Còn 3 cặp ngân hàng sở hữu chéo
Theo báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến năm 2015, tính đến cuối năm 2014, chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp kiểm soát xử lý nợ xấu. Ảnh internet.
Chiều 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Theo báo cáo thẩm tra, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng đã được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát, hợp nhất, sáp nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.
Có được kết quả này là do Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp kiểm soát xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Sau 3 năm thực hiện (2012-2014) tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012. Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô vẫn lớn và là một rào cản đối với hoạt động ngân hàng.
Hồ Huệ
hải quan
|