Chủ Nhật, 06/09/2015 22:22

Ấn Độ có thể soán ngôi Trung Quốc?

Chỉ mới một tuần sau ngày “thứ Hai đen tối”, Ấn Độ đã hồ hởi cho rằng đất nước này sẽ chiếm ngôi vị “động lực cho kinh tế toàn cầu” của Trung Quốc, trong khi các nhà kinh tế cảnh báo nguy cơ Ấn Độ tự mãn quá sớm.

Nguồn động lực kinh tế mới?

Các số liệu từ New Delhi từ đầu tuần này cho thấy kinh tế Ấn Độ trong quí 2 tăng trưởng 7%, ngang với Trung Quốc, nghĩa là Ấn Độ đang lăm le soán ngôi vị của Trung Quốc về tăng trưởng, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Các lãnh đạo của Ấn Độ đang khó kiềm chế làn sóng tự hào quốc gia đang dâng lên và niềm hy vọng tình hình kinh tế Trung Quốc “lùm xùm” sẽ khiến Ấn Độ “nổi lên”. Họ cũng bắt đầu tính toán các cơ hội cho nền kinh tế nhỏ nhưng đang phát triển nhanh của nước này. Một số vị lãnh đạo nhà nước cho rằng đây là “thời cơ lớn cho Ấn Độ tỏa sáng, đặc biệt là sản xuất”, rằng nước này sẽ trở thành “động lực mới của kinh tế toàn cầu” khi Trung Quốc phát triển chậm lại, sẽ có các cơ hội lớn “tiếp quản” các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc...

May mắn có thị trường nội địa lớn và nguồn lao động giá rẻ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang có nhiều cơ hội đón nhận đầu tư từ nước ngoài. Đến cuối tháng 3, đã có gần 31 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là 9,5 tỉ đô la, tăng 31% so với năm trước.

Vào tháng này, nhà sản xuất iPhone Foxconn tuyên bố khoản đầu tư 5 tỉ đô vào Ấn Độ (trong khi mới đầu tuần này lại hủy dự án đầu tư vào Indonesia). Thông báo này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Sony Corp. đưa vào dây chuyền sản xuất ti vi “sản xuất tại Ấn Độ” đầu tiên, và General Motors hé lộ kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ đô la cho nhà máy chính của họ tại đây.

Từ nhiều năm nay, tăng trưởng ở Ấn Độ là do nhu cầu trong nước, không phải do sản xuất hàng hóa xuất khẩu như Trung Quốc. Hiện nay, tiêu dùng của Ấn Độ là một điểm sáng khi nhu cầu mọi nơi đều giảm sút. Điều này đang khiến chính quyền hy vọng thu hút sản xuất tăng cao ở Ấn Độ, và kéo theo sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp ở một đất nước 1,2 tỉ dân.

Vào tuần của “thứ Hai đen tối”, chứng khoán Ấn Độ chỉ giảm 1,2%, và giảm tổng cộng 8,5% kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Đồng rupee chỉ mất giá 3,4% kể từ lúc đó. Đây là mức sụt giảm thấp nhất trong tất cả các nước châu Á.

Kinh tế Ấn Độ cũng không phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, nghĩa là nhu cầu của Trung Quốc về tài nguyên khoáng sản cũng không ảnh hưởng gì mấy đến đất nước này. Cũng chẳng có nhiều công ty xuất khẩu sang nước thứ ba cạnh tranh trực tiếp với các công ty Trung Quốc để phải lo ngại về đồng nhân dân tệ yếu đi. Vì thế, Ấn Độ có nhiều lý do để lạc quan vào lúc này.

Tự mãn quá sớm

Tuy nhiên, chỉ mới một tuần sau ngày “thứ Hai đen tối” ở Trung Quốc, một số nhà kinh tế đã cảnh báo nguy cơ Ấn Độ nhân dịp này mà tự mãn quá sớm.

Trong khi báo chí Ấn Độ hồ hởi giật các tít như: “Mất mát của Trung Quốc là cơ hội của Ấn Độ”, hay “Đến thời của Ấn Độ”... báo chí phương Tây tỏ ra nghi ngờ và thận trọng. Ít người tin Ấn Độ có thể nắm bắt được cơ hội này nếu không có các cải cách về đất đai, lao động, ngân hàng và thuế. Ngoài ra, với nền kinh tế chỉ bằng một phần năm của Trung Quốc, Ấn Độ khó mà thay thế được vị trí của người láng giềng phía Bắc này.

Các nhà đầu tư Ấn Độ và nước ngoài đều bày tỏ lo ngại về nợ xấu và hệ thống ngân hàng quốc doanh vốn chiếm vị trí áp đảo ở nước này, lo ngại về tình trạng lạm phát liên tục, lãi suất cao, và thất bại mới đây của chính quyền ông Narendra Modi trong việc tiến hành những cải cách khẩn cấp.

Người ta cho rằng kinh tế Ấn Độ cải thiện các quí gần đây là do giá hàng hóa thế giới giảm (trong khi Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn), giúp hạ nhiệt lạm phát và giảm mức độ thâm hụt ngân sách ở nước này. Nhưng những tác động này sẽ không đi được xa để thúc đẩy nền kinh tế đến mức “thần kỳ”.

Tiêu dùng đô thị tăng lên, nhưng tiêu dùng ở nông thôn vẫn còn rất yếu. Do đó, các doanh nghiệp cũng không vội đầu tư công nghệ hay nhà xưởng mới.

Kinh tế Ấn Độ tăng nhanh trong hai thập niên qua, cũng như Trung Quốc. Nhưng phát triển của Ấn Độ chỉ dựa vào dịch vụ và thuê ngoài, lĩnh vực không tốn nhiều nhân sự, dù dân số Ấn Độ đông, trong khi Trung Quốc phát triển dựa vào xuất khẩu, tức đem lại việc làm và giảm nghèo đói. Ngoài ra, trong khi Trung Quốc bắt đầu hướng tới nền kinh tế dịch vụ, hiện nay Ấn Độ lại đang muốn phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp, điều khá khó khăn do nhân lực của nước này có trình độ học vấn, năng suất, kỹ năng lao động thấp hơn nguồn nhân lực Trung Quốc.

Việc bầu Thủ tướng Narendra Modi năm 2014 đem lại hy vọng mở đầu một chương mới cho kinh tế Ấn Độ. Thị trường chứng khoán Bombay tăng nhanh sau đó, đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào.

Tuy nhiên, cải cách đã không dễ như được hứa.

Ông Modi đã không theo đuổi những thay đổi cơ bản về cải cách luật đất đai quốc gia, giúp việc chuyển nhượng đất cho hoạt động công nghiệp, nhà cửa và đường sá dễ dàng hơn. Ông cũng đã bị phía đảng đối lập trong thượng viện ngăn cản việc đưa vào hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ mới có thể giúp Ấn Độ chuyển sang một thị trường thống nhất và loại bỏ hàng loạt các loại thuế và phí phức tạp hiện hành.

Ấn Độ có thể là “nguồn động lực” của kinh tế toàn cầu thay thế Trung Quốc được không? Có lẽ là không. Nhưng ít nhất Ấn Độ cũng có thể kể một câu chuyện mới về tăng trưởng toàn cầu, mà việc Trung Quốc “hụt chân” hiện nay có thể phần nào giúp câu chuyện đó trở thành sự thực.

Thanh Hương

tbtksg

Các tin tức khác

>   Ớn lạnh sân bay chục triệu USD xây rồi bỏ hoang (06/09/2015)

>   Tòa án cho phép Ecuador đòi Chevron bồi thường về môi trường (05/09/2015)

>   Nút thắt ôtô trong đàm phán TPP (05/09/2015)

>   Nga và Nhật Bản hợp tác khoan thăm dò dầu khí ở Việt Nam (04/09/2015)

>   Công nghiệp buôn người vào châu Âu trị giá hàng tỉ USD (04/09/2015)

>   Thâm hụt thương mại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng (04/09/2015)

>   Giá dầu giảm đang “siết” kinh tế Nga tới mức nào? (04/09/2015)

>   Hàng rào thép gai - "nước cờ vô vọng" với khủng hoảng nhập cư (03/09/2015)

>   Hy Lạp huy động hơn 1 tỷ euro từ bán trái phiếu chính phủ (03/09/2015)

>   ECB có thể cân nhắc các biện pháp mới chống giảm phát (03/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật