Thứ Sáu, 07/08/2015 11:12

Nội - Ngoại: Hai vế của chiến lược cạnh tranh

Trước bối cảnh NH nước ngoài đứng chung trong “sân chơi” tài chính Việt Nam, các NHTM trong nước nên có sự nhạy bén để củng cố nội lực, nâng cao vị trí của mình trên thị trường.

Thách thức là không nhỏ

Một thực tế nhìn thấy là các NH ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam ngày càng tăng. Sự tham gia này đồng nghĩa với việc sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt, ở mức độ nào đó đối với nhóm các NHTM trong nước.

2015 cũng là năm Việt Nam chính thức hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cùng với việc ký hai Hiệp định thương mại VKFTA với Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu càng tạo cơ hội cho việc các tập đoàn tài chính, NH nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam.

Tăng cường hiện diện của các TCTD nước ngoài đem tới cho Việt Nam nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho hệ thống NHTM tại Việt Nam là Hiệp định ký kết mở con đường cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng, nhưng FDI của nước nào sẽ ưu tiên hơn với NH của những quốc gia đó, cơ hội để NH nội tiếp cận nguồn vốn này rất hạn chế.

Các NH nội cần phát huy thế mạnh, ưu thế sẵn có để cạnh tranh

Với thị trường Đông Nam Á, hiện NH Kasikorn của Thái Lan đã thành lập 2 Văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM, NH Phát triển Singapore (DBS), Maybank (Malaysia) cũng đã ghi danh vào thị trường tài chính tại nước ta. Mới đây nhất, Việt Nam đã chấp thuận cho Citibank được thành lập NH 100% vốn nước ngoài. Sự kiện này nối dài thêm hệ thống NH 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sau HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank…

Nhìn ra là để ngoảnh lại mình, khi NHTM Việt Nam vẫn bị đánh giá về sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao, cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý còn hạn chế… thì khách hàng phải tìm đến sự lựa chọn khác cũng là điều dễ hiểu.

Tâm lý một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam là sính “đồ ngoại”. Các NH ngoại không chỉ hấp dẫn và thu hút đối với khách hàng là người Việt Nam, mà ngay chính cả các khách hàng ở những quốc gia khác đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi sức hút này.

Cơ sở để lý giải thực tế này rất nhiều, nhưng phải thừa nhận một điều rằng tư duy quản trị, cơ cấu tổ chức ở các NH nội mới chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn. Khách hàng tìm đến NH ngoại vì từ cung cách phục vụ, sản phẩm, chất lượng đều được đầu tư, chú trọng, lấy khách hàng là trung tâm. Việc này ở các NH nội thì chưa có sự đồng bộ trong hệ thống NHTM.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, lương thưởng… cho nhân viên của NH ngoại có phần "thoáng" hơn so với các NH trong nước. Việc này tác động tới chuyện nhân sự là người Việt Nam lại ưu tiên chọn lựa NH nước ngoài để làm việc.

Ai cũng có lợi thế riêng

Trước bối cảnh NH nước ngoài đứng chung trong “sân chơi” tài chính Việt Nam, các NHTM trong nước nên có sự nhạy bén để củng cố nội lực, nâng cao vị trí của mình trên thị trường.

Đây là giai đoạn Chính phủ và NHNN đang triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các TCTD. NH trong nước phải khắt khe hơn trong quản trị nội bộ của mình, công khai, minh bạch, chủ động trong việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đa dạng hoá sản phẩm để thu hút khách hàng tìm đến.

Một động thái được lãnh đạo một NHTM lớn trong nước đưa ra đó là, “mình làm tốt, nhưng nếu truyền thông không tốt, không được nhiều người biết tới thì sẽ là sự thiệt thòi và đáng tiếc”. Vị này chia sẻ thêm, vì vậy, các NH trong nước nên chủ động mời những tổ chức tín nhiệm quốc tế như Moody, S&P… vào để đánh giá mô hình, dịch vụ của NH mình.

Như vậy, các NH sẽ có cơ hội nhiều hơn khi có mặt trong danh sách các giải thưởng quốc tế, khu vực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trao cho các TCTD nổi bật và tiêu biểu. Những NH đã được chứng nhận, đảm bảo một phần nào đó về uy tín, thì khách hàng sẽ an tâm hơn khi tiếp cận vốn NH sẽ kiếm thêm được nhiều khoản tín dụng dồi dào hơn.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về một trong những tiêu chí, được xem là nâng uy tín của NH, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc NHTMCP Quân đội (MB) nhấn mạnh: việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro và tuân thủ Basel đối với các NHTM Việt Nam rất quan trọng. Giao lưu với thị trường của những nền kinh tế lớn, hệ thống NHTM Việt Nam vừa phải hoàn thiện mình, nhưng cũng phải tự “nâng” mình lên với chuẩn quốc tế. Hiệp ước vốn Basel II là cách thức, giải pháp lớn đánh giá về “sức khoẻ” của NH.

“NH Việt nào sớm triển khai được Basel II, NH đó sẽ nâng cao được uy tín của mình”, Phó giám đốc Khối Quản trị rủi ro (VPBank) Đào Gia Hưng nhận định.

Basel II là vấn đề cần có thời gian, không thể một sớm một chiều mà thực hiện được. Do đó một số NH chọn cách bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao là người nước ngoài, hoặc thuê đội ngũ chuyên gia nước ngoài tư vấn cho đơn vị mình được xem là giải pháp “hữu hiệu trước mắt” để nâng cao năng lực cạnh tranh với NH nước ngoài.

Đơn cử như Maritime Bank có tổng giám đốc là người Ấn Độ, Techcombank mới có tân tổng Giám đốc là người Kazakhstan… Và với vị trí là NH nội địa, các NHTM tại Việt Nam vẫn có những ưu thế nhất định: hiểu người dân mình hơn, nhờ đó sản phẩm dịch vụ tiếp cận sát với nhu cầu, thói quen của khách hàng trong nước.

Thêm vào đó, các NHTM luôn có sự hỗ trợ, hướng dẫn và quản lý sâu sát từ phía “ông chủ” lớn của mình - nên việc NHNN lo ngại các TCTD trong nước sẽ bị lép vế so với TCTD nước ngoài tham gia vào thị trường Việt là không có cơ sở. Quan trọng là phải cạnh tranh với những ưu thế sẵn có, phát huy thế mạnh bởi NH nào, TCTD nào cũng đều có lợi thế riêng, không trộn lẫn.

Minh Khuê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Đi tới cùng tái cơ cấu ngân hàng” (07/08/2015)

>   Tỷ giá lại tăng, Vietcombank giãn dần giá bán (07/08/2015)

>   Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém (07/08/2015)

>   30% website ngân hàng có nguy cơ bị tấn công mạng (06/08/2015)

>   VPBank: Chi phí dự phòng rủi ro quý 2 hơn 860 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ (06/08/2015)

>   VAMC đã thu hồi được hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu (06/08/2015)

>   MBB đưa ra sản phẩm chuyên biệt tài trợ vốn cho doanh nghiệp ngành nhựa (06/08/2015)

>   Vừa thiếu hụt tạm thời, vừa thiếu hụt lâu dài (06/08/2015)

>   Báo động tội phạm thẻ (05/08/2015)

>   Nợ xấu cao do mở hàng loạt ngân hàng? (05/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật