Vừa thiếu hụt tạm thời, vừa thiếu hụt lâu dài
Nhìn chung bản chất của việc đi vay là thiếu tiền. Tức là anh không đủ tiền để chi tiêu thì mới phải đi vay, không có chính phủ hay tổ chức nào dư thừa tiền lại đi vay cả. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải phân biệt giữa việc thiếu hụt tạm thời với thiếu hụt lâu dài.
* Vay 30.000 tỉ đồng để làm gì?
Việc Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm ứng hoặc cho ngân sách nhà nước (NSNN) vay khoảng 30.000 tỉ đồng là một tín hiệu cho thấy sự thiếu hụt NSNN vừa mang tính tạm thời vừa mang tính lâu dài.
Nó mang tính tạm thời, cũng như lý giải của Bộ Tài chính và NHNN, bởi đó là hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước nhằm khắc phục sự lệch pha tạm thời giữa thu và chi trong năm chứ không phải tình hình NSNN quá khó khăn so với dự kiến. Khoản vay này sẽ được hoàn trả ngay trong năm. Đây cũng là hoạt động ngân sách đôi khi vẫn xảy ra ở các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng phản ánh sự thiếu hụt lâu dài bởi NSNN trong những năm qua, mặc dù chưa hạch toán đầy đủ các khoản chi như thông lệ quốc tế, nhưng luôn trong tình trạng thâm hụt và với mức độ ngày càng cao. Do vậy, NSNN không có dự trữ để bù đắp cho sự lệch pha tạm thời giữa thu và chi trong năm tài khóa.
Hơn nữa, bên cạnh đề nghị vay 30.000 tỉ đồng từ NHNN mới đây thì trong tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã phải phát hành 23.000 tỉ đồng tín phiếu kho bạc kì hạn 3-6 tháng để chi tiêu tạm thời. Đi vay một lượng lớn trong khi thu NSNN trong 7 tháng đầu năm, như khẳng định của Bộ Tài chính, đang tích cực (đạt xấp xỉ 60% so với dự toán và tăng 6-7% so với cùng kỳ) thì đó là tín hiệu cho thấy thâm hụt NSNN năm nay sẽ khó dừng ở mức 5% GDP như phê duyệt của Quốc hội.
Phải đi vay với khối lượng lớn trong điều kiện thu NSNN nói chung không gặp khó khăn là tín hiệu cho thấy thâm hụt NSNN năm nay sẽ khá lớn. Ảnh minh họa: cơ cấu và nguồn thu NSNN nửa đầu năm 2015. Ảnh Thời báo Tài chính
|
Dù vì lý do gì đi chăng nữa thì theo tôi việc Chính phủ phải đi vay tiền từ NHNN, ngay cả trong trường hợp chỉ là tạm thời, là một tín hiệu không tích cực của NSNN, đặc biệt là khi phải đi vay với khối lượng lớn trong điều kiện thu NSNN nói chung không gặp khó khăn gì (như khẳng định của Bộ Tài chính). Nó cho thấy nhu cầu chi đang quá lớn, mà lại chủ yếu chi thường xuyên và trả nợ.
Trong trường hợp Bộ Tài chính cần phải vay từ NHNN thì cũng cần phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định như: i) cần phải hoàn trả ngay trong năm tài khóa; (ii) phải chi trả theo lãi suất thị trường. Không nên để tồn tại tình trạng khu vực tư nhân phải vay với lãi suất cao, trong khi Chính phủ lại có thể được đặc cách vay từ NHNN không lãi suất hoặc lãi suất quá thấp so với lãi suất thị trường. Như thế sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư, gây ra những méo mó trên thị trường.
Đặc biệt, những thông tin vay mượn, hoàn trả và lãi suất này cần cần phải minh bạch để người dân có thể giám sát. Việc công bố thông tin của NHNN cần phải được thể chế hóa. Giống như Bộ Tài chính công khai dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm, NHNN nên công khai Bảng cân đối của mình. Nếu những thông tin liên quan đến vay mượn là rõ ràng, người dân có thể theo dõi và giám sát được thì đề xuất vay tiền tạm thời từ NHNN của Bộ Tài chính sẽ không gặp phải sự lo lắng và phản ứng của công luận như thời gian vừa qua.
TS Phạm Thế Anh/ Đại học Kinh tế Quốc dân
tbktsg
|