Mở “đường bơi” cho cá tra
Trước áp lực từ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, mở “đường bơi” cho cá tra đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị, đặc biệt là sự “phân khúc” để phù hợp với từng thị trường... Đó là những ý kiến được nêu bật tại Hội nghị “Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra” diễn ra ngày 30.7 tại TP. Cần Thơ.
Quá nhiều bất cập
Nuôi cá tra hiện vẫn tập trung tại vùng ĐBSCL, chủ yếu là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… Đây là một trong những mặt hàng chủ lực của quốc gia, đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu trong cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 25 - 30% về giá trị xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), phát triển cá tra trong 15 năm qua ở nước ta mang tính chất tự phát: Tự nuôi, tự chế biến và tiêu thụ diễn ra một cách tự nhiên mà không có sự định hướng phát triển kịp thời của Nhà nước.
Cần “phân khúc” thị trường để mở “đường bơi” cho cá tra (trong ảnh là hoạt động tại một DN chế biến xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp). Ảnh: TRẦN LƯU
|
Giá bán sản phẩm cá tra hiện nay tuỳ thuộc chủng loại sản phẩm nhưng thấp hơn so với sản phẩm tương tự trên thế giới khoảng 30 - 40%. Trong khi đó, giá bán sản phẩm cá tra trong nước lại quá cao so với xuất khẩu khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, cá tra phi lê đông lạnh chiếm đến trên 92%, các DN chưa thực sự quan tâm đúng mức phát triển chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, ngoài ra, cũng chưa xây dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam, thị trường trong nước hầu như còn bỏ ngỏ, chưa định hướng được thị trường thế giới mặc dù chiếm đến 90% sản lượng.
Cần “phân khúc” thị trường
Ông Lê Vĩnh Tân - Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư - cho rằng: “Có những thị trường không đòi hỏi công nghệ cao, chỉ cần con cá tra cắt khúc, vẫn tiêu thụ được số lượng rất lớn. Nhưng vẫn có những thị trường đòi hỏi công nghệ gắt gao. Do đó, phải “phân khúc thị trường”, thâm nhập và tìm hiểu kỹ, xem yêu cầu từng nơi như thế nào để có công nghệ phù hợp, không thể lấy công nghệ chung của con cá tra để xuất khẩu cho toàn bộ gần 150 thị trường trên thế giới.
Trên cơ sở này, cần cơ cấu lại quy mô, trình độ của các DN sao cho phù hợp với từng loại thị trường, không thể để các nhà máy yếu kém tiếp tục hoạt động. Việc tái cơ cấu là vô cùng cần thiết, trong đó, các DN cá tra đều là DNTN nên tái cơ cấu cần có chính sách, cơ chế chứ không thể áp dụng các “biện pháp hành chính”. Cơ chế, chính sách cần phân rõ cái nào của Nhà nước làm, hiệp hội làm gì, người nuôi làm gì…
Ông Như Văn Cẩn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp - nêu ý kiến: Cần tổ chức lại sản xuất cá tra trên cơ sở liên kết, loại bỏ trung gian, hợp tác sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, là củng cố thị trường cũ, phát triển thị trường nội địa cũng như thị trường mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ mới, đa dạng hóa, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành - yếu tố quyết định tính cạnh tranh trên thị trường.
Còn theo bà Trần Thị Thu Nga - Phó ban Phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Nhà nước cần mạnh dạn quyết định giải thể các DN đăng ký sản xuất giống, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến xuất khẩu thủy sản… nhưng không đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư không đảm bảo theo quy hoạch, dự án được duyệt; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có bản lĩnh nghề nghiệp, dám mạnh dạn kêu gọi hợp tác đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế…
Nhiều chuyên gia đề xuất, việc “giải cứu” con cá tra cần có một hội đồng hoặc ban chỉ đạo để xử lý chung chứ không thể nhiều bộ, ngành cứ đưa ra những góc nhìn, giải pháp khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo. Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Lê Vĩnh Tân kiến nghị: “Nên chăng sẽ lập một quỹ tương đương quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay. Mỗi khi gặp khó khăn, quỹ này sẽ hỗ trợ các DN cá tra trong khối giữa các nhóm thị trường khác nhau”.
Trần Lưu
lao động
|