Công nghiệp buôn người vào châu Âu trị giá hàng tỉ USD
Các quan chức châu Âu khẳng định với việc hàng trăm nghìn người di cư từ Trung Đông đổ vào châu Âu, hoạt động buôn người tại đây đã trở thành một ngành công nghiệp có quy mô hàng tỉ USD.
Người di cư Trung Đông ngủ vạ vật trong một nhà ga ở Budapest, Hungary - Ảnh: Reuters
|
Theo báo New York Times, Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cho biết hoạt động buôn người ở châu Âu hiện đã phát triển thành mô hình kinh doanh trị giá hàng tỉ USD. Các nhóm buôn người đang hoạt động dữ dội ở khắp khu vực, từ Bulgaria, Hungary, Macedonia, Romania cho đến Serbia.
Đại tá Gerald Tatzgern, lãnh đạo đơn vị cảnh sát chống buôn người của Áo, khẳng định chỉ riêng ở Hi Lạp đã có tới 200 đường dây chuyên đưa người di cư từ Trung Đông và châu Phi vào châu Âu.
Ông Rob Wainwright, đại diện Cảnh sát châu Âu (Europol), ước tính hiện có 30.000 cá nhân đang làm việc trong các mạng lưới đưa người di cư vào châu Âu.
Chuyển từ buôn ma túy sang buôn người
Tại Budapest, nơi hàng nghìn người di cư Trung Đông đang bị mắc kẹt tại nhà ga trung tâm thành phố do cảnh sát Hungary cản trở không cho họ lên tàu, các băng nhóm buôn người sẵn sàng trục lợi.
Nhiều kẻ lẩn vào đám đông rỉ tai từng người di cư rằng họ có thể dễ dàng đi sang Áo bằng đường bộ với giá vài trăm USD.
Sau vụ 71 người di cư chết ngạt trong thùng xe tải ở biên giới Áo - Hungary, cảnh sát khu vực đã tăng cường các chiến dịch chống buôn người. Năm nghi can đã bị bắt giữ. Các quan chức Áo mô tả những băng đảng buôn người ở Balkan thường là các nhóm tội phạm địa phương, tận dụng cơ hội kiếm tiền.
Báo Washington Post dẫn lời ông Robert Crepinko, lãnh đạo đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Europol, cho biết có nhiều băng đảng tội phạm đang chuyển từ hoạt động buôn ma túy sang buôn người vì lợi nhuận quá lớn.
“Số hành vi tội phạm tăng vọt theo tỉ lệ thuận với số người di cư đổ vào châu Âu” - ông Crepinko nhấn mạnh.
Sự bùng nổ này quá dữ dội đến mức đơn vị giám sát trên mạng của Europol chịu trách nhiệm theo dõi các hoạt động liên quan đến khủng bố trên mạng xã hội từ ngày 1-7 đã phải chuyển sang theo dõi các hoạt động buôn người.
“Bởi đây là mô hình kinh doanh tội phạm quá béo bở” - ông Patrik Engstrom, một lãnh đạo cảnh sát Thụy Điển, nhận định. Thụy Điển cùng Đức hiện là hai điểm đến hàng đầu của những người di cư từ Trung Đông.
Mỗi chuyến đi hàng chục nghìn USD
Ông Engstrom tiết lộ cảnh sát Thụy Điển mới phát hiện một số nhóm tội phạm đưa người di cư vào nước này bằng ôtô, thậm chí cả bằng máy bay. Với mỗi vé máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Thụy Điển, người di cư phải trả tới 10.000 USD. Khi tới Thụy Điển, họ sẽ được hướng dẫn xin tị nạn chính trị.
Một số quốc gia châu Âu đang tìm cách hạn chế dòng người di cư. Chính phủ Hungary vừa dựng hàng rào thép gai ở biên giới với Serbia để ngăn dòng người di cư đổ vào nước này. Cảnh sát Hungary cũng ngăn cản người di cư ở Budapest lên tàu đi sang Áo.
“Do di chuyển ở châu Âu khó khăn, chi phí người di cư phải bỏ ra càng gia tăng” - chuyên gia Tuesday Reitano, thuộc Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cho biết.
Điều tra của Europol và cảnh sát Thụy Điển cho thấy để đi thuyền từ tây Libya vượt Địa Trung Hải tới Lampedusa, Ý, mỗi người di cư phải trả 900 USD. Một vé tàu từ Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) tới Kos (Hi Lạp) tốn 1.000 - 2.000 USD. Đi đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức tốn kém tới 10.000 - 12.500 USD.
Taxi từ biên giới Serbia - Hungary tới Áo tốn 1.100 - 1.200 USD. Taxi từ biên giới Hungary - Serbia tới Budapest có giá khoảng 200 USD. Và di chuyển từ Budapest tới Vienna (Áo) có chi phí từ 650 - 1.000 USD.
Vấn đề là người di cư luôn phải trả tiền trước cho mỗi chặng đường, do đó bọn buôn người không hề quan tâm đến sự an toàn của họ. Ông Engstrom khẳng định thảm kịch 71 người chết ngạt trong thùng xe chỉ là phần nổi tảng băng.
“Mỗi ngày, mỗi giờ có hàng nghìn người bị đưa đi trong hoàn cảnh tồi tệ. Có nhiều người chết nhưng chúng ta không biết” - ông Engstrom nhấn mạnh.
Nguyệt Phương
tuổi trẻ
|