Techcombank “mượn uy” chính quyền để kéo khách hàng?
Bằng việc “ký kết thỏa thuận hợp tác”, Techcombank “mượn uy” chính quyền để kéo khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Techcombank lại cạnh tranh bằng… “ưu ái” ?
|
Giữa tháng 7/2015, nhiều cơ quan ban ngành tại Hải Phòng bất ngờ nhận được văn bản của UBND TP Hải Phòng liên quan đến việc: Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa UBND TP Hải Phòng và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - PV). Trong Văn bản, UBND TP Hải Phòng nêu rõ: Ngày 31/3/2015, UBND TP đã ký Thỏa thuận hợp tác với Techcombank, nhưng việc triển khai thỏa thuận hợp tác này "còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác".
Do vậy, UBND TP Hải Phòng đưa ra các yêu cầu khá cụ thể với từng khối cơ quan ban ngành:
Đối với việc trả lương qua tài khoản, Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố “xem xét ưu tiên thực hiện việc mở tài khoản thanh toán tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình (tài khoản ATM) tại Techcombank” và “thời gian hoàn thành trong quý III/2015”.
Đối với các Quỹ thuộc thành phố quản lý, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo “Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo đầy đủ số dư tại thời điểm 30/6/2015 theo quy định không phải gửi tại Kho bạc Nhà nước (bao gồm cả các tổ chức hội, đoàn thể thuộc thành phố. Thủ trưởng các ngành, đoàn thể, đơn vị quản lý quỹ có trách nhiệm mở tài khoản giao dịch tại Techcombank, thời gian hoàn thành trong tháng 8/2015”.
Trong văn bản trên, TP Hải Phòng cũng yêu cầu các Ban quản lý dự án thuộc thành phố “tập trung chuyển ngay tài khoản về giao dịch thanh toán và trả lương tại Techcombank”…
Thậm chí, UBND TP Hải Phòng còn yêu cầu, các doanh nghiệp trong địa bàn TP: Tích cực ủng hộ tham gia triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác nêu trên.
Không chỉ Hải Phòng
Còn nhớ tháng 10/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản chỉ đạo “ưu ái” sử dụng các dịch vụ của chính Techcombank sau khi ngân hàng này ký kết các thỏa thuận hợp tác, tài trợ nhiều tỷ đồng cho địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh sau đó vào ngày 16/10/2014 đã thu hồi tất cả các văn bản “chỉ định các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giao dịch với Techcombank”, thừa nhận sự không khách quan trong chỉ đạo, điều hành của mình.
Trong khi Techcombank được ưu ái, các ngân hàng thương mại khác buộc phải đứng ngoài dù Luật Cạnh tranh đã có hiệu lực?
Liệu có vi phạm Luật Cạnh tranh?
Luật Cạnh tranh (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005) quy định: Cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: “1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”
|
V.Dũng
giao thông
|