Vì sao 9 chỉ số chứng khoán rơi vào "bear market"?
Đà lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến nhiều chỉ số trên toàn thế giới giảm điểm dữ dội và bước vào thị trường giá xuống hay thị trường con gấu (bear market).
* Các tỷ phú giàu nhất thế giới mất hơn 120 tỷ USD trong “ngày thứ Hai đen tối”
* Giải mã 5 câu hỏi về “ngày thứ Hai đen tối” của chứng khoán toàn cầu
Thuật ngữ “thị trường giá xuống” được sử dụng một cách khá lỏng lẻo và thường dùng để đề cập đến mức sụt giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một thị trường phải duy trì mức sụt giảm trên 20% trong ít nhất 2 tháng mới được xem là bước vào thị trường giá xuống.
Theo thống kê của CNN Money, 9 thị trường chứng khoán trên thế giới đã rơi vào xu hướng giá xuống sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, trong đó một số thị trường chỉ mới ghi nhận mức sụt giảm 20% trong thời gian gần đây.
1. Trung Quốc
Đây là thị trường là nhà đầu tư cảm thấy bất an nhất. Chỉ số Shanghai Composite hiện đã bốc hơi 42% so với mức đỉnh xác lập trong tháng 6/2015. Và chỉ số này vẫn tiếp tục trượt dài bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của Bắc Kinh.
Đằng sau tình trạng lộn xộn đó là nỗi lo sợ rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Hoạt động nhà máy của nước này đã rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm vào thứ Sáu tuần trước.
2. Nga
Nga đang chịu tác động nặng nề do đà sụt giảm mạnh của giá dầu và các hình phạt kinh tế của phương Tây vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
Chỉ số chứng khoán chính của Nga, RTS, đã rớt hơn 40% trong vòng 12 tháng qua. Theo dự báo, kinh tế Nga có thể sụt giảm 3.4% trong năm nay và đồng rúp đã chạm mức thấp nhất trong 6 tháng vào tuần trước.
3. A-rập Xê-út
Thị trường chứng khoán A-rập Xê-út đã bước vào thị trường con gấu vào cuối tuần qua khi ghi nhận đà sụt giảm hơn 20% so với mức đỉnh xác lập trong tháng 4.
Quốc gia đứng đầu OPEC này đã bị tác động nặng nề bởi sự sụp đổ của giá dầu và mới đây nước này tuyên bố sẽ bắt đầu vay mượn tiền để bù đắp lỗ hổng thâm hụt ngân sách. Được biết, chỉ trong vòng một năm qua, giá dầu đã bốc hơi từ hơn 100 USD/thùng xuống dưới 40 USD/thùng vào ngày thứ Hai (24/08).
4. Brazil
Brazil cũng là một thị trường bị tác động mạnh bởi các khó khăn kinh tế nghiêm trọng của mình. Brazil đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá hàng hóa thấp vì kinh tế nước này phần nào phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, hạt cà phê và đường.
Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil vì thế tình trạng lộn xộn hiện nay tại Trung Quốc càng khiến cho tình hình Brazil càng thêm rối ren.
5. Argentina
Argentina đang đương đầu với rất nhiều khó khăn bắt nguồn từ vụ vỡ nợ 95 tỷ USD của nước này vào năm 2001 – vụ vỡ nợ quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.
Khó khăn tại Argentina càng thêm chồng chất vì bất ổn hiện nay liên quan đến 2 đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Nga và Trung Quốc.
6. Hồng Kông
Hang Seng, chỉ số chứng khoán chính của Hồng Kông, đã trượt dài hơn 24% so với mức đỉnh xác lập trong tháng 4 và thị trường này đã bước vào phạm vi điều chỉnh vào thứ Năm tuần trước do xu hướng sụt giảm tại Trung Quốc.
7. Đài Loan
Taiex là một chỉ số chứng khoán quan trọng khác của châu Á đã rớt vào thị trường con gấu trong tuần trước cùng với Indonesia. Trong khi đó, thị trường chứng khoán các nước Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng đang ngấp nghé mức sụt giảm 20% nhưng đã nỗ lực phục hồi sau đó.
8. Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một quốc gia đang phát triển khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất ổn gần đây. Là một quốc gia phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng giống như nhiều thị trường mới nổi khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn trong các tháng gần đây.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị tác động bởi các bất ổn chính trị. Nước này sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội lần thứ 2 trong chỉ 6 tháng vào tháng 11 tới.
9. Đức
Việc Đức có gia nhập câu lạc bộ thị trường con gấu hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi vì đà lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đẩy chỉ số DAX của Đức rơi vào phạm vi điều chỉnh vào ngày thứ Hai.
Thế nhưng, sau đó chỉ số này đã nhanh chóng phục hồi vào ngày thứ Ba. Trung Quốc, nền kinh tế lớn lớn thứ 2 thế giới, là một thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp của Đức.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|