá Long – GPBank hay nhân vật vừa “chân ướt chân ráo” về VNCB là ông Phạm Công Danh.

Cú sốc 0 đồng đầu tiên xuất phát từ VNCB (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín – Trustbank), Ngân hàng tự tái cơ cấu từ đầu năm 2013 với sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh mà ông Phạm Công Danh là Chủ tịch – nắm gần 10% vốn (và các cổ đông mới khác sở hữu 74% vốn). Về với VNCB chưa bao lâu trong cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng, đến giữa năm 2014 ông Danh bất ngờ bị bắt tạm giam cùng với một số cá nhân liên quan khác về các hành vi làm trái quy định Nhà nước, gây thiệt hại cho VNCB hàng ngàn tỷ đồng.

Không chóng đến chóng đi như trên, tại OceanBank và PGBank, ông Hà Văn Thắm và ông Tạ Bá Long đã gắn bó với ngân hàng trong khoảng thời gian dài từ năm 2004 ở vị trí “đầu tàu”. Trong đó, Công ty của ông Thắm – Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – OGC) cùng một đơn vị có liên quan khác là Công ty TNHH VNT đều nắm 20% vốn của OceanBank. Còn ông Tạ Bá Long và những người liên quan cũng nắm đến gần 14% vốn GPBank (tính đến cuối năm 2010). Tuy nhiên, toàn bộ số tài sản này cũng bất ngờ trở thành con số 0 tròn trĩnh sau tuyên bố mua 0 đồng từ Ngân hàng Nhà nước vào những tháng giữa năm 2015 sau một thời gian không thể cứu vãn được tình thế. Ông Thắm và ông Long cũng đã bị bắt tạm giam từ gần cuối năm 2014 và giữa năm 2015.

Sự ra đi ồn ào của các ông chủ nhà băng VNCB, OceanBank, GPBank tạm thời khép lại, giờ đây các ngân hàng này đã 100% thuộc sở hữu Nhà nước. Và bên tiếp quản theo chỉ định từ NHNN sẽ giải quyết nốt những hậu quả còn lại. Một trong những hệ lụy nghiêm trọng để lại tại các ngân hàng này là vấn nạn nợ xấu với tỷ lệ cực kỳ cao. Theo thông tin từ báo chí, trước khi về NHNN thì nợ xấu của VNCB và OceanBank (chi nhánh TpHCM) chiếm lần lượt 99% và 70% tổng dư nợ của ngân hàng, còn tỷ lệ nợ xấu của GPBank lên đến gần 50%.

Trong tình huống sáp nhập các ngân hàng khi tương đồng về chủ sở hữu, câu chuyện trở nên khá đơn giản như ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN – BIDV (BID) và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) vì cùng mang dáng dấp Nhà nước nên cơ cấu nhân sự không thay đổi nhiều, Chủ tịch của MHB cũng về một đội trong HĐQT của BIDV. Còn trường hợp Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB) về một nhà với Ngân hàng Hàng hải VN – MaritimeBank (MSB) thì vị trí Chủ tịch vẫn là ông Trần Anh Tuấn của MSB, còn ông Nguyễn Mạnh Quân rời MDB đầu quân về làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank).

Một thương vụ khác được dư luận khá quan tâm và vừa mới hoàn tất xong là Ngân hàng Phương Nam – SouthernBank (PNB) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB). Dòng nhân sự đã có sự dịch chuyển từ những năm trước, banker một thời – ông Đặng Văn Thành rút hẳn khỏi ngành ngân hàng trong khi ông Trầm Bê và những người liên quan từ Southernbank nắm giữ những vị trí chủ chốt tại Sacombank. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi khi người từ đơn vị bị sáp nhập tiếp quản những vị trí chủ chốt mới của ngân hàng sau sáp nhập.

Còn thông thường ở những ngân hàng M&A khác, nhân sự từ những đơn vị ở thế bị động đa phần đều là người ra đi. Đó là Chủ tịch Habubank (HBB) – ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch DaiABank – ông Quách Văn Đức (đến từ Tổng công ty Tín Nghĩa), đại diện vốn từ CTCP Tập đoàn Kinh Bắc – KBC tại WesternBank đều rút lui khi các ngân hàng này sáp nhập vào SHB, HDBankPVF (sau này là PVcomBank). Còn tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), sau khi sáp nhập, bà Nguyễn Thị Thu Sương (từng công tác tại Ngân hàng Đệ Nhất - Ficombank và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - liên quan đến bà Trương Mỹ Lan - cổ đông của SBC) đang tạm lui về hậu trường với vai trò cố vấn HĐQT (thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014) và nhường chỗ cho một thành viên cũng xuất thân từ Ficombank là ông Đinh Văn Thành.

Suy cho cùng những nhà băng với những ông chủ khác nhau khi về cùng một nhà thì cái kết phải có một người ra đi cũng là điều tất yếu.


Những banker mới toanh trong làng ngân hàng

Mặc dù không phải sáp nhập nhưng tại nhà băng trong diện tự tái cơ cấu như Ngân hàng Quốc Dân – NCB (NVB), Chủ tịch mới là ông Vũ Hồng Nam thay thế gương mặt cũ – ông Nguyễn Vĩnh Thọ (em rể ông Đặng Thành Tâm), bản thân ông Đặng Thành Tâm – Thành viên HĐQT cũng rút hẳn khỏi lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) sau tái cơ cấu với chủ mới đến là ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch Tập đoàn DOJI) còn người ra đi là ông Trương Gia Bình cùng những thành viên liên quan đến CTCP FPT.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những nhà băng mà số phận người ở người đi vẫn chưa có cái kết cuối cùng. Hiện nhân sự chuẩn bị cho hoạt động trong thời gian sắp tới của Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN - Eximbank (EIB) vẫn chưa chốt hạ. Tại DongABank, Chủ tịch Cao Sỹ Kiêm mới từ nhiệm và nhân vật thay thế đến từ NHNN, còn số phận banker Nguyễn Phương Bình chưa biết sẽ ở lại hay ra đi khi chính bản thân ông cũng vừa bị đình chỉ chức vụ Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc. Còn Eximbank vẫn là điểm nóng trong giới ngân hàng hiện nay với những đồn đoán sáp nhập không thành trong khi kết luận cuối cùng của thanh tra vẫn chưa được công bố. Ông Lê Hùng Dũng đã đánh tiếng sẽ từ nhiệm trong thời gian tới nhưng còn những gương mặt quen thuộc khác của Eximbank liệu có trụ hạng lại được hay sẽ là người ra đi?

Đan Thanh

Các tin tức khác

>   DongABank tăng mạnh lãi suất huy động VNĐ (25/09/2015)

>   NamABank tặng thẻ MasterCard cho các thí sinh hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2015 (25/09/2015)

>   Công ty cho thuê tài chính: Mong sớm được mở thêm cơ hội (25/09/2015)

>   Vì sao khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ nợ xấu ngân hàng thấp? (24/09/2015)

>   SouthernBank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ 01/10/2015 (24/09/2015)

>   TPHCM: 9 tháng lượng kiều hối đạt hơn 3,2 tỷ USD (24/09/2015)

>   Thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước (24/09/2015)

>   Soi hoạt động cho vay, nợ xấu ngân hàng năm 2015 (04/03/2016)

>   Nợ xấu ngân hàng đã về 3% (23/09/2015)

>   Còn 3 cặp ngân hàng sở hữu chéo (23/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật